Giá vật tư y tế giữa các bệnh viện chênh 6 đến 7 lần
Hầu hết các bệnh viện có sự phê duyệt giá kế hoạch khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất và cùng một nhà cung cấp, giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất có sự khác biệt rất lớn, trong đó, nhóm vật tư có loại gấp 6,7 lần.
Hàng loạt bệnh viện lớn vi phạm
Qua kiểm toán chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT) đối với Bộ Y tế và 8 tỉnh, thành (Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Giang, Bình Dương), KTNN đã phát hiện nhiều vi phạm.
Qua kiểm toán tại thành phố Hà Nội, KTNN phát hiện, có tình trạng đầu tư, mua sắm TTBYT cho các bệnh viện không thuộc Quy hoạch phát triển hệ thống y tế của Thành phố. Trong khi đó, một số danh mục được đầu tư, phải hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015 lại chưa được khởi công xây dựng hoặc chưa hoàn thành.
KTNN cũng chỉ rõ, tại một số đơn vị được kiểm toán, công tác lập dự toán chưa được thực hiện đầy đủ, còn mang tính hình thức, chưa bố trí đủ kinh phí để thực hiện công tác kiểm định, kiểm chuẩn, bảo dưỡng, sửa chữa TTBYT theo quy định. Một số đơn vị lập danh mục TTBYT chưa phù hợp, chưa sát với nhu cầu thực tế dẫn đến phải phê duyệt điều chỉnh, bổ sung; lập giá kế hoạch chưa có căn cứ, cơ sở tin cậy…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn thẩm định, phê duyệt dự toán chậm, vượt thời gian quy định; một số gói thầu phê duyệt danh mục mua sắm còn thiếu căn cứ, chưa tổng hợp hết ý kiến của các thành viên trong Hội đồng khoa học. Thậm chí, tại tỉnh Lai Châu còn không thành lập Hội đồng khoa học để thẩm định danh mục y tế trước khi đầu tư.
Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hội đồng khoa học họp thông qua danh mục cấu hình sơ bộ và dự toán TTBYT một số gói thầu cho có thủ tục để hợp lý hóa, không tiếp thu ý kiến thẩm định của Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, không trình Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch đấu thầu mà thực hiện mua trực tiếp theo kết quả đấu thầu của bệnh viện khác.
KTNN cũng đánh giá, công tác thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ Y tế còn chậm. Đặc biệt, Bộ chưa cập nhật được giá trúng thầu của vật tư, hóa chất trên phạm vi toàn quốc để làm cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác xây dựng và phê duyệt giá kế hoạch, lựa chọn nhà thầu; chưa có hướng dẫn phân loại các vật tư, hóa chất theo nhóm, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với từng loại dịch vụ y tế để làm căn cứ phê duyệt giá kế hoạch, tránh tình trạng một mặt hàng nhưng có nhiều đơn vị trúng thầu với các mức giá khác nhau.
Qua kiểm toán cho thấy, có nhiều loại vật tư, hóa chất giá trúng thầu giảm so với giá kế hoạch như: Bệnh viện K có 7 loại giảm từ 34,9 - 449,5%; Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư có 4 loại giảm từ 33 - 191%; Bệnh viện Thống nhất có 5 loại giảm từ 40,3 - 238,3%...
Hầu hết các bệnh viện có sự phê duyệt giá kế hoạch khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất và cùng một nhà cung cấp, giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất có sự khác biệt rất lớn. Trong đó, nhóm vật tư có loại gấp 6,7 lần (giá 1 kim cánh bướm của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là 1.090 đồng, Bệnh viện Chợ Rẫy là 7.350 đồng), có loại gấp 4,8 lần (giá 1 dây truyền huyết thanh tại Bệnh viện Bạch Mai là 3.675 đồng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là 18.000 đồng). Tương tự, nhóm hóa chất có loại gấp 5,8 lần, có loại gấp 3,1 lần và có loại gấp 3 lần.
Còn tại các địa phương, KTNN phát hiện hiện tượng chia nhỏ gói thầu để thực hiện chỉ định thầu. Cùng với đó, việc thẩm định kế hoạch, lựa chọn nhà thầu còn mang tính hình thức, bất cập khi xác định theo báo giá do chủ đầu tư thu thập từ các DN cung cấp (không phải là đơn vị nhập khẩu chính thức), thiếu sự phân tích, đánh giá của đơn vị chuyên môn nên chưa phản ánh chính xác, khách quan giá thị trường.
Mua về “đắp chiếu”, chưa dùng đã hỏng
Kết quả kiểm toán các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cho thấy, việc quản lý, sử dụng TTBYT tại một số đơn vị còn thiếu chặt chẽ nên có tình trạng TTBYT sử dụng kém hiệu quả, ít sử dụng, gây lãng phí.
Tại 15 đơn vị kiểm toán chi tiết, có 98 thiết bị chưa sử dụng và thiết bị ít sử dụng, tương ứng với 46,5 tỷ đồng; có 157 thiết bị hỏng chưa kịp thời sửa chữa tương ứng gần 74,7 tỷ đồng; 228 thiết bị hỏng không sửa chữa được tương ứng 45,8 tỷ đồng, trong đó, một số đơn vị có thiết bị mới đưa vào sử dụng nhưng đã bị hỏng, phải sửa chữa, khắc phục; thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được.
Theo kết quả kiểm toán tại 8 tỉnh, thành phố, tổng số trang thiết bị hỏng, sử dụng còn hạn chế là 1.225 thiết bị với tổng nguyên giá là hơn 371,8 tỷ đồng, trong đó: trang thiết bị hỏng không khắc phục được là 649 thiết bị, tổng nguyên giá 68,5 tỷ đồng; trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị, tổng nguyên giá 151,7 tỷ đồng; trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị, tổng nguyên giá 151,5 tỷ đồng. Cá biệt, còn khá nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng.
Kiểm toán chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác xác định nhu cầu đầu tư chưa chính xác; công tác quản lý thiết bị tại cơ sở y tế, trình độ bác sỹ, kỹ thuật viên vận hành, bảo trì, sửa chữa thiết bị y tế còn hạn chế; kinh phí cấp cho hoạt động duy tu, sửa chữa thiết bị hạn hẹp, không đáp ứng được nhu cầu; nhiều thủ tục hành chính làm chậm thời gian sửa chữa thiết bị…
Tại các địa phương, nhiều thiết bị còn tồn đọng đã làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Trong khi đó, tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện lại chưa được trang bị đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế; Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Pháp y thiếu khá nhiều danh mục TTBYT thiết yếu…
Tiền Phong