'Giấc mộng Trung Hoa' sớm nở tối tàn của Elon Musk
Mối quan hệ giữa Tesla và chính phủ Trung Quốc đang "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", Elon Musk cần hết sức thận trọng.
- 25-06-2021Bị chính phủ 'bỏ mặc', rủi ro vỡ nợ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng cho những doanh nghiệp 'quá lớn để sụp đổ' của Trung Quốc
- 24-06-2021Cỗ máy kiếm tiền 'hot' nhất Phố Wall: Nắm trong tay những chiêu bài lạ, các ông chủ 'đút túi' hàng triệu USD dù nhà đầu tư thua lỗ
Như tin đã đưa, chính phủ Trung Quốc vừa chính thức yêu cầu gần như toàn bộ các dòng xe điện của Tesla được bán ra tại đây – khoảng 285.000 chiếc phải được thu hồi để sửa lỗi an toàn.
Cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) nói trong tuyên bố vào ngày thứ 7 rằng quyết định này liên quan tới 211.256 mẫu Model 3 cũng như 38.599 chiếc Model Ys sản xuất ở Trung Quốc và 35.656 chiếc nhập khẩu . Nhà sản xuất ô tô của Mỹ chỉ mới bắt đầu giao các mẫu Model Y vào tháng 1 năm nay vì vậy việc triệu hồi xe nhìn chung ảnh hưởng tới hầu hết những ai đã mua dòng xe này.
Chính quyền Trung Quốc nói rằng xe Tesla gặp các vấn đề trong hệ thống kiểm soát hành trình, lái xe có thể dễ dàng kích hoạt nhầm chức năng kiểm soát hành trình và có thể để xảy ra tình trạng tăng tốc đột ngột. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể gây ra va chạm trên đường. Theo SAMR, Tesla sẽ liên hệ với những chủ xe thuộc diện triệu hồi để nâng cấp miễn phí phần mềm.
Dù Tesla đã gửi lời xin lỗi thông qua tài khoản hỗ trợ khách hàng chính thức trên Weibo nói rằng họ "sẽ tiếp tục cải thiện sự an toàn, tuần thủ tuyệt đối theo yêu cầu của nhà nước" nhưng việc triệu hồi xe lần này gây ra ảnh hưởng lớn với công ty.
Đứa con được cưng chiều hết mực
Ngày 10/2 năm ngoái, khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ lệnh yêu cầu các nhà máy ngừng hoạt động (vốn để ngăn chặn dịch bệnh), phần lớn đất nước vẫn rất im ắng. Các hoạt động vận tải chưa thể nối lại, và nhiều công nhân bị mắc kẹt tại quê nhà.
Tuy nhiên, tại 1 khu sình lầy nằm ở ngoại ô thành phố lớn nhất Trung Quốc – Thượng Hải, siêu nhà máy Giga của Tesla vẫn đang rất nhộn nhịp. Hàng nghìn công nhân đã quay trở lại dây chuyền, trong số đó nhiều người đã di chuyển từ nhà trọ tới nhà máy bằng xe buýt do chính phủ cung cấp. Họ được trang bị rất nhiều mặt nạ N95: không giống như nhiều doanh nghiệp khác, Tesla được phân bổ số lượng mặt nạ lớn hơn nhiều lần. Nhà máy cũng được lau chùi bằng chất tẩy rửa mà cần phải được cơ quan quản lý cấp phép mới có thể mua.
Trong tuần đầu tiên sau khi khôi phục sản xuất trong khi hàng loạt nhà máy ô tô khác như Toyota, Volkswagen chưa thể hoàn toàn mở cửa trở lại, Tesla Thượng Hải đã sản xuất được khoảng 1.000 chiếc. Đến tháng 3, sản lượng tăng lên 3.000 chiếc mỗi tuần, cao hơn cả mức trước dịch.
Sự trở lại thần tốc của Tesla có liên quan mật thiết đến mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới và chính phủ Trung Quốc kể từ năm 2018 đến nay, khi Tesla thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy ở Thượng Hải.
Hết lần này đến lần khác, Tesla nhận được những chế độ đãi ngộ đặc biệt mà các công ty nước ngoài khác phải chật vật mới có được như giảm thuế, các khoản vay giá rẻ, được cấp phép sở hữu toàn bộ hoạt động tại Trung Quốc và còn được hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy.
Ví dụ điển hình là việc Trung Quốc miễn thuế bán hàng 10% cho chiếc xe điện Model 3 sản xuất tại Trung Quốc của Tesla. Ưu đãi này là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Bắc Kinh "cưng chiều" Tesla như thế nào.
Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt
Gần đây, Le - nhà sáng lập của Sini Auto Insights - một tập san chuyên theo dõi thị trường xe điện Trung Quốc đã chứng kiến những sự không hài lòng ngày càng tăng của khách hàng với Tesla. Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn với TechNode vào đầu tháng này, ông đã gạt bỏ những lo ngại rằng các bình luận về dịch vụ khách hàng và vấn đề an toàn của công ty ầm ĩ trên mạng xã hội sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty. Ông có lý do để nói như vậy bởi ngoài những khách hàng không hài lòng, vẫn còn "cả tấn" người yêu Tesla.
Tuy nhiên, mọi thứ ở Trung Quốc thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là khi chính phủ đang quyết định đã đến lúc chấn chỉnh mọi thứ. Trong vài tuần qua, Bắc Kinh - thông qua kênh truyền thông của nhà nước đã công khai chỉ trích Tesla và đó là những lời nói quan trọng nhất.
"Xinhua và tờ People’s Daily đã công khai ý kiến nói rằng Tesla đã thờ ơ với quyền lợi của người tiêu dùng", Anne Stevenson-Yang - nhà sáng lập của công ty đầu tư J Capital Trung Quốc nói.
"Các nhà phê bình nói rằng Tesla đã hủy bỏ cam kết đầu tư của họ (14 tỷ NDT) và cam kết trả thuế (2,23 tỷ NDT hàng năm). Công ty cũng không đáp ứng mục tiêu doanh thu. Hàng loạt nhà phê bình đã tham gia công kích, yêu cầu đuổi cổ Tesla ra khỏi Trung Quốc, giống như Google. Đáng ngại hơn đó không chỉ là ý kiến của một vài tay viết, đây đang trở thành một chiến dịch chống lại Tesla có tổ chức", Stevenson-Yang nói.
Le đồng ý với quan điểm đó và nói Bắc Kinh có quyền "đưa một thứ lên và vùi dập nó xuống. Những lời phàn nàn trên mạng xã hội là một chuyện. Nhưng khi truyền thông nhà nước cũng tham gia vào thì đó rõ ràng trở thành một vấn đề đáng lo với họ".
Trong khi đó, Tesla lại rất cần Trung Quốc. Đầu tháng trước, Tesla báo cáo kết quả kinh doanh Q1 đạt lợi nhuận kỷ lục nhưng cổ phiếu giảm 4% trong ngày. Lý do là bởi mức lợi nhuận này là nhờ bán Bitcoin và lượng bán tín chỉ khí thải khổng lồ. Khi mà việc cạnh tranh trở nên nóng hơn ở Mỹ và Trung Quốc trong nửa sau của năm, thị trường tín chỉ có thể sẽ bắt đầu hạ nhiệt. Phố Wall muốn biết làm sao công ty có thể tiếp tục tạo ra lợi nhuận sau đó. Với công ty, việc chiến thắng thị trường Trung Quốc là một phần quan trọng.
Daniel Ives - một chuyên gia phân tích tại Webbush Securites đặt mức giá mục tiêu cho cổ phiếu Tesla là 1.000 USD viết rằng lý do chính tự tin vào cổ phiếu Tesla là bởi "Khả năng của Tesla có thể thâm nhập sâu hơn vào Trung Quốc".
"Khi Trung Quốc là mấu chốt quan trọng cho thành công toàn cầu của Tesla. Elon Musk sẽ phải ‘tỏ ra tử tế’ ở Trung Quốc để đảm bảo tăng trưởng của Tesla không sụt giảm ở thị trường này. Trung Quốc sẽ chiếm tới 40% số lượng xe điện được giao toàn cầu vào năm 2022".
