MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Giải cứu' hành tăm Nghệ An trước tình trạng ế ẩm

13-04-2017 - 13:56 PM | Thị trường

Tình trạng mất mùa, rớt giá, bí đầu ra đang khiến cho tiến độ thu hoạch hành tăm (hành lá) tại Nghệ An chậm hơn những năm trước. Để tránh việc bị tư thương ép giá, hỗ trợ phần nào khó khăn...

Để tránh việc bị tư thương ép giá, hỗ trợ phần nào khó khăn cho nông dân, tuổi trẻ tỉnh Nghệ An đã vào cuộc, chung tay tiêu thụ.

Ông Nguyễn Khắc Khương tại xóm 2, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương cho biết, năm 2016, gia đình ông trồng 3 sào (500 m2/sào) hành tăm. Với năng suất trên dưới 600kg/sào, giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, ông thu về 60 triệu đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, gia đình ông Khương lãi ròng 30 triệu đồng. So với cây lúa, hành tăm cho hiệu quả kinh tế hơn nên năm nay, ông chuyển tiếp 1 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng hành tăm.


Nông dân Đô Lương thu hoạch hành tăm

Nông dân Đô Lương thu hoạch hành tăm

Thế nhưng, năng suất hành tăm năm nay chỉ đạt khoảng 400 kg/sào. Giá bán thời điểm này năm ngoài là 40 nghìn đồng/kg thì nay chỉ còn 20 nghìn đồng/kg, có lúc tư thương ép giá xuống còn 15 nghìn đồng/kg cũng phải bán.

“Giá rẻ thế nhưng thu hoạch đến đâu vẫn phải chịu khó tìm đầu ra đến đó. Hành tăm có thể bảo quản được lâu nhưng nếu ghim hàng chờ giá, lỡ không bán được thì chỉ có đổ đi vì không thể làm thức ăn cho gia súc được. Đến thời điểm này, gia đình tôi thu hoạch được 3 sào nhưng tổng thu chưa bằng 1/3 so với năm trước”.

Ông Nguyễn Đình Sơn, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Trù Sơn cho biết, 1 sào hành tăm, nếu được mùa có thể đạt 600 - 700kg. Giá bán bình quân đạt từ 25 nghìn đồng/kg trở lên thì vẫn hiệu quả hơn cây lúa nhiều. Cho rằng, hành tăm hiệu quả kinh tế cao, không lo đầu ra, nhiều hộ gia đình không ngần ngại tăng diện tích. Vì thế, năm nay diện tích hành tăm tại Trù Sơn tăng đột biến.


Hành tăm đang giảm giá sâu

Hành tăm đang giảm giá sâu

“Vụ thu hoạch năm 2016, giá hành tăm có thời điểm lên đến 70 nghìn đồng/kg, tư thương tranh nhau mua tận ruộng. Vì thế, năm 2016, diện tích hành tăm toàn xã mới 35ha thì vụ thu hoạch năm nay đã lên trên 50ha. Năng suất năm nay cũng chỉ còn khoảng 500 - 550 kg/sào, giá thì giảm chỉ còn 1/2 so với năm 2016 nhưng rất khó tiêu thụ. Vì thế, nông dân kêu trời”, ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, chưa năm nào diện tích hành tăm nhiều và giá giảm sâu như năm nay. Vì vẫn có tâm lý chờ giá nhích, một số hộ hiện thu hoạch cầm chừng nên đến thời điểm hiện nay, diện tích thu hoạch mới chỉ đạt 60% so với 90% diện tích cùng thời điểm này năm trước.

Trước tình hình giá hành tăm xuống thấp và ế ẩm, mới đây, Huyện Đoàn Đô Lương đã vào cuộc, thu mua tận ruộng cho bà con nông dân, tổ chức các điểm bán lẻ lưu động với mục tiêu giúp nông dân tiêu thụ 20 tấn hành tăm. Tuy nhiên, theo ông Sơn, đến nay, số lượng hành tiêu thụ qua kênh này rất thấp, mới chỉ khoảng 1 tấn với giá nhích hơn thị trường không đáng kể. Phần lớn nông dân vẫn phải đem đi chợ xa bán hoặc bán tại ruộng với giá thấp.


Huyện đoàn Đô lương tổ chức thu mua, tiêu thụ hành tăm cho nông dân

Huyện đoàn Đô lương tổ chức thu mua, tiêu thụ hành tăm cho nông dân

Còn tại huyện Nghi Lộc, tình hình cũng không mấy khả quan. Đây là một trong những huyện có diện tích hành tăm lớn nhất Nghệ An và có xu hướng tăng nhanh. Năm 2016, toàn huyện mới có 150ha hành tăm thì năm 2017 đã lên đến 200ha. Diện tích trồng hành tăm tập trung tại các xã Nghi Lâm, Nghi Thuận, Nghi Văn, Nghi Kiều… Đến thời điểm này, nông dân Nghi Lộc cũng đang đau đầu tìm đầu ra cho hành tăm.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghi Lộc cho biết, đến thời điểm này, nông dân mới thu hoạch được 60 - 70% diện tích và bán với giá thấp: “Hiện chúng tôi đang khuyến cáo bà con chịu khó bảo quản chờ giá lên mới bán. Bên cạnh đó, Huyện Đoàn Nghi Lộc đang triển khai chiến dịch giải cứu hành tăm và hiện đã tiêu thụ được khoảng 1 tấn sản phẩm”.

Để giúp bà con tiêu thụ hành tăm, Huyện đoàn Nghi Lộc đã triển khai chương trình bán hành tăm qua mạng xã hội facebook với tên gọi “Chiến dịch giải cứu hành tăm - tuổi trẻ chung tay hỗ trợ nông dân Nghi Lộc”. Huyện đoàn đã thành lập đội xung kích tình nguyện để thu mua hành tăm tận chân ruộng và vận chuyển tận tay cho khách hàng. Giá được huyện đoàn thu mua cho người dân là 25 nghìn đồng/kg, cao gấp rưỡi so với giá thu mua của thương lái. Mục tiêu của chiến dịch là thu mua tiêu thụ giúp nông dân khoảng 30 tấn hành tăm.

Theo Văn Dũng

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên