MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã "đèn xanh" mà Quốc hội vừa trao cho Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19

01-08-2021 - 09:05 AM | Xã hội

Giải mã "đèn xanh" mà Quốc hội vừa trao cho Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19

Phòng, chống Covid-19 được đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV không chỉ trao thêm quyền cho Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19 mà còn góp phần đẩy nhanh công tác hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động cũng như sớm đưa vắc xin Made in Vietnam vào sử dụng.

Theo Nghị quyết kỳ họp được thông qua ngày 28/7, Chính phủ được quyền áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại với người và phương tiện; chủ động chuyển nguồn ngân sách để chống dịch; sử dụng mọi biện pháp hợp pháp để tiếp cận vắc xin…. Về cơ bản, Chính phủ được trao quyền nhiều hơn, bao gồm cả những quyết định vốn trước đây cần phải được Quốc hội cho phép.

Giải mã đèn xanh mà Quốc hội vừa trao cho Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 tạo ra những thách thức chưa từng có. Chính vì vậy, việc chống dịch cũng cần được tiến hành theo những cách thức phi truyền thống. Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm, đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Giang, cho biết việc Quốc hội ban hành Nghị quyết là bước ngoặt cho nỗ lực "chống dịch như chống giặc" mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đang tiến hành.

"Nghị quyết sẽ giúp những người ra quyết định trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tự tin hơn, quyết liệt hơn", ông Trần Văn Lâm giải thích.

Khi dịch bệnh được Thủ tướng Phạm Minh Chính mô tả như "nước sôi lửa bỏng, cháy nhà chết người", việc tuân thủ các quy định như trong điều kiện bình thường sẽ không thể đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Việc này không chỉ khiến nỗ lực chặn dịch gặp khó khăn mà còn đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân.

Giải mã đèn xanh mà Quốc hội vừa trao cho Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh: "Thời gian qua, vắc xin của Việt Nam bị chậm. Thiếu quy định của pháp luật, không ai dám quyết định đưa vắc xin ra sử dụng. Trong khi đó, khi dịch bệnh bùng lên, thế giới chỉ cần 7-9 tháng đã đưa vắc xin ra thị trường. Nếu chúng ta tuân thủ đúng quy định, có lẽ sẽ mất vài năm", ông Lâm cho biết.

Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng tự chủ vắc xin là chìa khóa để Việt Nam chống dịch. Nước ta hiện có năng lực sản xuất. Vắc xin Made in Vietnam thì chứng tỏ hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng. Chính vì thế, cần phải quyết tâm đưa vắc xin nội, vốn được cho là an toàn và ít tác dụng phụ hơn, vào sản xuất.

"Việc đưa nội dung Phòng, chống Covid-19 vào Nghị quyết chung của Quốc hội có thể góp phần giải quyết vấn đề này. Việc rút ngắn và sớm đưa vắc xin Made in Vietnam vào sử dụng cũng không còn sai quy trình, thủ tục", ông Lâm cho biết.

Tương tự, việc mua sắm trang thiết bị y tế vốn mất rất nhiều thời gian khi tuân theo trình tự thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu. Trong khi đó, việc chỉ định thầu có rất nhiều vướng mắc. Điều này khiến việc mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch cũng không kịp thời, vật tư thiếu, nhiều quyết định phòng chống dịch chưa đúng với quy định hiện hành.

"Việc cho phép Chính phủ toàn quyền quyết định trong công tác phòng, chống dịch có thể có một số quyết định khác với quy định pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, Thủ tướng và các bộ ngành có thể ra các quyết định nhanh chóng để dập dịch. Như thế là cơ chế thoáng cho Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh", đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.

Giải mã đèn xanh mà Quốc hội vừa trao cho Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 3.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình, nhấn mạnh việc đưa Phòng, chống Covid-19 vào Nghị quyết của Quốc hội là điều không thể khác trong tình cảnh dịch bệnh như hiện nay.

