MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vé máy bay Tết cao ngất, các hãng bay đang 'ném đá dò đường'?

01-10-2023 - 13:19 PM | Thị trường

Giá vé máy bay Tết cao ngất, các hãng bay đang 'ném đá dò đường'?

Hơn 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2024, song nhu cầu sum họp gia đình cũng như đi du lịch tăng cao khiến giá vé máy bay Tết trên một số chặng tăng chóng mặt.

Không chỉ đắt đỏ trên các đường bay nhộn nhịp khi hàng nghìn công nhân, người lao động về quê ăn Tết mà sức nóng về giá vé máy bay từ Hà Nội/TP.HCM đến các điểm du lịch như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng... vào kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn cũng tăng nhanh.

Giá vé cao ngất ngưởng

Khảo sát của VTC News sáng 1/10 cho thấy, giá vé máy bay khứ hồi Tết Nguyên đán 2024 trên một số chặng bay được bán với mức 3,7 - 6 triệu đồng/vé tùy hãng, thời điểm bay và ngày bay (đã gồm thuế, phí). Cá biệt, có những chặng chặng bay như Hà Nội - Phú Quốc giá cao ngất ngưởng, dao động từ 6 triệu đến hơn 8 triệu đồng/vé khứ hồi.

Cụ thể, giá vé khứ hồi chặng đi ngày 11/2/2024 (tức mùng 2 Tết) và chặng về ngày 18/2/2024 (tức mùng 9 Tết) từ Hà Nội đi Phú Quốc của hãng hàng không (đã bao gồm thuế, phí) VietJet Air có giá 6.188.000 đồng; Vietnam Airlines: 8.438.000 đồng;  Bamboo Airways: 8.170.000.

Chặng bay Hà Nội - Nha Trang của VietJet Air có giá 4.567.000 đồng; Bamboo Airways:   6.400.000 đồng và Vietnam Airlines: 6.929.000  đồng.

Giá vé máy bay Tết cao ngất, các hãng bay đang 'ném đá dò đường'? - Ảnh 1.

Thời điểm này các hãng bay đưa ra mức giá cao để đánh giá nhu cầu khách hàng (Ảnh minh hoạ).

Trong khi đó chặng bay Hà Nội - Đà Lạt của VietJet Air có giá 4.416.000 đồng; Bamboo Airways: 5.644.000 đồng và Vietnam Airlines: 6.024.000đồng.

Chặng bay rẻ nhất là Hà Nội – Cần Thơ đi ngày 11/2/2024 (tức mùng 2 Tết) và chặng về ngày 18/2/2024 (tức mùng 9 Tết) của VietJet Air có giá chỉ 2.969.000 đồng; Vietnam Airlines: 2.795.000 đồng; cao nhất thuộc về Bamboo Airways: 4.390.000 đồng.

Còn chặng TP.HCM - Phú Quốc được coi là mềm hơn với giá của hãng VietJet Air là 3.726.000 đồng; Vietravel Airlines: 3.832.000 đồng; Bamboo Airways: 4.112.000 đồng và Vietnam Airlines: 4.010.000 đồng.

Giá vé khứ hồi chặng TP.HCM - Đà Nẵng của VietJet Air là 4.660.000 đồng; Vietravel Airlines: 4.912.000 đồng; Bamboo Airways  có giá 5.192.000 đồng và Vietnam Airlines: 5.090.000 đồng

Trong khi đó, chặng Hà Nội - TP.HCM của VietJet Air là 5.496.000 đồng; Vietravel Airlines: 5.850.000 đồng; Bamboo Airways: 5.904.000 đồng và Vietnam Airlines: 6.487.000 đồng và chiều đi của Pacific Airlines, chiều về của Vietnam Airlines có giá 7.250.000 đồng.

Trả lời VTC News, anh Nguyễn Đức Trung, đại lý vé máy bay tại phường Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, năm nay khách đặt mua vé sớm nên một số chặng, điển hình như Hà Nội - Phú Quốc, TP.HCM – Hà Nội giá vé máy bay đắt hơn và cũng hết nhanh hơn.

“Năm ngoái, giá vé 2 chặng này dịp Tết chỉ tầm 4,5 triệu đồng. Năm nay giá vé đắt gần gấp đôi. Đắt mà vẫn đông khách đặt. Thế nhưng, tôi và một số đại lý không dám ôm nhiều booking vì sợ sát Tết, các hãng hàng không tăng chuyến, thêm hàng nghìn chỗ, khi đó giá lại rẻ hơn cả đặt sớm”, anh Trung nói.

Các hãng bay đang “ném đá dò nhu cầu thị trường”?

