MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Giấc mộng" chứng khoán kéo dài tới khi nào?

"Giấc mộng" chứng khoán kéo dài tới khi nào?

Trong khi phần lớn thế giới cảm nhận một năm 2020 tồi tệ thì những nhà đầu tư tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng lại đang mơ màng trong giấc mộng hoàn hảo chưa từng có...

Năm 2020 đã xác thực tính tương đối trong cuộc sống, khi đem đến sự tuyệt vọng cho người này nhưng lại ban thưởng sự tuyệt vời cho người khác. Trong khi phần lớn thế giới cảm nhận một năm 2020 tồi tệ thì những nhà đầu tư tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng lại đang mơ màng trong giấc mộng hoàn hảo chưa từng có trong lịch sử.

Cho đến thời điểm đầu năm 2020, ngay cả những nhà đầu tư lão luyện nhất trên thế giới cũng không thể nghĩ đến kịch bản thị trường chứng khoán toàn cầu lại chứng kiến cú sốc kinh hoàng chỉ vì một con virus nhỏ bé.

Từ đầu năm 2018, rất nhiều nhà phân tích từ những định chế đầu tư sừng sỏ nhất thế giới đã lo ngại một kịch bản tồi tệ, chấm dứt xu hướng tăng trưởng kéo dài cả thập kỷ trên thị trường chứng khoán. Đó là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khởi động tiến trình "bình thường hóa" lãi suất – chính sách vốn duy trì mức lãi suất cực rẻ suốt từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Tiền mặt giá rẻ dồi dào, công ty đại chúng ăn nên làm ra và thừa tiền mua lại cổ phiếu là động lực chính của chu kỳ đi lên của chứng khoán thế giới suốt một thập kỷ.

ĐẠI DỊCH COVID-19: VẬN MAY HAY VẬN RỦI?

Thế nên, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, chính quyền Donal Trump gây sức ép làm chậm lại tiến trình tăng lãi suất của Fed, thị trường chứng khoán lập tức tăng trưởng cao hơn nữa trong năm 2019. Xu hướng tăng trưởng dài hạn lại tiếp tục và không nhiều người nghĩ rằng thị trường sẽ bị đánh quỵ vì một nguyên nhân nào khác ngoài yếu tố chính sách. Khi virus Covid-19 được phát hiện lần đầu tại Vũ Hán (Trung Quốc) và cả thành phố bị phong tỏa, thế giới vẫn chỉ đánh giá đây là một rủi ro cục bộ. Bằng chứng là thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 11% trong tháng 1/2020 thì chứng khoán Mỹ (chỉ số S&P 500) còn tăng gần 5% trong hai tháng đầu năm. Ngay như Việt Nam, cho đến trước Tết Nguyên đán 2020, VN-Index vẫn còn tăng gần 3,2%.

Khi đại dịch bùng phát, thị trường tài chính toàn cầu mới phản ứng dữ dội và mạnh chưa từng có trong lịch sử bởi một nguyên nhân cũng chưa từng có: Đại dịch làm đóng băng tất cả các hoạt động xã hội, phần lớn hoạt động kinh tế. Khắp các khu vực trên thế giới chìm trong yên lặng vì các lệnh phong tỏa. Các chỉ số chứng khoán sụp đổ với tốc độ kinh hoàng, như S&P500 sụt giảm gần 34% trong hơn một tháng. VN-Index của Việt Nam cũng giảm 33,5% trong 2 tháng.

Rõ ràng Covid-19 đã đem lại vận xui cho giới đầu tư vì không ai kịp phản ứng cũng như không ai lường trước được tác động đến thị trường chứng khoán lại mạnh như vậy. Hẳn là rất nhiều nhà đầu tư mất tiền.

Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường chưa từng có trong lịch sử này lại dẫn đến một điều chưa từng có khác: Cơ hội vàng cho các nhà đầu tư mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường chứng khoán. Đó có thể là những anh chàng mệt mỏi vì bị giam hãm trong nhà muốn tìm chỗ xả stress. Đó có thể là những "con bạc" không biết đặt cửa ở đâu khi các trận đấu bóng đá bị hủy, trận đua ngựa, đua chó bị cấm. Hay đơn giản chỉ là những người không biết xài 1.200 USD (tại Mỹ) tự nhiên rơi vào đầu cho việc gì. Phần lớn tiền đã chảy vào thị trường chứng khoán.

