MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xăng dầu “phi mã” - Sức ép lớn cho lạm phát và hồi phục kinh tế

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước tăng đáng kể theo đà tăng của thị trường thế giới. Đây là điều đáng ngại với doanh nghiệp và người dân, tạo áp lực đối với sản xuất, tiêu dùng trong những tháng cuối năm và tác động rất mạnh tới tăng trưởng kinh tế.

Áp lực đối với sản xuất và tiêu dùng

Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng dầu thế giới tăng cao nhất trong vòng nhiều năm đang gây sức ép lên giá xăng dầu trong nước. Chiều 26/10, giá xăng dầu tăng kỷ lục từ đầu năm tới nay, theo đó, giá xăng đã tăng gần 1.500 đồng/1lít, trong đó, giá xăng RON95-III bán ra lên tới 24.338 đồng/lít. Thị trường xăng dầu thế giới “lên cơn sốt” đã tác động trực tiếp tới giá bán lẻ xăng dầu trong nước, cùng với việc giá xăng dầu tăng cao kỷ lục sẽ tạo áp lực đối với sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm và tác động rất mạnh tới tăng trưởng kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế, bởi Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%.

“Giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy, chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất”, ông Lâm cho hay.

Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thuỷ sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không. Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

“Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Ngoài ra, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế”, TS Nguyễn Bích Lâm phân tích.

Cùng quan điểm, PSG. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, giá vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào như: thép, xi măng và nhiều mặt hàng khác cùng tăng sẽ là lực đẩy với giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ. Đó là điều đáng lo với sức cạnh tranh của hàng hóa ở cả trong nước và xuất khẩu, từ đó ảnh hưởng đến sức hồi phục của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

“Liên Bộ Công Thương - Tài chính cần tìm cách kiềm giữ giá xăng dầu để giúp doanh nghiệp gắng gượng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, giữ thị phần và thị trường hàng hóa trong cuộc cạnh tranh không dễ dàng”, ông Long nói.

Cần có giải pháp ứng phó linh hoạt

TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, đối với kinh tế nước ta, hiện nay, xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

“Với “tầm quan trọng” của xăng dầu đối với sản xuất và tiêu dùng trong nền kinh tế, dự báo giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2021 và nửa đầu của năm 2022, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và DN cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá xăng dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022”, ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị.

Bày tỏ lo ngại về việc giá xăng dầu tăng cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng khả năng lạm phát trong các tháng cuối năm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu đưa ra các biện pháp hợp lý khi các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất. Nên triển khai các biện pháp có thể thực hiện ngay để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; hoặc triển khai các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho DN.

Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để ổn định thị trường xăng dầu.

“Việc giảm thuế để giảm giá mặt hàng xăng dầu là giải pháp dài hạn, cần thời gian để xem xét, đề xuất Quốc hội thông qua. Trước mắt, các doanh nghiệp cần lực hỗ trợ nhanh và mạnh, nên có thể hãm đà tăng giá nhiên liệu bằng việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hoặc tăng cường các gói hỗ trợ tài chính khác để giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn”, ông Thịnh đề xuất./.

Theo Diệp Diệp

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên