Giải mã cơn sốt lãi suất chứng chỉ tiền gửi “ngất ngưởng” 9%/năm
Một số ngân hàng vừa “tung ra” sản phẩm chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao để hút vốn. Tuy nhiên, khách hàng nên thận trọng bởi lãi suất cao chỉ được áp dụng trong năm đầu tiên, các năm tiếp theo lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường.
- 06-05-2019Đã có ngân hàng đẩy lãi suất chứng chỉ tiền gửi vượt mốc 9%/năm
- 05-05-2019Vietcombank cho vay ưu đãi với lãi suất siêu rẻ
- 04-05-2019Lãi suất VND liên ngân hàng liên tiếp tăng mạnh
Lãi suất cao nhất lên tới 9,1%
VietABank vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với mức lãi suất cao nhất so mặt bằng hiện nay. Khách hàng cá nhân mua chứng chỉ tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng được lãi suất cuối kì 9,1%/năm; lãi suất hàng tháng là 8,38%/năm.
SHB phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất đến 8,9%/năm. Cá nhân mua chứng chỉ dưới 2 tỉ đồng, lãi suất các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng được hưởng lần lượt 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm. Với chứng chỉ mệnh giá từ 2 tỉ đồng trở lên, lãi suất các kỳ hạn trên lần lượt là 8,7%/năm; 8,8%/năm và 8,9%/năm. Đối với khách hàng doanh nghiệp, SHB áp dụng lãi suất 8,2%/năm với các kỳ hạn linh hoạt từ 6 - 36 tháng.
MSB phát hành chứng chỉ tiền gửi Lộc Bảo Phát liên kết lợi suất đầu tư trái phiếu chính phủ. Theo đó, lãi suất của chứng chỉ này có thể cao hơn tới 30% so với lãi suất sản phẩm tiết kiệm thông thường. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6, 12 hoặc 18 tháng tại MSB tương ứng là 6,8%/năm, 7,3%/năm và 7,7%/năm.
Trước đó, từ ngày 19.2.2019 đến 31.3.2019, BIDV triển khai chương trình Chứng chỉ tiền gửi ghi danh trung dài hạn 2019 với lãi suất 7,6%/năm với 2 hình thức lãi suất cố định và lãi suất thả nổi ở kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng.
Khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi thường không được rút trước hạn, vậy nên tính thanh khoản kém hơn so với hình thức gửi tiết kiệm.
Dù lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm nhưng người có tiền nên chú ý là chứng chỉ có kỳ hạn dài hơn và khó được rút vốn trước hạn linh hoạt như sổ tiết kiệm thông thường. Nếu khách hàng cần vốn gấp nhưng lại chưa đến kỳ hạn có thể "cầm cố" giấy tờ có giá trị tại ngân hàng để vay nhưng lãi suất vay sẽ cao hơn lãi suất chứng chỉ tiền gửi mà khách hàng đó mua.
Vì sao ngân hàng lại không nâng lãi suất tiết kiệm?
Giám đốc một NHTM cho biết: “Số lượng phát hành chứng chỉ tiền gửi có giới hạn, giúp các ngân hàng dễ dàng quản lý, kiểm soát được đủ vốn huy động cần thiết là dừng.
Nếu nâng lãi suất huy động tiết kiệm, phải áp dụng trên toàn hệ thống. Khi đang thiếu vốn, ngân hàng công bố lãi suất cao, nhưng khi đủ vốn lại hạ lãi suất. Việc áp dụng sản phẩm chứng chỉ tiền gửi tránh được việc gây sốc cho khách hàng khi thay đổi đột ngột quá mạnh lãi suất huy động”.
Vì sao lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao?
Trao đổi với PV báo Lao Động, Giám đốc một NHTM cho biết: “Thứ nhất, chứng chỉ tiền gửi chỉ phát hành theo đợt để đáp ứng nhu cầu vốn đột xuất của ngân hàng. Thứ hai, một số các ngân hàng có nhu cầu tái cơ cấu nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định NHNN”.
NHNN vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Trao đổi với PV báo Lao Động, TS. LS Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân BizLight cho biết: "Mặc dù mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi rất hấp dẫn, tuy nhiên, khách hàng cần tính toán thận trọng bởi lãi suất cao hấp dẫn mà các ngân hàng đưa ra chỉ được áp dụng trong năm đầu tiên như một hình thức khuyến mãi. Các năm sau áp dụng lãi suất linh hoạt, thông thường tính theo lãi suất huy động bình quân của 4 NHTM nhà nước, cộng biên độ.
Như vậy cũng chỉ ở mức bình quân trên thị trường huy động vốn, vì hiện nay lãi suất huy động của các NHTM nhà nước thường thấp hơn 1,5-2% so với các NHTM nhỏ".