Điều kỳ lạ là hiện tượng này mang tính toàn cầu chứ không riêng ở Mỹ. Suốt từ Pakistan tới Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia hay cả Việt Nam, ùn ùn một lớp nhà đầu tư mới khổng lồ tìm đến chứng khoán. Tại Việt Nam lòng tham có lẽ xuất hiện trước sự mệt mỏi vì Covid. Thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc mạnh trong tháng Ba thì cũng là thời điểm số lượng tài khoản mở mới gia tăng đột biến. Thị trường phục hồi mạnh cũng chính là lúc bắt đầu thực hiện lệnh cách ly xã hội. Chỉ trong 9 tháng kể từ khi đại dịch Covid bùng phát, thị trường ghi nhận hơn 392.000 tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước, tương đương hơn 43.500 nhà đầu tư mới nhảy vào thị trường mỗi tháng.

Đối với những nhà đầu tư mới này, Covid không phải là điềm rủi, mà là điềm may, vì thị trường chứng khoán phục hồi như vũ bão. VN-Index đến cuối tháng 12/2020 đã tăng trưởng gần 65% kể từ đáy tháng 3. Tất cả các cổ phiếu đều tăng giá. Nói cách khác, mọi nhà đầu tư mua vào từ tháng 3 trở đi đều có lãi, thậm chí chiến lược "mua và quên" sinh lời lớn nhất.

Các nhà đầu tư mới trên khắp thế giới cũng được hưởng cảm giác tuyệt vời này và thành công, lợi nhuận quá dễ dàng giống như một chất men say khiến ai cũng như cảm thấy mình đang đứng trên đỉnh cao của thế giới. Vậy mới có chuyện: một anh chàng chủ blog thể thao tại Mỹ "đăng đàn" chê các huyền thoại đầu tư như Warrent Buffet là lỗi thời, là kẻ thua cuộc. Tỷ phú Leon Cooperman – người đứng đầu quỹ phòng hộ Omega Advisors nổi tiếng nước Mỹ hồi tháng 6/2020 cũng "đăng đàn" cảnh báo rằng sự xuất hiện của đội quân nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ hăng say kiếm lời này rồi sẽ phải "kết thúc trong nước mắt". Thế nhưng 6 tháng đã qua, nước mắt đâu chưa thấy, năm 2020 họ vẫn cứ là bá chủ của thế giới vì "cơn điên tăng giá" trên thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

LIỀU THUỐC LÃI SUẤT

Điều gì khiến một nền kinh tế lao đao vì dịch bệnh lại song hành cùng sự thăng hoa của thị trường chứng khoán?

Đây là câu hỏi hóc búa nhất của năm 2020. Khi giới kinh tế học khắp thế giới đi tìm kiếm khả năng phục hồi của nền kinh tế bằng mô hình các chữ cái khác nhau thì giới đầu tư chứng khoán chỉ quan tâm một điều: Tiền quá nhiều!

Thực vậy, ngay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện hạ lãi suất cấp kỳ, xuống mức còn thấp hơn cả thời kỳ khủng hoảng 2008, tung ra các khoản hỗ trợ ngàn tỷ USD, trong đó có cả trợ cấp tiền miễn phí cho cá nhân, hộ gia đình, thì giới đầu tư Mỹ đã nhận xét chính sách đó không phải là "viên đạn đại bác", mà là "bom nguyên tử", vì suốt lịch sử nước Mỹ chưa bao giờ có liều thuốc "nặng đô" cỡ này.

Vì vậy mặc cho những lý giải về triển vọng phục hồi kinh tế không thể nào thống nhất giữa các học giả, thị trường chứng khoán vẫn bùng nổ. Việt Nam không có chính sách hỗ trợ "nặng đô" như Mỹ, nhưng chính sách lãi suất thấp đã khiến thị trường chứng khoán trở nên rẻ. Thực vậy, lãi suất là một tham số đầu vào cho mọi công thức định giá tài sản tài chính. Điều quan trọng hơn là lãi suất thấp khiến người dân cảm thấy giữ tiền không sinh lời bằng việc mua một thứ gì đó. Cổ phiếu lại đang nằm giữa một "cơn điên tăng giá", cộng với sự nhiệt tình của những nhân viên phát triển khách hàng của các công ty chứng khoán, thì việc bùng nổ số lượng nhà đầu tư mới là điều dễ hiểu.