Trả lời VTC News sáng 1/10, ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty lữ hành Vietluxtour - cho biết, năm nào cũng vậy, giá vé máy bay dịp Tết cao hơn so với bình thường bởi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, trong đó có nhu cầu về quê, thăm thân, đi du lịch…

Tuy nhiên, nếu cao quá sẽ dẫn đến nhiều điểm đến nổi tiếng của Việt Nam rơi vào cảnh ế ẩm bởi tác động từ giá vé máy bay. Giá vé cao ngất ngưởng khiến du khách không dám đi chơi, hoặc có đi thì đổi địa điểm gần, chọn phương tiện khác như tàu hỏa, xe cá nhân,...

“Nếu giá vé trong nước cao quá, nhiều du khách đã lựa chọn chuyển hướng du lịch trong nước sang du lịch các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Malaysia... với mức giá cao hơn trong nước không đáng kể. Giá tour trọn gói chỉ 8 - 10 triệu đồng, bay hàng không 4 - 5 sao, hành trình 4 ngày với điểm tham quan lý thú, khách sạn trung tâm, ăn uống tốt, dịch vụ chuyên nghiệp,....

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của các hãng hàng không, mà còn ảnh hưởng đển các công ty du lịch lữ hành, dù các công ty du lịch lữ hành đã có kế hoạch đặt vé máy bay trước cả nửa năm trời”, ông Dũng cho biết.

Ông Dũng cho biết thêm, năm nào khách hàng cũng than thở về câu chuyện giá cao, nhưng nó phải phụ thuộc vào cung cầu. Nếu giá cao quá, người dân còn khó khăn, họ sẽ cắt giảm chi tiêu, đi lại ít, khi đó các hãng bay sẽ phải giảm giá, bởi thực tế, thời điểm này các hãng hàng không mới lên kế hoạch một số chuyến bay cố định.

Giá vé máy bay Tết cao ngất, các hãng bay đang 'ném đá dò đường'? - Ảnh 2.

Các hãng hàng không đang đánh giá nhu cầu thị trường dịp Tết? (Ảnh minh hoạ).

“Đến dịp gần Tết, các hãng hàng không sẽ có kế hoạch tăng chuyến, lúc đó lượng ghế trống còn nhiều, các hãng bay buộc phải giảm giá để kích cầu người dân đi lại. Câu chuyện này cứ lặp đi lặp lại nhiều năm, dẫn đến cảnh người mua vé sớm bị đắt hơn tiền triệu so với người mua vé cận Tết.

Bản thân các hãng hàng không cũng phải xem xét vào nhu cầu của thị trường để cân đối trong kinh doanh. Nếu giá đó không ai đi thì họ buộc phải giảm giá, còn giá đó vẫn nhiều người đi thì có thể họ sẽ tiếp tục tăng giá tiếp. Đó là quy luật thị trường. Tuy nhiên khi giá tăng thì người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu chi phí, người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khá nặng nề”, ông Dũng nói.

Trả lời VTC News sáng 1/10, ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) - cho biết, giá vé năm nay cũng giống như các năm trước. Giá vé do các hãng đưa ra phụ thuộc vào chính sách của từng thời điểm.

“Tại thời điểm này giá vé cũng chưa nói được điều gì. Bây giờ người ta cứ đưa giá cao để thăm dò thị trường. Giai đoạn đầu bao giờ người ta cũng đưa ra giá cao tại một thời điểm nào đấy, vào khung giờ bay nào đấy để những ai có điều kiện và có lịch bắt buộc phải đi vào khung giờ và thời điểm đó.

N gười ta đang kỳ vọng ở phân khúc đó và bán được với giá cao đấy, còn những khung giờ khác, ngày khác thì giá cũng sẽ khác. Bây giờ cũng không thể khẳng định giá cao như vậy có thể tồn tại được trong cả giai đoạn Tết, ở tất cả các chặng bay  hay chỉ ở một thời điểm. Khi giá vé cao, không bán được thì các hãng bay phải tự điều chỉnh giá”, ông Đăng nói.

Ông Đăng cũng cho biết thêm, giá vé các hãng đưa ra hiện vẫn nằm trong khung giá trần quy định. Khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, chắc chắn các hãng sẽ tăng chuyến để khai thác tối đa lượng khách.

“Cục hàng không cũng theo dõi sát sao và yêu cầu các hãng bay cung cấp số liệu khách hàng booking. Khi lượng khách đạt 70% thì cục yêu cầu các hãng nghiên cứu đề xuất tăng chuyến để khai thác và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Khi chuyến tăng thêm, nguồn cung tăng thì giá vé cũng sẽ phải điều chỉnh theo thị trường. Cục không thể yêu cầu các hãng đưa ra một nguồn cung lớn kinh khủng, đến khi không thực hiện được thì rất lãng phí. Đây cũng là bài toán kinh doanh của mỗi hãng bay”, ông Đăng khẳng định.

Theo Phạm Duy

VTC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên