"Giấc mơ bay Mỹ" đã thành hiện thực
Việc mở chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên đến Mỹ đánh dấu một hành trình lịch sử mới của Vietnam Airlines, kỳ vọng mở ra giai đoạn khai thác mới cho ngành hàng không Việt Nam
- 29-11-2021Lộ diện top 10 địa phương đứng đầu về vốn đầu tư công giải ngân trong 11 tháng
- 29-11-2021Báo Anh: Sau Hòa Phát, Việt Nam sẽ có thêm một đơn vị sản xuất container trong nước
- 29-11-2021Chuyển đổi số doanh nghiệp: Yếu tố then chốt thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước
Tối 28-11, chuyến bay mang số hiệu VN98 của Vietnam Airlines chở theo 40 hành khách đi Mỹ đã cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), dự kiến hạ cánh tại sân bay San Francisco vào sáng 29-11. Chuyến bay chiều về sẽ xuất phát từ San Francisco vào đêm 29-11 (giờ địa phương), hạ cánh tại TP HCM vào sáng 1-12 với gần 160 hành khách. Sự kiện này đánh dấu đường bay thẳng thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ chính thức được khai mở.
Mở ra giai đoạn khai thác mới
Khác với những chuyến bay đến Mỹ với hình thức thuê chuyến kèm theo các điều kiện hạn chế trước đó, đây là chuyến bay đầu tiên của hàng không Việt Nam đến Mỹ thực hiện theo giấy phép bay thường lệ do Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp.
Với Vietnam Airlines, tròn 65 năm kể từ khi chuyến bay nội địa đầu tiên cất cánh, sự kiện này đánh dấu một hành trình lịch sử mới của hãng. Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết: "Cách đây hơn 1 năm, Vietnam Airlines đã trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên bay thẳng đến Mỹ, cụ thể là sân bay San Francisco, để đón công dân hồi hương. Chúng tôi rất vui mừng và tự hào khi chuyến bay hôm nay cũng là hành trình bay thẳng và hạ cánh tại sân bay San Francisco nhưng mang một ý nghĩa hoàn toàn mới, đánh dấu bước tiến lớn của Vietnam Airlines và cột mốc lịch sử của hàng không Việt Nam với việc đường bay thường lệ Việt Nam - Mỹ chính thức được thiết lập".
Ông Ivar C. Satero, Giám đốc sân bay quốc tế San Francisco, bày tỏ tin tưởng đường bay mới này sẽ thành công. "Chúng tôi rất vinh dự và tự hào là sân bay đầu tiên của Mỹ phục vụ các chuyến bay thẳng thường lệ của Việt Nam. Bước tiến này đã đưa sân bay quốc tế San Francisco trở thành cửa ngõ hàng đầu của Mỹ để hành khách từ Việt Nam có thể tiếp cận các khu vực trong vịnh San Francisco" - ông Ivar C. Satero nhấn mạnh.
Với lượng khách ước đạt 1,4 triệu lượt vào năm 2019, tăng trưởng trung bình mỗi năm 8% trong giai đoạn 2017-2019, Mỹ là thị trường lớn thứ 10 của Việt Nam và là thị trường lớn nhất chưa có đường bay thẳng đến Việt Nam trước đó.
Mỹ là quốc gia có hàng rào pháp lý và an ninh hàng không khắt khe bậc nhất thế giới, đồng thời đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt. Sau 20 năm chuẩn bị, "Giấc mơ bay Mỹ " của ngành hàng không Việt Nam đã thành hiện thực và mở ra một giai đoạn khai thác mới trên đường bay này.
Vietnam Airlines cho biết cũng từ ngày 28-11, hãng sẽ khai thác thường lệ 2 chuyến/tuần giữa TP HCM và San Francisco; dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ. Vietnam Airlines đang tiếp tục nghiên cứu để mở thêm đường bay mới đến Mỹ như giữa Los Angeles và Hà Nội hoặc TP HCM.
Trong khi đó, một hãng hàng không khác của Việt Nam cũng đang gấp rút mở đường bay đến Mỹ là Bamboo Airways. Cuối tháng 9 vừa qua, Bamboo Airways khai thác thành công chuyến bay từ Việt Nam đến Mỹ dưới hình thức thuê chuyến. Hãng hàng không này đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép với mục tiêu đi vào khai thác đường bay thẳng thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ từ đầu năm 2022.
Vietnam Airlines là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên mở chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ. Trong ảnh: Máy bay Boeing 787-10 Dreamliner của Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế San Francisco - Mỹ. Ảnh: NAIPLANESPOTS
Chờ ngày mở lại bay quốc tế
Mặc dù thị trường hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 song các hãng hàng không Việt Nam đánh giá nhu cầu trên đường bay Việt - Mỹ nói riêng và quốc tế nói chung sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi dịch được kiểm soát.
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất với Thủ tướng Chính phủ kế hoạch nối lại bay quốc tế thường lệ, theo lộ trình từ nay đến quý III/2022, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch.
Trong chuyến công du Nhật Bản vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẽ mở cửa lại các đường bay quốc tế từ đầu tháng 12-2021. Liên quan vấn đề này, Chính phủ cũng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Ngoại giao về áp dụng "hộ chiếu vắc-xin", đồng ý về nguyên tắc việc mở rộng đối tượng được nhập cảnh Việt Nam có mang "hộ chiếu vắc-xin", trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thân nhân về nước tham quan, du lịch.