Điều quan trọng hơn là có quá nhiều "bằng chứng sống" thành công ngay bên cạnh mỗi người. Đó có thể là một người bạn, đồng nghiệp khoe lợi nhuận đầu tư được hiện thực hóa bằng căn hộ chung cư, bằng xe ôtô, hay đơn giản là chính mình trải nghiệm chiến thắng dễ dàng để rồi "gấp thếp" số tiền đầu tư. Điều này giống như một giấc mộng đẹp quá sức tưởng tượng.

Vẻ đẹp của giấc mộng đó rất thực: Tính từ đáy thị trường ngày 31/3/2020 đến cuối tháng 12/2020, riêng sàn HOSE có gần 300 cổ phiếu tăng trên 20% chỉ trong vòng 9 tháng; Khoảng 200 cổ phiếu trong số này tăng trên 50%; tròn 100 cổ phiếu tăng trên 100%. Và nếu xuất sắc hơn nữa, nhà đầu tư có thể nắm giữ trúng 25 cổ phiếu tăng trên 200%. Rõ ràng nếu so với mức lãi suất tiết kiệm 6% một năm thì không ai muốn là kẻ thất bại chỉ vì không dám bước chân vào thị trường chứng khoán.

Đang trong một giấc mộng đẹp thì không ai muốn tỉnh, đó là tâm lý của tất cả mọi người. Thậm chí những nhà đầu tư lão luyện tầm cỡ thế giới từng kiếm hàng tỷ USD lợi nhuận trên thị trường khi lên tiếng cảnh báo về một tương lai đầy rủi ro khó tránh khỏi thì cũng đột nhiên trở thành những kẻ chọc cười. Nguyên nhân đơn giản là khi tận hưởng một bữa tiệc thịnh soạn, người ta sẽ chú ý đến các món ăn bày biện trên bàn hơn là việc ai sẽ trả tiền, hay tệ hơn, ai sẽ là người "rửa bát". Dù là một kết cục tất yếu phải đến, nhưng không ai trong bữa tiệc muốn nghĩ tới lúc này.

Cũng giống như dịch bệnh sẽ chấm dứt nếu vaccine có kết quả, giấc mộng chứng khoán cũng sẽ kết thúc khi liều thuốc lãi suất hết hiệu lực. Hiện tượng đầu tư quá dễ dãi bằng nguồn vốn rẻ tưởng như vô tận luôn để lại hậu quả tiềm ẩn. Những nhà đầu tư mới vốn chưa bao giờ chứng kiến "một con gấu" (bear-market) ở cự li gần sẽ luôn phải trải qua những bài học đắt giá.

Lãi suất rẻ như liều thuốc giảm đau cần thiết khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, nhưng tác dụng phụ của nó đã được chứng minh trong suốt lịch sử. Điều khó khăn là đến lúc nào liều thuốc đó bắt đầu bộc phát tác dụng bất lợi. Giấc mộng dài mấy rồi cũng đến lúc phải kết thúc, nhưng đó sẽ là câu chuyện dài hạn nhiều năm tới. "Nền kinh tế đã hiệu quả hơn", "các ngân hàng trung ương có nhiều kinh nghiệm hơn" là lý do để không ít người tin rằng giấc mộng sẽ kéo dài mãi.

Thế nhưng nhìn lại lịch sử chỉ 2 năm trước, khi Fed vừa rục rịch "bình thường hóa lãi suất" để kiềm chế lạm phát, thị trường tài chính toàn cầu đã rúng động hồi tháng 2/2018. Bởi vì hơn ai hết, những nhà đầu tư trải qua nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ đều biết rằng lịch sử luôn lặp lại. Các gói kích cầu trên toàn thế giới đang làm phình to hơn "quả bom nợ" vượt cả kích thước hồi 2008!

Theo Khánh Hà

VnEconomy

Trở lên trên