Ở một khía cạnh nào đó, Tesla và Bắc Kinh đang vừa hợp tác, vừa đối đầu. Bắc Kinh hoan nghênh sự chú ý mà Tesla dành cho thị trường xe điện. Nhưng cuối cùng, họ lại muốn các thương hiệu quốc gia làm lu mờ Tesla.
Hiện tại, thị trường xe điện của Trung Quốc đang được thống trị bởi Tesla, SAIC-GM-Wuling Automobile Co. và BYD. Trong tháng 3, ba công ty này chiếm 55% thị trường. Tuy nhiên, chừng đó chỉ tương đương 5% tổng thị phần thị trường xe hơi Trung Quốc, điều đó để thấy rằng thị trường này còn rất non trẻ.
Hiện tại, Bắc Kinh vẫn cần Tesla để thúc đẩy thị trường xe điện, nhưng Tesla cần phải hết sức thận trọng", Le nói. "Nếu một công ty xe điện trong nước thăng hạng, tình thế sẽ rất khác với Tesla".
Năm ngoái, Tesla đã dẫn đầu thị trường xe điện về doanh số bán hàng. Nhưng năm nay, họ bị đánh bại bởi Hongguang Mini, do liên doanh SAIC-GM-Wuling Automobile sản xuất.
Điều đó có nghĩa là Tesla có thể phải học cách phản ứng nhanh hơn với người tiêu dùng Trung Quốc. Công ty được biết đến với văn hóa "tăng trưởng bằng mọi giá" ở Thung lũng Silicon. Ở Mỹ, điều đó đã dẫn đến những lời phàn nàn về doanh số bán hàng gấp rút và các trung tâm dịch vụ hoạt động kém, đồng thời lo ngại rằng các vấn đề về chất lượng.
Vào năm 2020, J.D. Power phát hiện ra rằng các chủ sở hữu xe Tesla có nhiều vấn đề với ô tô của họ hơn bất kỳ thương hiệu nào khác mà hãng đã nghiên cứu. Tesla phải tìm cách khắc phục những vấn đề đó ở Trung Quốc.
"Cần phải hết sức thận trọng"
James McGregor, Chủ tịch phụ trách thị trường Trung Quốc đại lục của công ty quan hệ chính phủ Apco Worldwide nói: "Theo chiến lược kinh tế của ông Tập, các công ty nước ngoài sẽ có những cơ hội khá tốt, nhưng họ phải biết rằng kế hoạch cuối cùng là tất cả công nghệ tiên tiến phải là của Trung Quốc. Tôi hy vọng rằng Elon vào đó một cách tỉnh táo".
Ngoài ra, các đối thủ nội địa đang cạnh tranh rất mạnh, với những mẫu xe đẹp và công nghệ phức tạp hơn. Dòng Model 3 đã phải nhiều lần giảm giá tại Trung Quốc và xuất khẩu đi châu Âu, chứng tỏ thị trường nội địa chưa hấp thụ hết.
Các công ty nước ngoài từ lâu hiểu rằng không thể kiếm tiền ở Trung Quốc nếu không chịu hợp tác chính thức với chính quyền. Những chuyên gia trong ngành xe hơi Trung Quốc, những người đã theo dõi các công ty như Volkswagen và Toyota phải vật lộn trong nhiều thập kỷ để đạt được những gì Musk có chỉ trong vài năm, rất ấn tượng với cách ông khéo léo tiếp cận thị trường này.
Mặc dù vậy, lời khen ngợi của họ cũng đi kèm cảnh báo. Bill Russo, cựu giám đốc điều hành của Chrysler, hiện là CEO của Automobility, một nhà tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải nói Elon đã xoay xở rất tốt. "Nhưng Tesla có được điều này vì Tesla có lợi cho Trung Quốc", ông nói.
Nguồn: Tổng hợp
Doanh nghiệp và tiếp thị