Giấc mơ mua nhà để ở của nhiều người dân ngày một xa vời
Theo Bộ Xây dựng, năm 2020, giá căn hộ chung cư tại hai thị trường lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vẫn có xu hướng tăng dù diễn biến của thị trường được đánh giá là "trầm lắng" do COVID-19.
Trước thực trạng làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, diễn biến phức tạp khiến Hà Nội và đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh trải qua những ngày dài giãn cách xã hội. Công việc của đa số NLĐ bị ảnh hưởng, nguồn thu nhập vì vậy cũng bị hao hụt đi nhiều nhưng chi phí tiền thuê nhà thì không giảm đi bao nhiêu nếu như không muốn nói là giữ nguyên.
Có lẽ, chưa bao giờ, hai chữ "an cư" có giá trị thấm thía như trong tình cảnh lúc này. Sở hữu một căn hộ/ngôi nhà lúc này đồng nghĩa với việc bớt đi được khoảng 50% lo lắng; chỉ phải lo tiền ăn uống, sinh hoạt. Nhưng, quả thức giấc mơ sở hữu nhà ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM xem ra ngày càng xa vời…
Theo Bộ Xây dựng, năm 2020, giá căn hộ chung cư tại hai thị trường lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vẫn có xu hướng tăng dù diễn biến của thị trường được đánh giá là "trầm lắng" do COVID-19. Mức giá bình quân các loại căn hộ chung cư nói chung, bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp tại Hà Nội trong qúy IV/2020 tăng khoảng 2-3%; tại TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 3-4% so với Quý IV/năm 2019.
Đáng nói hơn, số lượng các dự án căn hộ bình dân, có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 (phân khúc có thể đáp ứng nhu cầu mua của đa số người dân) vốn đã ít ỏi hơn so với các nhóm trung cấp và cao cấp, nhưng lại ghi nhận tỷ lệ tăng giá mạnh hơn cả và hầu như chỉ có tại các khu vực xa trung tâm và hạ tầng kém phát triển.
Tại Hà nội có một số ít dự án nhà ở xã hội với mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 mở bán như: IEC Thanh Trì; CT3-CT4 Kim Chung; Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế – Chèm; Tòa 19T4 - Lucky House Kiến Hưng, quận Hà Đông…và một số dự án nhà ở thương mại giá thấp như Phú Thịnh Green Park, Hà Đông, Tasco Xuân Phương. Tại TP. Hồ Chí Minh thì hầu như không có dự án có căn hộ với mức giá bình dân.
Bộ Xây dựng cũng nhận định rằng, thực trạng giá tăng liên tục, có những dự án, căn hộ trước đây thuộc phân khúc bình dân thì nay đã có mức giá thuộc phân khu trung cấp, vượt khả năng chi trả của người dân có thu nhập thấp tại các đô thị lớn.
Bước sang năm 2021, tình hình có vẻ vẫn không có nhiều sự lạc quan khi xu hướng giá và nguồn cung tiếp tục diễn biến theo hướng bất lợi cho những người muốn mua nhà để ở.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong Quý II/2021, tổng hợp từ 55/63 địa phương, chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội với 1.766 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hóa và Lạng Sơn; 94 dự án với 123.085 căn đang triển khai, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa. Rõ ràng, nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu là nhà ở trung cấp và cao cấp, nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp còn rất hạn chế.
Xét về giá, căn hộ bình dân được thiết lập ở khoảng giá mới, từ 25 triệu đồng/m2 - 30 triệu đồng/m2. Các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Thực tế, căn hộ có mức giá được xem là bình dân cũng chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm và cũng ở mức giá không hề "dễ chịu" chút nào; đơn cử, tại Hà Nội, có thể kể đến dự án Le Grand tại quận Long Biên giá khoảng 28 triệu đồng/m2, dự án Vinhomes Ocean Park tại huyện Gia Lâm giá khoảng 28 triệu đồng/m2. Hiếm hoi lắm, chỉ có dự án XPHomestar tại huyện Đan Phượng có giá khoảng 20 triệu đồng/m2. Tại TP. Hồ Chí Minh, dự án The East Gate tại TP. Thủ Đức có giá khoảng 27 triệu đồng/m2, dự án Tecco Town tại quận Bình Tân có giá khoảng 24 triệu đồng/m2; tại Bình Dương, dự án Lavita tại TP. Thuận An có giá khoảng 26 triệu đồng/m2.
Bộ Xây dựng đánh giá: nguồn cung loại căn hộ này ngày một hạn chế trong khi nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều dẫn đến giá bán tiếp tục tăng.
Với đa số người làm công ăn lương, có mức thu nhập khá khá một chút (từ 10 -15 triệu đồng) phải tích lũy trong một khoảng thời gian dài, cộng với việc đi vay mượn mới có thể nghĩ đến chuyện mua một căn hộ chung cư bình dân để ở. Dù vậy, từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là những đợt giãn cách xã hội kéo dài, nguồn thu nhập của đa số người dân bị ảnh hưởng và phải tiêu dùng đến những khoản tích lũy từ các năm trước. Thực trạng thấy rõ là, thu nhập tăng thêm không có, tiền tích lũy dần ít đi trong khi giá nhà tăng, nguồn cung hạn chế. Có vẻ như bài toán mua nhà để ở vốn đã khó nay lại càng khó hơn.