MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xăng dầu tác động thế nào đến lạm phát Việt Nam?

Giá xăng dầu tác động thế nào đến lạm phát Việt Nam?

Trong 6 năm gần nhất trước cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, hai năm giá xăng dầu trong nước tăng cũng chính là hai năm có lạm phát cao nhất.

Ngày 26/10, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng trong nước đã lên mức cao nhất 7 năm qua.

Vài ngày tới, theo lịch sự kiện Tổng cục Thống kê (GSO) sẽ tổ chức họp báo công bố về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm vào ngày 29/10, tác động của giá xăng dầu đối với chỉ số giá tiêu dùng ( CPI ) dự kiến sẽ là một điểm nóng.

Trước khi chờ cơ quan chuyên trách có thể đưa ra những phân tích, đánh giá cụ thể về tác động của giá xăng dầu đối với CPI, đặc biệt sau chuỗi gia tăng mạnh từ đầu năm đến nay, có thể nhìn lại những dữ liệu về tác động những năm gần đây.

Cuối năm 2020 và đầu 2021, giá dầu thế giới bắt đầu thể hiện đà phục hồi mạnh sau khi giảm sâu trong năm 2020. Ngày 18/3/2021, GSO có một báo cáo phân tích cơ bản về tác động của giá dầu thế giới đến CPI. Báo cáo này đến nay vẫn cần thiết để tham khảo cho dự tính những tác động hiện nay và tới đây, đặc biệt là khi giá xăng dầu đã tăng mạnh từ giữa năm đến nay.

Báo cáo trên của GSO cho biết cụ thể mức tác động như: CPI tháng 12/2020 tăng 0,1% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất 2,45% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 26/11/2020, thời điểm 11/12/2020 và thời điểm 26/12/2020 làm giá xăng, dầu tăng 6,52%, tác động làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm.

Tính chung cả năm 2020, CPI bình quân năm tăng 3,23% so với bình quân năm 2019, trong đó giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 23,03% so với năm trước làm CPI chung giảm 0,83 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2021, CPI đều tăng so với tháng trước (tháng Một tăng 0,06%; tháng Hai tăng 1,52% - mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng Hai trong 8 năm gần đây), một phần do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng.

Cụ thể, giá xăng dầu tháng 01/2021 tăng 6,07% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm; giá xăng dầu tháng 02/2021 tăng 3,28%, tác động làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm.

Những tháng gần đây, giá xăng dầu thế giới tăng cao, đặc biệt từ giữa tháng 8. Tuy nhiên, trong nước lại có những yếu tố giúp trung hòa tác động đối với CPI chung.

Như tháng 9 vừa qua, giá thuê nhà giảm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; học phí năm học 2021-2022 được miễn, giảm tại một số địa phương tháng vừa qua; giá thực phẩm giảm do nguồn cung bảo đảm; đặc biệt chính sách hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020.

Nếu tách riêng các nhóm liên quan trực tiếp đến giá xăng dầu thì tác động được nhìn nhận cụ thể hơn.

Theo GSO, 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước thì nhóm giao thông tăng cao nhất 13,58% so với tháng 9/2020, chủ yếu do từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2021 giá xăng A95 tăng 6.960 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 6.500 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 5.460 đồng/lít.

So với đầu năm, nhóm giao thông đến tháng 9/2021 cũng tăng cao nhất với 11,47% do giá xăng, dầu trong nước từ đầu năm đến nay đã điều chỉnh 16 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 5.470 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.200 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.210 đồng/lít.

Các mốc và dữ liệu trên chưa bao gồm mức giá tăng trong lần điều chỉnh mới nhất ngày 26/10.

Còn theo thông tin từ Liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở đã tăng tăng từ 59,08% đến 76,03%, trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay tăng 40,23% đến 52,59%.

Đó là những mức tăng vượt trội những năm gần đây.

Giá xăng dầu tác động thế nào đến lạm phát Việt Nam? - Ảnh 1.

Dữ liệu thống kê của GSO cho thấy, từ năm 2015 đến năm 2020, giá xăng dầu bình quân trong nước có bốn năm sụt giảm (2015, 2016, 2019 và 2020). Còn năm 2017 và 2018, giá xăng dầu bình quân tăng hơn 15% và đây cũng chính là hai năm có chỉ số CPI cao nhất trong chuỗi thống kê này, với xăng dầu đóng góp lần lượt 0,64 và 0,63% vào CPI.

Năm nay, như số liệu trên của Liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay đã tăng tới 40,23% đến 52,59%, vượt trội so với các mức tăng trong năm 2017 và 2018 nói trên. Theo đó, tác động đến CPI dự kiến sẽ lớn hơn nhiều. Mức độ cụ thể dự kiến sẽ chờ GSO thống kê và công bố vào ngày 29/10 tới.

Theo Thế Anh

BizLive

Trở lên trên