Giải cứu thịt lợn: Đó là nét đẹp của dân tộc ta
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám giãi bày, giải cứu thịt lợn đáng ra là không nên có, nhưng chia sẻ khó khăn là truyền thống của người Việt. Khủng hoảng thừa thịt lớn là bài học lớn cho việc phụ thuộc thị trường Trung Quốc.
- 06-05-2017Những câu chuyện bên lề chiến dịch giải cứu thịt lợn
- 05-05-2017Giá thịt lợn: Cần người đàm phán đủ mạnh với phía Trung Quốc
- 05-05-2017Cố gắng cân bằng cung - cầu thịt lợn trong 2-3 tháng nữa
- 04-05-2017Bộ Công Thương đưa ra giải pháp tiêu thụ sản phẩm thịt lợn đang tồn trong dân
- 04-05-2017[Infographics] Giá thịt lợn giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay
- 04-05-2017Thủ tướng: Không để tái diễn tình trạng rớt giá như dưa hấu, thịt lợn
Giải cứu thịt lợn đang trở thành phong trào lan rộng khắp xã hội. Thế nhưng, bên cạnh ý nghĩa nhân văn, cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân thì cũng có không ít ý kiến lo ngại về tính nhất thời của việc giải cứu này.
Ngành nông nghiệp sẽ phải làm gì để thực sự thoát khỏi khó khăn, xử lý dứt điểm được những cuộc khủng hoảng thừa, tránh trường hợp phải kêu gọi tiêu dùng thịt lợn, và trước kia là dưa hấu, hành tím?
Chương trình Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về vấn đề này.
Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:
Thưa ông, cuộc khủng hoảng dư thừa thịt lợn đã manh nha từ năm ngoái với nhiều cảnh báo đưa ra. Chúng ta cũng đã có bài học về giải cứu dưa hấu, hành tím nhưng vì sao, biết trước như vậy, ngành chăn nuôi lợn vẫn không tránh được việc phải "giải cứu" như vậy?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Vấn đề này rất nan giải. Xong, nói về nguyên nhân, có thể thấy rằng, sâu xa chính là do nền sản xuất nhỏ, phương thức chăn nuôi hiện nay vẫn chủ yếu là chăn nuôi nông hộ. Người chăn nuôi Việt Nam lại hướng tới một thị trường duy nhất là Trung Quốc với các đặc thù như sản xuất lợn có trọng lượng lớn, từ 1,2 tạ trở lên, mỡ nhiều. Bởi vậy, khi thị trường này có vấn đề, chúng ta không chủ động được.
Chính vì như vậy, khi không xuất khẩu được, số thịt lợn này rất khó xuất đi thị trường khác hay tiêu thụ trong nước. Bản thân người nuôi cũng có tâm lý chủ quan, dù đã có cảnh báo từ trước nhưng vẫn nghĩ rằng, tình huống ấy không xảy ra đến với mình. Rồi khi lợn quá lứa, không xuất được, lập tức người nuôi cũng bị thương lái, một số đối tượng tác động vào, khiến cho họ phải bán vội, bán tháo nên tạo sức ép cho các sản phẩm khác của thịt lợn, đẩy giá xuống rất nhiều.
Giá thịt lợn xuống thấp do cuộc khủng hoảng thừa (ảnh: VietNamNet)
Thực tế, khi chúng tôi kiểm tra ở Đồng Nai, địa phương có số lượng đầu lớn khá lớn, 1,7 triệu con, chỉ tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, không phải quá dư thừa do sản xuất số đầu con mà do thị trường quá hẹp, lại có đặc tính lợn quá lứa, nhiều mỡ nên số dư thừa này tạo áp lực, khiến giá thịt lợn xuống thấp.
Liên quan vấn đề phụ thuộc thị trường hẹp Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã đề cập đến giải pháp mở rộng đầu ra thị trường ngoài Trung Quốc. Vậy, hiện nay, tiềm năng để thịt lợn mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Chúng tôi cũng đang xúc tiến đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch, không chỉ chỉ có thịt lợn. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ thị trường nào khác, Trung Quốc cũng đòi hỏi các yêu cầu về mặt kỹ thuật, cụ thể như thịt lợn muốn xuất khẩu sang phải đảm bảo về an toàn thực phẩm, về kiểm dịch theo thông lệ quốc tế.
Do vậy, ngoài đàm phán về vấn đề an toàn thực phẩm, kiểm dịch, chúng ta phải xây dựng những vùng cơ sở an toàn dịch bệnh đạt chuẩn của OE, bấy giờ mới đủ điều kiện để xuất khẩu được.
Cho nên, bây giờ, nếu Trung Quốc hay các thị trường khác có mở cửa cho thịt lợn của chúng ta nhưng chúng ta không đáp ứng chuẩn về an toàn, phòng chống dịch bệnh... thì chúng ta cũng khó để xuất khẩu được.
Một điều quan trọng khác là, kể cả đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và chuẩn về an toàn dịch bệnh, nhưng giá thành của chúng ta cao, không cạnh tranh thì dù các nước có mở thì chúng ta cũng không thể xuất được.
Do vậy, người chăn nuôi phải tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm được giá thành, giảm chi phí sản xuất. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải giám sát, kiểm tra chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào, giá cả một cách hợp lý thì mới đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Nhưng với đặc tính sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là nông hộ như hiện nay, ông có niềm tin thế nào vào hiệu quả của các giải pháp này?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự năng động sáng tạo của người nông dân Việt Nam. Bất kỳ thị trường thế giới yêu cầu sản phẩm gì, người nông dân của chúng ta đều có thể sản xuất đáp ứng được.
Tuy nhiên, nếu để mỗi hộ nông dân tự sản xuất thì rất khó đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Cho nên, những người nông dân cần phải được tổ chức lại, thành lập các hợp tác xã... liên kết lại và phải có vai trò của doanh nghiệp trong việc kết nối, tổ chức sản xuất theo chuỗi. Chỉ có doanh nghiệp thu mua, chế biến, sản xuất để xuất khẩu mới biết thị trường cần gì.
Doanh nghiệp đó cùng với những người nông dân đã được tổ chức lại thì sản phẩm nông nghiệp của ta mới có thể đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc và các yêu cầu khác của thị trường. Vì vậy, hai điều mấu chốt trong tái cơ cấu nông nghiệp là phải đột phá về khoa học công nghệ, hai là tổ chức lại sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường: truy xuất được nguồn gốc, quản lý được an toàn thực phẩm, quản lý được dịch bệch, đồng thời đảm bảo khả năng cạnh tranh tốt.
Cá nhân ông nghĩ thế nào về hai chữ "giải cứu"? Ngay khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kêu gọi giải cứu thịt lợn thì cũng đã không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về giải pháp phi thị trường và phát triển kinh tế mang tính nhân đạo như vậy?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Thực ra, mọi người đều biết, việc làm này đáng lẽ ra là không nên có. Nhưng trong bối cảnh nền sản xuất nhỏ, người nông dân nghèo, khó khăn thì đây là truyền thống của người Việt Nam, mỗi khi một bộ phận dân cư nào đó khó khăn thì cả xã hội đều chung tay tháo gỡ. Đó là nét đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, sản xuất nhỏ và những tồn tại của nông nghiệp hiện nay thì phải có một quá trình để xử lý, khắc phúc, chứ không thể ngày một ngày hai mà giải quyết được ngay.
VietNamNet