MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã hiện tượng ngành F&B - Pizza 4P's: Không quảng cáo, khuyến mãi vẫn được săn lùng giữa mùa dịch, xuất hiện cả trên kệ siêu thị, bán online qua Shopee, Lazada…

24-08-2021 - 10:25 AM | Doanh nghiệp

Giải mã hiện tượng ngành F&B - Pizza 4P's: Không quảng cáo, khuyến mãi vẫn được săn lùng giữa mùa dịch, xuất hiện cả trên kệ siêu thị, bán online qua Shopee, Lazada…

Điều gì đã làm nên thành công cho Pizza 4P's - một thương hiệu còn khá non trẻ so với các ông lớn Pizza Hut, Domino's Pizza?

Pizza 4P’s là thương hiệu pizza được sáng lập tại Việt Nam, bởi cặp vợ chồng người Nhật Yosuke Masuko - Sanae Tagasuki. Từ một nhà hàng trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn, thương hiệu này hiện đã có mặt tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng với tổng cộng 24 chi nhánh.

Đây cũng là một trong những startup được đánh giá thành công trong ngành F&B đầy khắc nghiệt. Tháng 5/2019, Pizza 4P’s hoàn tất nhận vốn đầu tư từ quỹ của Mekong Capital. Trước đó, chuỗi nhà hàng này cũng từng gọi vốn thành công từ Seedcom, Chikaranomoto (sở hữu chuỗi nhà hàng ramen Ippudo tại Nhật Bản) và Locotto.

Theo dữ liệu của VIRAC, doanh thu của Pizza 4P's trong năm 2017 đạt hơn 283 tỷ đồng, tăng 79% so với năm trước và sang năm 2018 tăng tiếp 45% lên 411 tỷ đồng. Về lợi nhuận, Pizza 4P's lãi 33,3 tỷ đồng năm 2017, cao gấp hơn 6 lần con số 5,5 tỷ đồng năm 2016. Năm 2018, lợi nhuận tăng tiếp khoảng 65%.

Dù xuất hiện khá muộn ở Việt Nam so với các thương hiệu lớn như Pizza Hut, Domino’s Pizza, nhưng Pizza 4P’s nhanh chóng chiếm được cảm tình của người Việt. Những chiếc pizza mang thương hiệu này thậm chí trở thành món ăn không thể không thử đối với những người sành ăn. Ngay trong mùa giãn cách, các loại pizza hay mì ý đông lạnh của Pizza 4P’s cũng được săn lùng khắp chợ mạng, thậm chí nhiều người còn gom hàng để bán với giá cao hơn.

Giải mã hiện tượng ngành F&B - Pizza 4Ps: Không quảng cáo, khuyến mãi vẫn được săn lùng giữa mùa dịch, xuất hiện cả trên kệ siêu thị, bán online qua Shopee, Lazada… - Ảnh 1.

Sản phẩm đông lạnh của Pizza 4P's được săn lùng trên chợ mạng.

Vậy vì đâu những chiếc pizza có nguồn gốc từ nước Ý, do người Nhật sáng tạo, lại được lòng người Việt đến như vậy?

Làm thương hiệu bằng chính sự hài lòng của khách hàng

"Địa điểm, địa điểm và địa điểm" thường được coi như tuyên ngôn trong ngành F&B, để nhấn mạnh tầm quan trọng, tính quyết định của yếu tố này tới sự thành công của một nhà hàng F&B. Tuy nhiên, địa điểm thuận tiện có thể thu hút khách đến lần đầu, nhưng chất lượng mới khiến họ quay lại những lần tiếp theo. Điều này có lẽ đúng với Pizza 4P’s.

Thay vì liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, combo giảm giá như nhiều đối thủ cùng ngành, Pizza 4P’s chỉ tập trung truyền thông những thông điệp nhất quán như: quy trình từ nông trại đến bàn ăn, phô mai nhà làm, nông trại nuôi cua tự nhiên, rau củ hữu cơ, tốt cho sức khoẻ.

Và theo như nhà sáng lập, để đảm bảo chất lượng nguyên liệu cũng như mang lại hương vị tươi ngon nhất, họ tự phát triển nhà máy sản xuất phô mai, hợp tác với nông dân tại Đà Lạt để chủ động nguồn rau củ hữu cơ và tự nuôi bò lấy sữa – nguyên liệu chính sản xuất phô mai. Phô mát tươi và rau chở từ các nhà cung cấp được tập kết tại nhà máy pho mát, vận chuyển ngay trong đêm đến các bếp của Pizza 4P’s ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng để sử dụng vào ngày hôm sau. Chỉ phục vụ những gì tươi ngon nhất, nếu không mua được thì tự làm.

