Giải 100.000 USD chống ùn tắc: Đề xuất mở taxi nước ở Hồ Tây
Liên danh đoạt giải cho rằng, việc xây dựng tuyến taxi nước trên Hồ Tây góp phần phát triển du lịch và giải quyết một phần nhu cầu đi lại giữa 2 bờ Bắc, Nam hồ Tây.
Phương án dự thi đoạt giải nhì về chống ùn tắc tại Hà Nội của liên danh Việt -Nhật nêu nhiều giải pháp, trong đó có nội dung cải tạo xe bus/BRT.
Một trong các đề xuất của nội dung này là xây dựng tuyến taxi nước trên Hồ Tây nhằm góp phần phát triển du lịch và giải quyết một phần nhu cầu đi lại giữa 2 bờ Bắc, Nam hồ Tây.
Cụ thể, bến taxi nước được bố trí tại các điểm quảng trường, công trình công cộng dịch vụ. Khoảng cách giữa các bến khoảng 1 - 1,2 km kết nối 2 điểm có khoảng cách trên 5 km nếu di chuyển bằng đường bộ.
Để giải quyết ùn tắc, nhiều ý tưởng khác cũng được liên danh Việt - Nhật đề ra như: bố trí làn rẽ phải, rẽ trái; Cải tạo hệ thống tín hiệu; Cải tạo hình dạng nút giao, mở rộng nút giao; Xây dựng cầu vượt, hầm chui.
Thực hiện phương án làn đảo chiều (sử dụng 1-2 làn đường đối diện tại giờ cao điểm sáng, chiều) tại các trục giao thông chính hướng tâm như Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Giải Phóng.
Đồng thời, thu phí giao thông đối với ô tô từ năm 2025 từ vành đai 2 trở vào (tại 4 quận cũ Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng)...
Liên danh Việt - Nhật cũng nêu việc xây dựng đường vành đai 4 (giai đoạn 1) đoạn từ giao Đại lộ Thăng Long đến giao đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình vào trước năm 2020. Các đoạn còn lại của đường vành đai 4 sẽ xây dựng sau năm 2020. Đây là cơ sở quan trọng để di dời các bến xe khách hiện đang quá tải trong trung tâm ra ngoài.
Ngoài ra, các giải pháp dài hạn như xây đường trên cao dọc sông Kim Ngưu kết nối với đường vành đai 2, 3 trên cao; cải tạo nút Pháp Vân kết nối với đường trên cao dọc sông Kim Ngưu...
Dự kiến kinh phí thực hiện các giải pháp gồm xây dựng đường trên cao, bến xe khách, đường có làn dành riêng cho xe buýt, các nút giao... là hơn 51 ngàn tỷ đồng (không bao gồm kinh phí GPMB). Các tuyến đường sắt đô thị khoảng 9.783 triệu USD.
Vietnamnet