Cùng với nỗ lực mở đường bay thẳng đến Mỹ, Vietnam Airlines đang gấp rút triển khai kế hoạch bay quốc tế giai đoạn 1 giới hạn các sản phẩm nghỉ dưỡng khép kín cho các chuyến bay thuê chuyến quốc tế đến Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Vân Đồn từ tháng 11-2021.
Từ tháng 1-2022, Vietnam Airlines tiếp tục mở các chuyến bay thường lệ đến 15 thị trường (gồm Trung Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh và Úc), giới hạn tối đa 4 chuyến/tuần cho mỗi điểm đến. Sau đó, tiến tới thúc đẩy việc nhập cảnh mà không cần kiểm dịch cho người nước ngoài có "hộ chiếu vắc-xin" vào tháng 4-2022. Mục tiêu là bình thường hóa tất cả chuyến bay quốc tế vào tháng 7-2022 như thời điểm trước đại dịch.
Thời gian qua, các hãng Vietjet, Bamboo Airways dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng đã ký kết nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ, hợp tác giá trị lớn với các đối tác liên quan về việc khai thác thị trường bay quốc tế.
Trong đó, Vietjet ký kết thỏa thuận cung cấp động cơ và dịch vụ động cơ cho đội máy bay thân rộng có tổng giá trị 400 triệu USD với Tập đoàn Rolls-Royce. Còn Bamboo Airways ký biên bản hợp tác chiến lược với sân bay quốc tế Heathrow (Anh), thúc đẩy đường bay thẳng Việt - Anh; ra mắt tổng đại lý đại diện của Bamboo Airways tại thị trường Mỹ.
Bamboo Airways cũng đã ký kết thỏa thuận lựa chọn động cơ GENx và gói bảo dưỡng cho máy bay Boeing 787-9 trị giá khoảng 2 tỉ USD với GE Aviation; ký kết trở thành đối tác thương mại của Los Angeles; ký bản ghi nhớ hợp tác trị giá 2 tỉ euro về động cơ và các thiết bị máy bay cho đơn hàng 50 máy bay A321 neo và 30 máy bay Boeing 787-9 với Tập đoàn Safran...
Giá vé đi Mỹ từ 430 USD
Dự kiến trong giai đoạn đầu khai thác đường bay Việt - Mỹ, do chính sách hạn chế nhập cảnh đối với khách từ nước ngoài vào Việt Nam của Chính phủ, Vietnam Airlines sẽ phối hợp với các đối tác tổ chức bán vé cho hành khách trên chiều từ Mỹ về Việt Nam theo hình thức combo trọn gói, khách tự chi trả chi phí cách ly.
Đối với chiều từ Việt Nam sang Mỹ, Vietnam Airlines sẽ mở bán vé rộng rãi trên các kênh như website, phòng vé và đại lý. Hành khách có thể tự tra cứu lịch bay được công bố trên website của Vietnam Airlines. Giá vé Vietnam Airlines đang mở bán trên đường bay từ TP HCM đến San Francisco là từ 430 USD (chưa gồm thuế, phí).
Cơ hội lớn cho ngành du lịch
Sau giai đoạn giãn cách xã hội, một số doanh nghiệp du lịch đang triển khai chương trình du lịch hồi hương dành cho Việt kiều từ Mỹ về Việt Nam qua chuyến bay thuê bao (charter). Nhiều doanh nghiệp du lịch nhận định việc mở đường bay thẳng đến Mỹ không chỉ là dấu mốc của ngành hàng không Việt Nam mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch.
Ông Từ Quý Thành, Tổng Giám đốc Công ty Liên Bang Travel, cho biết hiện khách Việt vẫn bay đi Mỹ với các chuyến bay thường lệ nếu đáp ứng đủ quy định về bảo đảm phòng dịch Covid-19, đã tiêm đủ vắc-xin... Tuy nhiên, chiều từ Mỹ về Việt Nam đang gián đoạn do Việt Nam chưa mở cửa đường bay quốc tế thường lệ trở lại. Vì thế, khi các chuyến bay quốc tế thường lệ được khai thác trở lại trong điều kiện kiểm soát dịch tốt, sẽ là cơ hội rất tốt cho phục hồi ngành du lịch.
"Từ trước đến nay, khách du lịch đi tour giữa Việt Nam và Mỹ thường phải quá cảnh ở một điểm dừng khác, với thời gian bay 24-26 giờ. Nay với đường bay thẳng thường lệ, thời gian rút ngắn còn 13-17 giờ, sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho du khách và công ty lữ hành, tiết kiệm chi phí tour, thời gian đi du lịch. Các công ty lữ hành rất mong chờ đường bay thẳng thường lệ này, đặc biệt là sau khi dịch bệnh được kiểm soát" - ông Thành kỳ vọng.
Hiện nay, Vinagroup tổ chức chuyến bay thuê bao đưa khách hồi hương từ Mỹ về Việt Nam 2 lần/tuần. Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Vinagroup, mong mỏi cùng với việc đường bay thẳng thường lệ đi vào khai thác thường xuyên, tần suất chuyến bay hằng tuần sẽ tăng lên nhiều hơn. "Chúng tôi đang chờ khai thác cơ hội với thị trường Mỹ ở cả phân khúc du lịch và hàng không nếu Việt Nam mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ" - ông Vũ cho biết.
Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đề xuất cần sớm mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế để có thể đón khách quốc tế trở lại. Bởi lẽ, nếu không sớm mở lại thì sẽ mất rất nhiều cơ hội khai thác thị trường khách quốc tế so với các nước trong khu vực ASEAN.
Th.Phương
Người lao động