Trong một lần phỏng vấn với VTV4, vợ chồng nhà sáng lập Yosuke Masuko - Sanae Tagasuki cho biết họ cũng giữ tính cẩn thận, tỉ mỉ vốn có của người Nhật trong kinh doanh. Ví dụ đối với công thức làm pizza, nhà hàng Pizza 4P’s có những nguyên tắc riêng về việc sử dụng topping cho từng loại bánh, đơn giản từ cách cắt bánh cho 6 người hay 8 người ăn, cách cho phô mai lên bánh, để topping được chia đều cho từng miếng.

Giải mã hiện tượng ngành F&B - Pizza 4Ps: Không quảng cáo, khuyến mãi vẫn được săn lùng giữa mùa dịch, xuất hiện cả trên kệ siêu thị, bán online qua Shopee, Lazada… - Ảnh 2.

Ngoài sản phẩm, cung cách phục vụ cũng là yếu tố mang lại danh tiếng cho Pizza 4P’s. Trước khi Covid-19 ập đến, thương hiệu này hoàn toàn nói không với dịch vụ bán online mà chỉ phục vụ tại cửa hàng. Không gian sạch đẹp, trang nhã, thái độ phục vụ thân thiện và chuyên nghiệp, có thể tận mắt chứng kiến quy trình làm pizza chính là những điểm cộng khiến thương hiệu này luôn tự tin với "tôn chỉ" chỉ phục vụ tại chỗ. Được biết, mỗi nhân viên phục vụ bàn phải được đào tạo 2 - 3 tháng và cần 3 - 6 tháng để đào tạo một nhân viên bếp và nhân viên pizza.

Bên cạnh đó, các nhân viên của Pizza 4P’s luôn cố gắng lấy được phản hồi của khách hàng, khoảng 20.000 đánh giá/tháng để kịp thời cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Chính bản thân nhà sáng lập Masuko cũng từng khẳng định, công ty không chú trọng vào quảng cáo mà tập trung vào chất lượng của bánh. "Có thể làm khách hàng hài lòng là cách quảng báo hiệu quả nhất", anh khẳng định.

Được "chống lưng" bởi đội ngũ công nghệ "uy tín"

Đứng sau sự thành công của Pizza 4P’s không chỉ là chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn là sự "chống lưng" của đội ngũ công nghệ "của nhà trồng được".

Trước kia, công việc của đội ngũ IT tại Pizza 4P’s cũng đơn thuần thực hiện các nhiệm vụ như đảm bảo các hệ thống camera, thiết bị bán hàng hay wifi,... hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, Covid-19 ập đến khiến Pizza 4P’s phải tìm kiếm nguồn thu mới trong bối cảnh các nhà hàng phải đóng cửa vì lệnh giãn cách xã hội. Thương hiệu này đã từ bỏ "tôn chỉ" chỉ phục vụ tại nhà hàng suốt 9 năm qua để triển khai kênh bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà. Tuy nhiên, thay vì chuyển đổi lên các ứng dụng như Grab, Gojek hay Now, Pizza 4P's xây dựng kênh bán hàng qua website riêng và thậm chí còn phát triển một loại pin trong hộp giữ nhiệt để giữ món ăn trong tình trạng hoàn hảo nhất. Bằng cách này, Pizza 4P’s hoàn toàn chủ động trong giao hàng cũng như trong việc nhận phản hồi, thông qua các điểm chạm và cải tiến quy trình vận hành.

Không chỉ việc nhận đơn, giao hàng mà tất cả các quy trình khác tại 24 cửa hàng của Pizza 4P’s đều được quản lý bởi hệ thống công nghệ 100% "nhà làm", từ hóa đơn điện tử đến xây dựng các quy trình phản hồi với khách hàng và đối tác, nhân viên.

Giải mã hiện tượng ngành F&B - Pizza 4Ps: Không quảng cáo, khuyến mãi vẫn được săn lùng giữa mùa dịch, xuất hiện cả trên kệ siêu thị, bán online qua Shopee, Lazada… - Ảnh 3.