"Lũ lụt còn biết lúc nào kết thúc chứ Covid-19 thì chưa biết đến bao giờ mới được kiểm soát. Chính vì thế, chúng ta phải sẵn sàng sống chung với dịch để có thể thực hiện được mục tiêu kép", ông Thân nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.

Giống như đại biểu Lâm, ông Thân khẳng định việc chờ đợi các chính sách chống Covid-19 được ban hành theo đúng quy trình thì sẽ không kịp. Trong khi đó, thay đổi luật cần rất nhiều thời gian để trình và thông qua. Chính vì vậy, Nghị quyết của Quốc hội được ban hành là phù hợp với đòi hỏi của tình hình hiện nay.

Giải mã đèn xanh mà Quốc hội vừa trao cho Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 4.

"Trong chống dịch, chúng ta phải lấy sức khỏe của người dân làm trọng. Sức khỏe để người dân không bị nhiễm bệnh và còn sức để sống qua thời gian khó khăn. Chính vì vậy, điều quan trọng là làm sao để người dân có ăn", ông Thân cho biết.

Nhắc tới tác động nặng nề của dịch bệnh đối với công nhân trong các khu công nghiệp ở phía Nam, ông Thân nhấn mạnh lực lượng này rất đông và rất cần được hỗ trợ kịp thời trong bối cảnh giãn cách xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, cần có chính sách để đảm bảo doanh nghiệp sốt sót qua đại dịch để có cơ hội phục hồi trở lại khi dịch bệnh qua đi.

"Doanh nghiệp có tăng trưởng thì nền kinh tế mới có thể vực dậy và phát triển. Đằng sau doanh nghiệp không chỉ là câu chuyện sức khỏe của nền kinh tế mà còn là công ăn việc làm, sinh kế và an sinh xã hội của người lao động", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết.

Cùng chia sẻ quan điểm với rất nhiều đại biểu Quốc hội, ông Thân cho rằng vắc xin là chìa khóa để Việt Nam vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, trong điều kiện khan hiếm trên toàn cầu, vắc xin Made in Vietnam được đề ra như một giải pháp khả thi nhất. Chính vì vậy, quy trình để đưa vắc xin vào tiêm chủng cũng phải khác thay vì tuân thủ hàng loạt các quy định cũ, ông Thân nói.

Giải mã đèn xanh mà Quốc hội vừa trao cho Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 5.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa, ĐBQH đoàn Đồng Tháp, cho biết việc đưa Phòng, chống Covid-19 vào Nghị quyết chung kỳ họp 1, Quốc hội khóa XV là "bật đèn xanh" cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng chính thức giúp cho Chính phủ có cơ sở pháp lý để ngay lập tức ban hành các chỉ đạo chống dịch thay vì phải làm theo quy trình tốn thời gian. Nghị quyết cũng quy định rõ với các vấn đề vượt thầm quyền, Thủ tướng phải báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định. Nhiều nội dung trong Nghị quyết cũng chỉ có hiệu lực tới 31/12/2022.

Giải mã đèn xanh mà Quốc hội vừa trao cho Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 6.

Với tính chặt chẽ cao, Nghị quyết giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ toàn quyền xử lý trong phòng chống dịch Covid-19 được đánh giá là hợp tình, hợp lý và hợp lòng dân. Các chỉ đạo cũng sẽ trở nên sâu sát và kịp thời hơn trong bối cảnh "chống dịch như chông giặc" hiện nay.

Theo ông Hòa, việc giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền ngăn chặn dịch Covid-19 đã "bật đèn xanh", cho phép các doanh nghiệp tư nhân, các công ty có chức năng, điều kiện nhập vắc xin về để tiêm phòng cho người dân với giá dịch vụ dưới sự kiểm soát của cơ quan y tế.

"Với vắc xin nội, đèn xanh cũng đã được bật để cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất kịp thời vắc xin Made in Vietnam để tiêm phòng cho người dân. Phải xã hội hóa vắc xin. Các nước làm được thì Việt Nam cũng sẽ làm được. Tuy nhiên, vắc xin liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người cho nên cần sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan y tế, tránh vắc xin giả", ông Hòa nhấn mạnh.

Linh Anh

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên