Giải bài toán thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán
Trong 3 năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản, vốn hóa, số nhà đầu tư tham gia thị trường… Tuy nhiên, số doanh nghiệp lên sàn vẫn còn rất hạn chế.
Vì sao “vắng” doanh nghiệp lên sàn?
Thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả đã giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch.
Thị trường chứng khoán đang đứng trước những cơ hội lớn, khi kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, dư địa cho tăng trưởng rộng mở. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển thị trường chứng khoán công khai, minh bạch, bền vững.
Việc tham gia thị trường chứng khoán khi đưa cổ phiếu lên niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao uy tín, thương hiệu…
Trong 3 năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản, vốn hóa, số nhà đầu tư tham gia thị trường…
Tuy nhiên, số doanh nghiệp lên sàn (bao gồm cả niêm yết và đăng ký giao dịch) trong thời gian qua còn rất hạn chế. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đứng ngoài sàn bởi nhiều lý do khác nhau.
Điều này khiến thị trường chứng khoán không có thêm hàng hóa mới, nhà đầu tư không có thêm lựa chọn để đầu tư. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là khó khăn của kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ phía các doanh nghiệp và các thành viên tham gia thị trường.
Chia sẻ tại toạ đàm “Tìm giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” mới đây, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB), Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS, các điều kiện lên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải thuộc dạng tốt, với báo cáo tài chính sạch sẽ, có lợi nhuận tối thiểu 1 - 2 năm.
“Chung quy, nội tại sức khỏe của doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến tình trạng doanh nghiệp niêm yết trên sàn đang ở mức hạn chế như hiện nay”, ông Huỳnh nói.
Còn về chính sách, quy định thì ông Huỳnh cho rằng đang rất rộng mở, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi đăng ký niêm yết lên sàn. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch đang tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi lên sàn, tạo điều kiện phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, hướng đến lợi ích chung.
Còn theo ông Nguyễn Trung Đức, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, hiện có hơn 65.000 doanh nghiệp thành viên đang hoạt động trong hiệp hội. Trong đó, chiếm trên 1% (hơn 650 doanh nghiệp) là doanh nghiệp đã niêm yết hoặc đang trong giai đoạn tiến hành đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để chuẩn bị niêm yết.
Trên thị trường chứng khoán, phần lớn vốn hóa thị trường, khoảng 85% tổng vốn hóa đang rơi vào một nhóm doanh nghiệp lớn, còn nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ chiếm số lượng khiêm tốn. Nguyên nhân là vì điều kiện tiên quyết để đại chúng hóa, niêm yết là về vốn điều lệ.
Đối với các doanh nghiệp bị trả lại hồ sơ khi niêm yết, nguyên nhân chính dẫn tới việc hồ sơ bị trả lại là do các doanh nghiệp chưa để đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết.
“Vấn đề thường thấy là tình hình tài chính không đáp ứng, và là nguyên nhân chính dẫn tới việc hồ sơ của các doanh nghiệp bị trả lại. Theo thống kê, có tới 70% số lượng hồ sơ bị trả lại là do không đáp ứng đủ các yêu cầu này”. Bà Hồ Thị Phương Tú, Giám đốc phòng quản lý niêm yết, HNX thông tin.
Giải pháp nào để thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán?
Hiện tại, với nền tảng kinh tế vĩ mô đang chuyển biến tích cực cùng với chủ trương của Chính phủ về xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, minh bạch, bền vững, thị trường chứng khoán Việt Nam được các nhà đầu tư nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Để tăng quy mô hàng hóa cho thị trường, tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu nâng hạng, việc khuyến khích thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán tập trung trong thời gian tới là rất cần thiết.
Từ năm 2019, Luật Chứng khoán đã được sửa đổi và có hiệu lực từ năm 2021. Kể từ khi Luật chứng khoán sửa đổi, các tiêu chí liên quan tới việc niêm yết, đăng ký giao dịch đã có nhiều thay đổi.
Bà Hồ Thị Phương Tú cho biết, sau những lần sửa đổi, điều hành, hoạt động của mảng thị trường niêm yết đã có bước tiến đáng kể. Trong tiêu chí niêm yết, điều kiện bắt buộc là doanh nghiệp phải đi qua thị trường UPCoM, là sự sàng lọc khắt khe hơn trước rất nhiều, và tạo ra sự thay đổi đặc biệt cho thị trường chứng khoán.
Bởi vậy, các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian gần đây, họ đều có tối thiểu 2 năm đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Thứ hai, điều kiện vốn điều lệ cũng được quan tâm đúng mức.
Với quy định ít nhất 30 tỷ đồng vốn tự có, mặc dù chỉ là giá trị tương đối nhỏ, song cũng góp phần tạo dựng lên lượng hàng hóa có chất lượng tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ hơn. Cuối cùng là tiêu chí về năng lực của các chủ tịch, lãnh đạo của doanh nghiệp khi niêm yết; đồng thời, họ không được vi phạm Luật Chứng khoán trong quá trình điều hành doanh nghiệp.
“Đối với các hồ sơ nộp lên sàn UPCoM, chúng ta phải xác định đây là nơi các doanh nghiệp mong muốn niêm yết phải thông qua. Cũng vì lý do này, trên sàn UPCoM có thể xuất hiện đối tượng là công ty trách nhiệm hữu hạn, thay vì công ty cổ phần như thường lệ”, bà Tú chi hay.
Dưới góc độ kiểm toán, khi các doanh nghiệp đã tham gia vào thị trường niêm yết, các doanh nghiệp sẽ phải hiểu rõ về quy định pháp lý cũng như quy định về tài chính.
Bà Hoàng Thúy Nga, Trưởng phòng kiểm toán 5 - Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, đối với các doanh nghiệp niêm yết, theo quy định phải có báo cáo tài chính đã qua kiểm toán 2 năm liên tiếp. Đánh giá một cách khách quan, yêu cầu này thực sự cần thiết bởi tính minh bạch của báo cáo kiểm toán.
Để các doanh nghiệp đạt được yêu cầu này thì thực sự không phải là điều dễ dàng. Hiện nay, các đơn vị tư vấn hay hay tổ chức phát hành tư vấn doanh nghiệp cần báo cáo tài chính đã qua kiểm toán trong vòng một năm hay 18 tháng, tuy nhiên theo quy định hiện tại thì thời hạn này đã tăng lên 2 năm, tức là 24 tháng.
Trong quá trình kiểm toán, mặc dù có nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, tuy nhiên lại không đáp ứng được các yêu cầu trên. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp không ghi nhận quy trình về kế toán cũng như minh bạch về báo cáo tài chính, chính vì vậy kiểm toán không thể chứng minh được sự minh bạch cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, một vài doanh nghiệp cũng chưa có sự tìm hiểu về đơn vị kiểm toán, đánh giá xem đơn vị kiểm toán đó có được UBCKNN chấp nhận hay không. Chính vì vậy, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ niêm yết, các doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu và chuẩn bị để các kiểm toán có thể thực hiện dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, cũng có trường hợp doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán, là bởi doanh nghiệp không chủ động liên hệ đơn vị kiểm toán sớm để thực hiện.
“Lưu ý rằng, vào những thời điểm như giữa năm, cuối năm, nôm na là "mùa" công bố báo cáo tài chính, các hãng kiểm toán sẽ nhanh chóng kín lịch, không thể tiếp nhận thêm doanh nghiệp nữa, hoặc sẽ không đủ thời gian cho kịp tiến độ của khách hàng”, bà Nga lưu ý.
Thị trường Tài chính tiền tệ