Giao diện website đặt hàng do đội ngũ Pizza 4P's tự xây dựng

Trong đội ngũ lãnh đạo của Pizza 4P's có một vị trí là Giám đốc công nghệ đổi mới, được đảm nhiệm bởi Kelly Trần. Cô tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ngành Khoa học Máy tính tại Mỹ, thỉnh giảng tại Harvard và dành nhiều năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ, tự thành lập cũng như làm việc cho các công ty lớn tại nước ngoài.

Một lần trả lời phỏng vấn Vietcetera, Kelly Trần chia sẻ: "Chúng tôi phải kết hợp với tất cả mọi người, từ nhân viên bán hàng, nhân viên làm hóa đơn điện tử,... Chúng tôi không có cả tuần để làm những chuyện đó mà phải theo dõi hằng giờ. Tốc độ cải tiến là khoảng 12 giờ đồng hồ. Khi đưa ra một sản phẩm, chúng tôi xây dựng các vòng phản hồi với không chỉ khách hàng mà còn là đối tác và nhân viên. Chúng tôi đã làm điều này trong nhiều tháng liền, cho đến khi tốc độ cải tiến giảm xuống chỉ còn 1-2 tuần".

Kelly Trần cũng hào hứng tiết lộ rằng nếu như Tiki mất 24 ngày để chuyển dịch hệ thống sang Google Clouds thì Pizza 4P’s chỉ cần 7 ngày. Website của Pizza 4P’s thậm chí còn lọt top 10 thương mại điện tử của Việt Nam, bên cạnh nhưng tên tuổi lớn như Tiki, Lazada, Shopee, Thế giới di động,…

Chia sẻ về mục tiêu trong tương lai, Kelly Trần cho biết: “Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành công ty hàng đầu của Việt Nam, lấy khách hàng làm trọng tâm. Những công ty lấy khách hàng làm hàng đầu ở Việt Nam thực sự không có nhiều. Trong năm 2021, chúng tôi sẽ ứng dụng AI vào tất cả các sản phẩm tuyến trên bởi F&B là một nền công nghiệp Big data. Chúng tôi cũng sẽ ứng dụng "internet of things" để tự động hóa càng nhiều thứ càng tốt. Đó là cách duy nhất có thể nhân quy mô lên 1.000 nhà hàng”.

Phương pháp bán hàng linh hoạt

Từ lâu, Pizza 4P's đã triển khai một kênh bán thực phẩm riêng mang tên Box 4P’s. Ngoài sử dụng cho nhà hàng, Pizza 4P’s cũng bán phô mai của mình cho Horeca (các nhà hàng, khách sạn...), một số chuỗi siêu thị mini và trên Box 4P's.

Bên cạnh đó, như đã đề cập ở trên, cách bán hàng của Pizza 4P’s đã thay đổi khá nhiều kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Trong đợt dịch đầu tiên, nhờ kênh bán hàng mang về, Pizza 4P’s đã ghi nhận doanh thu 30 tỷ đồng, giao hơn 60.000 đơn hàng và tăng trưởng hằng tháng.

Giải mã hiện tượng ngành F&B - Pizza 4Ps: Không quảng cáo, khuyến mãi vẫn được săn lùng giữa mùa dịch, xuất hiện cả trên kệ siêu thị, bán online qua Shopee, Lazada… - Ảnh 4.

Các sản phẩm đông lạnh của Pizza 4P's

Cuối tháng 7/2021, trong bối cảnh làn sóng Covid-19 mới diễn biến nghiêm trọng, Pizza 4P’s đã mở thêm gian hàng chính hãng trên Shopee, Lazada. Đây tiếp tục là một động thái cho thấy thương hiệu này cũng đang nỗ lực tìm mọi cách để "cứu vớt" doanh thu giữa lúc toàn ngành F&B như "ngủ đông". Chỉ trong thời gian ngắn, các món pizza đông lạnh được Pizza 4P’s cung cấp đã gây sốt, ghi nhận doanh số 200-300 chiếc mỗi loại, chưa kể hàng loạt sản phẩm được gom hàng và rao bán trên chợ mạng. Tuy nhiên, do chính sách thắt chặt giãn cách, hiện các sản phẩm của Pizza 4P’s trên các sàn thương mại điện tử cũng bị hạn chế, chỉ còn cung cấp phô mai Burrata tươi.

Ngoài ra, Pizza 4P's còn hợp tác với nhiều chuỗi bán lẻ như Farmi.vn, Annam Gourmet, FamilyMart Vietnam, Tops Market, Genshai,… để phân phối sản phẩm đông lạnh của mình rộng rãi hơn, từ đó đa dạng hoá nguồn doanh thu.

Theo Hoàng Thùy

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên