MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xe ô tô trên toàn cầu đắt thêm bao nhiêu do căng thẳng Nga – Ukraine?

28-03-2022 - 13:14 PM | Thị trường

Giá xe ô tô trên toàn cầu đắt thêm bao nhiêu do căng thẳng Nga – Ukraine?

Tính chung, so với năm liền trước, 7 hãng xe ô tô lớn nhất của Nhật đương đầu với tình trạng chi phí hàng hóa nguyên liệu thô tăng cao thêm ước chừng khoảng 1,4 nghìn tỷ yên.

Cái giá của sự gián đoạn chuỗi cung ứng là bao nhiêu? Với Toyota Motor, nó là 520USD.

Đây là mức chi phí sản xuất tăng thêm tính trên đầu mỗi chiếc ô tô tại hãng xe lớn nhất thế giới khi mà cuộc chiến tại Ukraine khiến cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí hàng hóa nguyên liệu thô vì vậy tăng vọt.

Nếu tính với tổng số lượng 10 triệu xe ô tô họ có kế hoạch sản xuất trong năm nay, con số tổng vô cùng lớn.

Tính chung, so với năm liền trước, 7 hãng xe ô tô lớn nhất của Nhật đương đầu với tình trạng chi phí hàng hóa nguyên liệu thô tăng cao thêm ước chừng khoảng 1,4 nghìn tỷ yên tức khoảng 11,5 tỷ USD trong khoảng thời gian 1 năm tính đến tháng 3/2022, theo chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Tokai Tokyo – ông Seiji Sugiura.

Toyota, Nissan và nhiều hãng xe ô tô khác trên thế giới hiện vốn đang chật vật trong việc tăng sản lượng do tình trạng thiếu chip trên toàn cầu và gần đây là trận động đất tại khu vực Đông Bắc nước Nhật ở thời điểm giữa tháng 3/2022.

Các hãng xe dự kiến sẽ phải điều chỉnh các chi phí thông qua nhiều biện pháp, thế nhưng họ cũng không thể hấp thụ hết được, ông Sugiura nói.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không chỉ còn là chi phí hàng hóa nguyên liệu nữa, vấn đề mới "đánh thẳng" vào tâm điểm của ngành ô tô toàn cầu: hệ thống mô hình sản xuất tức thời vốn được coi siêu hiệu quả giúp đảm bảo khoảng 30.000 linh kiện, phụ tùng luôn sẵn sàng để phục vụ cho hoạt động sản xuất xe ô tô khi cần thiết giờ đây đã không còn có thể phù hợp với tình hình mới.

Chuyên gia tại Viện nghiên cứu Itochu, ông Sanshiro Fukao, nhận xét: "Kịch bản rằng bạn đặt hàng, linh kiện phụ tùng sẽ đến ngay lập tức giờ đây đang sụp đổ".

Tình trạng thiếu chip từ cuối năm 2020 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp buộc phải hoài nghi về việc liệu họ có cần phải trữ thêm các sản phẩm bán dẫn và như vậy chia tay mô hình sản xuất tức thời.

Khi mà căng thẳng Nga – Ukraine leo thang và các biện pháp trừng phạt áp lên Nga ngày một nhiều, giờ đây người ta đang dồn sự chú ý nhiều hơn đến các loại kim loại.

Giá của palladium, nickel và aluminum tăng lên mức cao kỷ lục vào đầu tháng 3/2022. Palladium được sử dụng trong các thiết bị chuyển đổi của ô tô, nickel được sử dụng trong pin còn nhôm dùng nhiều trong các phụ tùng ô tô.

Ước tính khoảng 40% sản lượng palladium đến từ Nga. Nam Phi cung cấp khoảng 40% và số còn lại đến từ Canada, Mỹ và Zimbabwe.

Đương đầu với khó khăn trong việc mua kim loại từ Nga hiện vốn đang bị trừng phạt nặng nề, các bên mua đang tìm kiếm nguồn thay thế. Chủ tịch công ty Impala Platinum Nhật, ông Hiroo Suzaki, công bố ông đang nhận được rất nhiều lời đề nghị mua palladium.

"Việc mất đi nguồn cung từ Nga sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng lên thị trường palladium", ông Suzaki nói. Các hãng xe và nhiều bên mua khác thường ký thỏa thuận mua hàng năm chính vì vậy sẽ thật khó để tăng cường sản xuất nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu từ các khách hàng mới.

Ngoài ra, bản thân các bên mua cũng sợ tai tiếng khi mua hàng từ Nga.

Ngay từ trước căng thẳng Nga – Ukraine, các hãng xe đã cảnh báo rằng chi phí hàng hóa nguyên liệu thô cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính của họ. Vào ngày 9/2/2022, việc chi phí tăng cao như vậy đang khiến cho hãng thiệt hại đến 630 tỷ yên trong năm tài khóa tính đến tháng 3/2022, trong khi đó vào ngày liền trước, Nissan công bố chi phí hàng hóa nguyên liệu thô tăng cũng làm cho hãng thiệt hại đến 81 tỷ yên trong vòng 9 tháng tính đến tháng 12/2022.

Đối với người tiêu dùng, họ sẽ phải chấp nhận trả giá cao hơn để mua được ô tô. Vào tháng 3/2022, Tesla cũng đã công bố giá bán xe tại Trung Quốc và Mỹ tăng lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tuần bởi chi phí hàng hóa nguyên liệu và vận tải đều tăng. Giờ đây, làn sóng tăng giá xe có thể đang lan tới Nhật.

Vào tháng 2/2022, Honda Motor công bố chi phí sản xuất xe trong năm tài khóa hiện tại dự kiến tăng thêm 290 tỷ yên bởi chi phí hàng hóa nguyên liệu thô tăng lên.

Giám đốc tài chính của Honda, ông Kohei Takeuchi, nói: "Chúng tôi thường hấp thụ chi phí đó thông qua các nỗ lực để cắt giảm chi phí, tuy nhiên mức tăng quá lớn để có thể hấp thụ được hoàn toàn". Doanh nghiệp có kế hoạch nâng giá bán xe tại khu vực Bắc Mỹ và có thể cân nhắc động thái tương tự tại Nhật "nếu cần thiết".

Nhiều hãng xe ô tô ngoại tại Nhật cũng đã buộc phải hành động như vậy, Volkswagen và Audi công bố họ sẽ nâng giá bán xe tại Nhật khoảng 2% từ tháng 4/2022. Đối với nhiều hãng xe nội địa, việc họ tăng giá xe sẽ đánh dấu cho một mốc quan trọng, xét đến lịch sử dài lạm phát thấp và cạnh tranh giá cả leo thang tại nước này.

Căng thẳng Ukraine – Nga, tình trạng thiếu chip và các yếu tố gián đoạn do COVID-19 diễn ra ở thời điểm chuyển giao của ngành ô tô thế giới.

Theo Trung Mến

BizLive

Trở lên trên