Giá xăng sắp tăng 300 đồng/lít, giá dầu có thể tăng 2.200 đồng/lít
Một số ý kiến dự báo, trong kỳ điều hành tới, giá xăng tăng khoảng 300 đồng/lít, trong khi dầu diesel có thể tăng thêm tối đa 2.200 đồng/lít.
- 10-10-2022Đề xuất bậc giá điện mới, người dân liệu có phải chi nhiều tiền hơn?
- 09-10-2022Cuộc đua mới trên thị trường dầu mỏ: Nước đi táo bạo của OPEC+ có thể thay đổi trật tự năng lượng toàn cầu
- 09-10-2022Số phận đối lập của các kim loại sản xuất xe điện, cùng tăng mạnh vào hồi đầu năm, vì sao giá lithium đang tăng tính bằng lần còn niken lại đang giảm hơn 1 nửa?
Theo dữ liệu cập nhật trên Oilprice, lúc 6h ngày 10/10, giá dầu WTI giao dịch mức 92,5 USD/thùng, dầu Brent ở mức 97,7 USD/thùng. Trong tuần trước, giá dầu Brent đã tăng 10%, còn giá dầu WTI tăng tới gần 15%. Đây là tuần tăng mạnh nhất của hai loại dầu trên kể từ tháng 3/2022. Nguyên nhân giá dầu thô toàn cầu tăng mạnh xuất phát từ việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết sẽ cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày. UBS Global Wealth Management nhận định với yếu tố này, giá dầu được dự báo sẽ lại vượt qua mốc 100 USD/thùng trong vài quý tới.
Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở kỳ điều hành này tăng cao so với kỳ tính giá trước đó (ngày 3/10). Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON92) tại Singapore cập nhật đến 6/10 là 92,93 USD/thùng, còn giá xăng RON95 là 95,31 USD/thùng. Đây là mức tăng cao nhất của hai loại dầu trên kể từ lần điều chỉnh giá ngày 3/10.
Trước diễn biến này, các đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo, kỳ điều hành tới (vào ngày 11/10), giá xăng có khả năng tăng trở lại sau 4 lần giảm liên tiếp.
"Trong kỳ điều hành ngày 11/10 giá xăng dầu trong nước có thể tăng sau nhiều kỳ giảm do giá dầu thế giới xu hướng tăng trở lại. Mức tăng phụ thuộc vào diễn biến giá thế giới hai ngày tới đây và việc điều hành quỹ bình ổn giá (BOG)”, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói.
Xăng dầu bán lẻ trong nước sắp tăng giá? (Ảnh minh họa)
Tương tự, một số thương nhân kinh doanh xăng dầu dự báo giá tại kỳ điều chỉnh sắp tới, với diễn biến hiện tại, giá dầu diesel có thể tăng 1.900 - 2.200 đồng/lít, trong khi xăng tăng khoảng 300 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành trước đó, giá xăng E5 RON92 giảm 1.049 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, bán ra không cao hơn 20.732 đồng/lít; giá xăng RON95 giảm 1.141 đồng/lít, bán ra không cao hơn 21.443 đồng/lít.
Trong khi, giá dầu diesel giảm 328 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.208 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 753 đồng/lít, bán ra không cao hơn 21.688 đồng/lít. Dầu mazut giảm 562 đồng/lít, bán ra không cao hơn 14.094 đồng/kg.
Nhà điều hành thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 600 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít và dầu mazut ở mức 741 đồng/kg. Đồng thời, không thực hiện chi quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu.
Trong hai ngày qua, tình trạng hàng loạt cây xăng đóng cửa do khan hàng, đứt nguồn cung diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều người cho rằng, có tình trạng khan hiếm chờ giá tăng. Trước diễn biến này, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) yêu cầu thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép của các thương nhân vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu và thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu (đối với các thương nhân đầu mối) đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2022 để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đồng thời, ngày 6/10, liên bộ Công Thương – Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10 để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu và giảm thiểu mức tác động vào giá xăng dầu và việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi nhằm giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu từ nước ngoài và mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Trước những biến động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới gây ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong thời gian qua, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có những chính sách điều hành giá nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đối với các loại hình thương nhân.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Nam vẫn xuất hiện trường hợp nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động với nhiều lý do, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.
VTC