MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã con số 16,7% thị phần của Vsmart: Chắc chân top 3, hóa giải “lời nguyền” 10%?

12-04-2020 - 10:30 AM | Thị trường

Trong khi 2 vị trí dẫn đầu thuộc về Samsung và Oppo, vị trí thứ 3 trở thành cuộc đua khốc liệt nhất trong thị trường smartphone Việt với thị phần thường dao động từ 6-9%. Vsmart vừa có 2 tháng liên tiếp vượt mốc này.

Bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, báo cáo thị trường của GfK mới đây cho thấy Vsmart vừa có một tháng khá thành công với vị trí thứ 3 trong thị phần điện thoại. Trong tuần cuối cùng của tháng, thương hiệu điện thoại Việt đã chiếm tới 16,7% thị phần. Trước đó, Vsmart đã duy trì 7 tuần liên tiếp có thị phần ở mức 2 con số, vượt xa đối thủ xếp ở vị trí thứ 4.

Ở phân khúc điện thoại dưới 1 triệu và từ 1-2 triệu, nhà sản xuất điện thoại Việt bỏ xa các đối thủ tới từ Trung Quốc, vốn từ trước đến nay đều được cho là có ưu thế lớn trong phân khúc điện thoại giá phổ thông. Cụ thể, ở phân khúc dưới 1 triệu, Vsmart có lúc chiếm tới 77% thị phần theo tuần trong khi ở phân khúc từ 1-2 triệu, con số này cũng từng lên tới 75%.

Trong một thời gian rất dài, những chiếc smartphone có giá dưới 2 triệu thường không được ưa chuộng vì gần như chỉ đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của người dùng. Chính điều này khiến cho thị phần smartphone dưới 1 triệu chỉ có 1% vào tuần thứ 6 của năm 2020. Ở phân khúc từ 1-2 triệu, thị phần trong cùng thời kỳ chỉ là 6,5%.

Tuy nhiên, điều này đã thay đổi. Tới tuần thứ 13, thị phần điện thoại dưới 1 triệu đã tăng lên 4,4% trong khi thị phần của điện thoại giá từ 1-2 triệu tăng lên 11,1% nhờ sự góp mặt của Vsmart. Khi sở hữu hiệu năng cao hơn và những tính năng hợp lý hơn, những chiếc điện thoại giá phổ thông có thể tìm được một lượng lớn người dùng vốn không có khả năng tiếp cận những chiếc smartphone đắt tiền.

Việt Nam là một trong những quốc gia có hạ tầng viễn thông rất mạnh dù chỉ là nước đang phát triển. Điều này cho phép người dùng ở những vùng nông thôn, hay thậm chí là vùng sâu, vùng xa có thể truy cập Internet tốc độ cao chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Giá thành từng là rào cản cho sự tiếp cận công nghệ của người dân nhưng những chiếc smartphone giá phổ thông đã phá bỏ nó.

Điện thoại của các thương hiệu Trung Quốc từng một thời là lựa chọn duy nhất cho đối tượng khách hàng này. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, những chiếc điện thoại dưới 2 triệu gần như không làm thỏa mãn nhu cầu của người dùng. Việc khai phá mảnh đất màu mỡ này không chỉ giúp thị trường smartphone Việt Nam rộng mở mà còn tạo ra cho Vsmart cú tăng trưởng thị phần ngoạn mục.

Trong khi đó, kể từ khi Oppo tạo ra cú đột phá ở thị trường điện thoại Việt năm 2016, chưa từng có hãng nào xếp ở vị trí thứ 3 mà có thể đạt tới 10% thị phần. Huawei hay Xiaomi, dù tung ra rất nhiều sản phẩm ở thị trường Việt Nam, cũng chưa bao giờ đạt được con số này. Ngoài sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ khác, cứ khi một thương hiệu nào gần chạm ngưỡng 10%, hai cái tên dẫn đầu Samsung và Oppo thường đẩy mạnh việc giành lại thị phần bằng các hạ giá sản phẩm hoặc đổ tiền cho các chiến dịch truyền thông ở phân khúc sản phẩm tương tự.

Dẫu vậy, Vsmart đã "phá dớp" thành công. Không chỉ 1 mà 2 tháng liên tiếp Vsmart chiếm lĩnh thị phần ở mức 2 con số, đưa công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành cái tên đầu tiên phá dớp 10% sau Oppo 4 năm về trước. Điều này càng trở nên ý nghĩa hơn khi đây là một thương hiệu điện thoại Việt.

Thành công của Oppo có thể trở thành động lực cho Vsmart trong cuộc đua thị phần của smartphone Việt, nhất là khi 3 thương hiệu dẫn đầu đang chiếm hơn 3/4 thị phần. Dư địa 22% còn lại đang là cuộc cạnh tranh của hàng loạt các thương hiệu điện thoại khác, trong đó có cả những cái tên sừng sỏ như Xiaomi, Huawei, Vivo… nên Vsmart dường như đã khá chắc chân ở vị trí top 3.



Minh Minh

Trở lên trên