MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xăng dầu "nhảy múa", giảm thuế phí "kìm" đà tăng?

Giá xăng dầu "nhảy múa", giảm thuế phí "kìm" đà tăng?

Chỉ trong thời gian ngắn, giá xăng dầu trong nước lên mức cao nhất trong 8 năm.

Điều này được cho là sẽ tạo áp lực đối với sản xuất và tiêu dùng, từ đó tác động rất mạnh tới tăng trưởng kinh tế của nước ta. Có thể thấy ngay, giá xăng dầu trong nước tăng sẽ gây sức ép lên giá cả hàng hóa trong nước. Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước.

Với giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã vượt 25.000 đồng một lít với mặt hàng RON 95. Vận tải hàng hoá, vận tải hành khách là đối tượng chịu ảnh hưởng nhanh, trực tiếp nhất.

"Đối với vận tải của chúng tôi, giá xăng là chiếm tới 30-40% cấu thành giá. Giá xăng dầu tăng cao thì các nguồn hàng vật tư để thay thế cũng sẽ bị lên giá. Đối với người lao động thì không đủ đảm bảo cái giá cước, lương không đủ để chi phí", Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết.

Giá xăng dầu nhảy múa, giảm thuế phí kìm đà tăng? - Ảnh 1.

Vận tải hàng hoá, vận tải hành khách là đối tượng chịu ảnh hưởng nhanh, trực tiếp nhất trước việc giá xăng dầu tăng cao


Là doanh nghiệp đóng góp đến thị phần lớn đến nguồn cung xăng dầu, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn cũng đã tăng năng suất tối đa

"Thời gian qua, chúng tôi cũng đã tăng sản xuất từ 100%, lên 103%, hiện nay là 105%. Đặc biệt trong việc bán hàng, chúng tôi không những đảm bảo cam kết với khách hàng mà chúng tôi còn bán tăng thêm 10-15% cho các đầu mối bằng hàng tồn kho của chúng tôi từ trước", ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn thông tin.

Trên thực tế, hiện nay, các nhà máy lọc dầu trong nước đã đáp ứng được 75% nhu cầu xăng dầu trong nước, do đó cần tăng cường sản xuất để dự trữ, cân đối phục vụ cho thị trường xăng dầu, giảm lệ thuộc vào giá của thế giới

Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đặc biệt là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ phải sớm khắc phục sự cố về tài chính.

"Việc này Bộ Công thương đã làm việc với PVN, Uỷ ban Quản lý vốn và phần nào thu xếp được. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo và làm việc rất cụ thể với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, đã tính phần thiếu hụt từ Nghi Sơn, để chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu phần thiếu hụt đó, đảm bảo nguồn cung liên tục, không gián đoạn", ông Đông cho biết.

Nhằm bình ổn thị trường xăng dầu, liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tập trung 3 nhóm giải pháp: Đảm bảo nguồn cung; kiểm tra, kiểm soát thị trường và điều hành giá.

Theo tính toán, Khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm tổng sản phẩm trong nước GDP giảm khoảng 0,5%, đây là mức giảm khá lớn. Điều đó cho thấy, giá xăng dầu có tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế.

"Giá xăng dầu điều chỉnh tăng tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đầu tiên. Qua tính toán, nếu tăng giá 5% giá xăng dầu thì chỉ số CPI sẽ tăng 0,18%. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến một loạt hàng hóa dịch vụ đi theo mặt hàng xăng dầu, trước hết là dịch vụ vận tải, các nhóm hàng hóa đi theo dịch vụ vận tải, các ngành sản xuất hàng hóa sử dụng nhiều xăng dầu...", ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết.

Theo ông Tuấn, với đà tăng của giá xăng dầu thời gian qua, CPI tháng 2 sẽ tăng khoảng 0,2%.

Bình ổn giá xăng dầu?

Giá xăng dầu mới tăng 11% nhưng người dân đi chợ cục bộ một số nơi thì hành lá tăng từ 15.000 đồng/kg lên 70.000 đồng/kg tức là tăng 466%; dưa muối tăng từ 40.000 đồng/10kg nay tăng lên 230.000 đồng/10kg tức tăng đến 575%)...

Về giải pháp để giá xăng dầu không tăng sốc như thời gian qua khi có lúc tăng gần 1.000 đồng/lít, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết ngày 7/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành văn bản gửi các bộ ngành cũng như địa phương đề nghị nắm bắt tình hình giá cả một số mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến người dân để thực hiện việc bình ổn giá ngay từ đầu năm.

Về ý kiến đề nghị có thể điều chỉnh giá xăng dầu từ từ 10 ngày xuống còn 5 ngày hoặc ít hơn. Theo ông Tuấn, để xác định chu kỳ điều hành giá phải dựa trên các yếu tố: Mua bán của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối (thường xung quanh 10 ngày); Cần có thời gian để theo dõi để có giải pháp điều hành giá...

Giảm thuế phí?

Hiện nay, theo thống kê thì 1 lít xăng dầu phải chịu 5,6 loại thuế phí, bao gồm: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức của từng loại xăng dầu. Điều này khiến cho mỗi lít xăng với giá hơn 25.000 đồng thì thuế, phí đã chiếm đến 11.000 đồng, tức là hơn 42%

Trước đề xuất giảm một số loại thuế phí để bớt gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết cơ cấu giá xăng dầu gồm các khoản thuế, phí theo quy định của Nhà nước.

"Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, chúng tôi đang đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối ra soát các yếu tố chi phí, qua đó xem xét đánh giá", ông Tuấn cho biết.

Giá xăng dầu nhảy múa, giảm thuế phí kìm đà tăng? - Ảnh 2.

Một số ý kiến đề xuất giảm thuế phí xăng dầu


Về một số ý kiến giảm thuế bảo vệ môi trường, theo ông Tuấn, mỗi sắc thuế cần có một đánh giá trên có sở đó có đề xuất chính sách cho phù hợp.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, bởi chỉ một đồng tăng giá thì gần như ngay lập tức tác động không nhỏ tới đời sống của người dân và doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn trong đại dịch. Việc điều hành xăng dầu cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - nhà nước và người dân.

Chắc chắn với nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu cả nước thì biến động thị trường thế giới sẽ khó tránh việc tăng theo. Tuy nhiên, rất cần sự chung tay của Liên Bộ Công thương, Bộ Tài chính trong việc bình ổn giá, xem xét các loại thuế phí phù hợp để chung tay cùng người dân và doanh nghiệp, bởi nếu giá xăng dầu trong nước quá cao có thể làm vô hiệu hóa một số chính sách của chương trình phục hồi kinh tế tổng thể mà Chính phủ đang tiến hành.

Theo PV

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên