MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xăng Trung Quốc cao nhất hơn một thập kỷ

18-03-2022 - 06:02 AM | Thị trường

Giá xăng Trung Quốc cao nhất hơn một thập kỷ

Giá xăng bán lẻ của Trung Quốc đã tăng lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2006 trong khi giá dầu diesel tăng lên mức cao nhất một thập kỷ sau khi giá dầu toàn cầu tăng bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Bắt đầu từ thứ Sáu (18/3), giá bán lẻ xăng tại Trung Quốc đại lục sẽ tăng thêm 750 nhân dân tệ (118 USD)/tấn và giá dầu diesel tăng 720 nhân dân tệ/tấn, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ khi cơ chế định giá hiện tại được áp dụng vào năm 2013.

Như vậy, giá xăng tại nước này sẽ tăng lên 10.770 nhân dân tệ/tấn và giá dầu diesel tăng lên 9.695 nhân dân tệ/tấn. Chính quyền các địa phương đặt ra các mức giá khác nhau mặc dù tất cả đều sẽ thực hiện việc tăng giá.

Theo hệ thống định giá của Trung Quốc, giá nhiên liệu bán lẻ được điều chỉnh sau mỗi 10 ngày làm việc để phản ánh sự biến động giá dầu thô tham chiếu của thị trường thế giới, với điều kiện giá tham chiếu dao động trong khoảng 40 USD đến 130 USD. Ngoài biên độ đó, giá bán lẻ không thay đổi hoặc chỉ biến động nhẹ.

Giá dầu Brent trên thị trường thế giới đạt đỉnh 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3 nhưng sau đó đã giảm xuống, giao dịch ở mức 102 USD/thùng vào thứ Năm (17/3). Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn nhiều so với khoảng 99 USD trước khi Nga mở chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.

Giá xăng Trung Quốc cao nhất hơn một thập kỷ - Ảnh 1.

Giá dầu Brent ngày 17/3.

Việc giá dầu thô nguyên liệu tăng mạnh đã khiến các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc phải cắt giảm sản lượng.

Tỷ lệ hoạt động tại các nhà máy lọc dầu độc lập ở tỉnh Sơn Đông, trung tâm lọc dầu của Trung Quốc, đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm là 57,09% vào tuần trước, theo công ty tư vấn năng lượng JLC có trụ sở tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhu cầu nhiên liệu đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tái bùng phát dẫn tới việc phong tỏa ở ngày càng nhiều địa phương. Tại các thành phố như Thượng Hải và Thâm Quyến, người dân được lệnh phải ở nhà và các nhà máy đóng cửa. Dữ liệu của Baidu cho biết, giao thông đường bộ ở hai thành phố lớn hôm thứ Tư (16/3) đã giảm 38% và 27% so với một năm trước.

Các kho hàng tại tất cả các cảng ở Thâm Quyến đóng cửa cho đến ngày 20 tháng 3, trong khi dịch vụ giao hàng và nhận hàng ở một số thành phố phía nam Trung Quốc cũng bị tạm dừng.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 17/3 đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm nay xuống còn 99,7 triệu thùng/ngày.

Thị trường năng lượng thế giới đang trong tình trạng rất bất ổn. IEA cảnh báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có thể dẫn đến cú sốc nguồn cung trên toàn cầu. Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá diễn biến của loạt sự kiện hiện nay, song cuộc khủng hoảng này có thể dẫn đến những sự thay đổi dài hạn đối với các thị trường năng lượng.

Trong báo cáo tháng được công bố ngày 16/3, IEA nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới đang có nguy cơ đối mặt với cuộc khủng khoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ, các thị trường năng lượng toàn cầu đang bước vào giai đoạn quan trọng.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã đẩy giá dầu tăng vọt, và mỗi diễn biến liên quan đến vụ việc này đều tác động rất mạnh tới thị trường dầu.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt không bao gồm thị trường năng lượng, song các công ty dầu mỏ chính, các doanh nghiệp vận tải biển và ngân hàng đều hạn chế kinh doanh với Nga. Nguy cơ sản xuất dầu mỏ tại Nga bị gián đoạn trên quy mô lớn do các lệnh trừng phạt và việc các công ty hạn chế các mặt hàng xuất khẩu của nước này đang có khả năng tạo nên cú sốc nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu. IEA cho rằng không nên xem thường tác động của tình trạng thiếu nguồn dầu mỏ xuất khẩu từ Nga sang các thị trường toàn cầu.

Tham khảo: Reuters

https://cafef.vn/gia-xang-trung-quoc-cao-nhat-hon-mot-thap-ky-2022031718180584.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên