MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Giấc mơ" thống trị 5G của Trung Quốc bị các quốc gia phương Tây "dập tắt"

19-09-2018 - 08:24 AM | Tài chính quốc tế

Ngày càng có nhiều quốc gia ban hành lệnh cấm với Huawei và ZTE sau động thái của chính phủ Úc.

Hôm 23 tháng 8, trong một cuộc họp, Lu Kang - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã tuyên bố với chính phủ Úc rằng "hãy từ bỏ những định kiến về tư tưởng và tạo một môi trường cạnh tranh công bằng cho các công ty Trung Quốc đang có hoạt động kinh doanh tại Úc."

Lời tuyên bố này được đưa ra nhằm đáp trả quyết định từ phía chính quyền Canberra trong cùng ngày về việc ban hành lệnh cấm Huawei và ZTE cung cấp thiết bị cho các mạng di động 5G tại Úc. Động thái này có thể là một "đòn" bất ngờ cho Bắc Kinh với tham vọng thống trị thị trường viễn thông trên toàn cầu.

Câu hỏi đặt ra cho Trung Quốc là, liệu số lượng các quốc gia ban hành lệnh cấm tương tự có tăng lên sau động thái của chính phủ Úc?

Chính phủ Úc đã đi đến kết luận rằng, mức giá hấp dẫn mà các nhà sản xuất Trung Quốc đưa ra là không đáng một khi các dữ liệu bị rò rỉ. Không chỉ có Úc, Mỹ, Anh, Nga và một số quốc gia khác cũng hạn chế việc mua bán thiết bị viễn thông của Trung Quốc.

Công nghệ 5G mới hứa hẹn sẽ mang đến tốc độ truyền dữ liệu nhanh gấp 100 lần so với thế hệ mạng dữ liệu hiện tại, cho phép người dùng tải xuống và phát trực tiếp video nhanh hơn trên các thiết bị smartphone. Tuy vậy, có lẽ những ứng dụng cần thiết phải sử dụng 5G là các xe tự lái, internet vạn vật và những công nghệ mới nổi khác mà việc truyền thông tin liên lạc với tốc độ siêu tốc là cực kỳ quan trọng. Điều này đã thôi thúc các hãng viễn thông trên thế giới đổ tiền vào công nghệ 5G, với khoảng 10 tỷ USD cho mỗi dự án, chủ yếu được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng như các tháp và trạm gốc (base station).

Việc thương mại hoá các mạng di động 5G dự kiến sẽ hoàn thành vào nửa cuối năm sau. Khi chính phủ các nước đều tiến hành thử nghiệm công nghệ này thì Canberra lại ra lệnh đóng cửa các nhà khai thác mạng của Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh. Hiện tại, Huawei kiểm soát hơn một nửa thị trường các thiết bị 4G tại Úc. Vì thế, quyết định của chính phủ Úc khiến mối lo ngại của các công ty Trung Quốc càng căng thẳng hơn.

Trong khi đó, Nhật Bản có thái độ khá do dự về vấn đề này. Seiko Noda, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản và Miao Wei, Bộ trưởng bộ công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã có cuộc gặp vào hồi tháng 5 và cho biết họ sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa các công ty Nhật Bản và Trung Quốc đối với công nghệ mạng thế hệ tiếp theo.

Tập đoàn SoftBank đã đầu tư vào hoạt động này. Họ đang thử nghiệm công nghệ 5G tại Nhật Bản cùng Huawei. Ngoài ra, ZTE cũng cung cấp thiết bị cho các nhà mạng Nhật Bản NTT Docomo, KDDI và SoftBank. Các nhà sản xuất Trung Quốc hy vọng việc nâng cấp từ 4G lên 5G sẽ giúp họ thống trị thị trường viễn thông tại đây.

Đặc biệt, Huawei "đã cắt giảm đáng kể chi phí phát triển bằng cách sao chép một cách chính xác các sản phẩn của công ty đối thủ, Cisco", một quản lý cấp cao của một công ty viễn thông Nhật Bản cho hay. Điều này đã giúp các công ty Trung Quốc đưa ra các dịnh vụ với mức giá rất cạnh tranh và thâm nhập vào thị trường các nước nhanh chóng.

Tổng thư ký Nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga, đã phàn nàn về việc các nhà khai thác viễn thông trong nước đã tính phí quá cao cho khách hàng và gọi đó là để duy trì phí hàng tháng ở mức thấp hơn. Việc ngăn cản hoạt động của các nhà cung cấp Trung Quốc sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng Nhật Bản có ít sự lựa chọn hơn và chắc chắn mức giá dịch vụ cũng sẽ cao hơn.

Những vấn đề phức tạp hơn nữa đó là sự thiếu hụt của các nhà cung cấp mạng trên toàn thế giới. Các quốc gia đang triển khai dịch vụ 4G hoặc 5G lại có rất ít nhà cung cấp hoạt động tại đó, ví dụ Cisco Systems của Mỹ, Ericsson của Thụy Điển, Nokia Phần Lan và Huawei hoặc ZTE từ Trung Quốc. Chính phủ và các công ty với nguồn ngân sách eo hẹp "có một vài lựa chọn khác thay vì những sản phẩm rẻ tiền của Trung Quốc", theo một người trong ngành.

Khi tương lai đối với các nhà cung cấp thiết bị dữ liệu di động của Trung Quốc trở nên tăm tối hơn, tờ Global Times, một tờ báo tiếng Anh do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn, đã đăng một bài báo vào tháng 8 vừa rồi với nội dung lệnh cấm từ phía chính phủ Úc sẽ không ra "gây hiệu ứng domino cho những quốc gia khác". Nhưng trớ trêu thay, động thái của chính phủ Úc lại khiến Bắc Kinh không thể tránh khỏi những lo ngại.

Hương Giang

Nikkei

Trở lên trên