MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xăng dầu có thể tăng mạnh vào ngày mai (27/4)

26-04-2021 - 14:11 PM | Thị trường

Nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng 160 - 200 đồng/lít.

Nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng 160 - 200 đồng/lít.

Giá xăng, dầu trong nước ở phiên điều chỉnh ngày mai (27/4) có thể tăng theo xu hướng của thế giới. Nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng 160 - 200 đồng/lít.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 22/4 tăng so với kỳ tính giá ngày 12/4.

Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình 72,46 USD/thùng, xăng RON 95 là 74,82 USD/thùng, cùng tăng gần 3% so với kỳ trước. Riêng xăng RON 95 có thời điểm lên hơn 77,06 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 6/1/2020. Trong khi đó, giá trung bình của các mặt hàng dầu cũng có xu hướng đi lên, dầu hỏa có ngày chạm mức 69,45 USD/thùng.

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay (26/4), tiếp đà lao dốc của tuần trước do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại hai nhà nhập khẩu lớn của thế giới là Ấn Độ, Nhật Bản. Cụ thể, vào lúc 7h15 (giờ Việt Nam) ngày 26/4, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,23% xuống 62 USD/thùng. Còn giá dầu thô Brent giao tháng 6 cũng giảm 0,26% xuống 65,25 USD/thùng.

Các chuyên gia nhận định, giá xăng, dầu thế giới gần đây tuy có những ngày giảm nhưng xu hướng chung vẫn là tăng nhẹ. Vì vậy, giá xăng, dầu trong nước ở phiên điều chỉnh vào ngày mai (27/4) có thể tăng theo xu hướng của giá xăng, dầu thế giới.

Nếu không tác động đến quỹ bình ổn, ở kỳ điều hành này giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 160 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng 240 đồng/lít. Trong khi đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel có khả năng tăng 260 đồng/lít; dầu hỏa tăng 370 đồng/lít và dầu mazut tăng 200 đồng/kg.

Giá xăng dầu có thể tăng mạnh vào ngày mai (27/4) - Ảnh 1.

Các chuyên gia nhận định, giá xăng, dầu thế giới gần đây tuy có những ngày giảm nhưng xu hướng chung vẫn là tăng nhẹ.

Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi Quỹ BOG, giá xăng có thể tăng ít hơn hoặc sẽ được giữ nguyên.

Hiện nay, mức chi Quỹ BOG xăng dầu khá cao. Từ đầu năm đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 200-2.000 đồng/lít/kg đối với các loại xăng, dầu.

Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ tăng trở lại ngay sau khi giảm nhẹ vào ngày 12/4. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 5 lần tăng với mức tăng tổng cộng 2.333 đồng/lít với xăng E5 và 2.567 đồng/lít với xăng RON 95. Giá xăng chỉ giảm 1 lần với mức giảm 45-76 đồng/lít.

Phiên điều chỉnh trước đó, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 17.806 đồng/lít và xăng RON 95 là 18.970 đồng/lít. Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, dầu. Tuy nhiên, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.800 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 950 đồng/lít và dầu mazut là 500 đồng/kg; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; dầu diesel 250 đồng/lít.

Bộ Công Thương mới đây vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Bộ kiến nghị bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không quá 35% cổ phần tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ra khỏi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014.

Bộ nêu rõ những ưu điểm, quy định của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ này cũng kiến nghị, nếu cần đánh giá, nghiên cứu sâu thêm, có thể loại bỏ quy định này khỏi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP.

Theo tờ trình của Bộ Công thương, về việc bổ sung quy định cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nếu có hoạt động sản xuất có thể chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%. Với ý kiến góp ý của các Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ này lo ngại về vấn đề an ninh năng lượng, tính pháp lý và lợi ích thực chất của việc mở cửa cho phép đầu tư nước ngoài.

Bộ Công thương giải thích, việc đưa nội dung quy định này vào dự thảo còn là để thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tháng 3/2016 về phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược của Petrolimex. Ngoài ra, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài góp phần cải thiện đáng kể công tác quản trị, giúp minh bạch hơn các báo cáo tài chính. Qua đó, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là giúp cho giá trị các doanh nghiệp gia tăng thông qua giá trị cổ phiếu.

Bộ Công thương đánh giá: Có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất am hiểu và tuân thủ theo các quy định, pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, do chưa có quy định chính thức và cụ thể về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nên các doanh nghiệp trong nước cũng như cơ quan quản lý rất lúng túng khi thương thảo với họ về việc đầu tư, phát hành tăng vốn. Đặc biệt là việc thiếu đồng nhất về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của đối tượng này khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Hiện tại, Nghị định này chưa được thông qua nên phải chờ Chính phủ nhiệm kỳ mới quyết định.

Theo Linh Nga

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên