MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã làn sóng nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản rủi ro bất chấp năm 2020 đầy kịch tính

21-12-2020 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Giải mã làn sóng nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản rủi ro bất chấp năm 2020 đầy kịch tính

Nhìn vào các bằng chứng có thể vội vàng đi đến kết luận thị trường đang có bong bóng. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản lại đem đến 1 câu chuyện khác.

Kể cả trong thời kỳ bình thường, thị trường tài chính vẫn luôn tiềm ẩn những yếu tố sẽ tạo nên kịch tính. Giá dầu có thể tăng vọt hoặc lao dốc dưới sự tác động của các cuộc khủng hoảng địa chính trị, lợi suất trái phiếu có thể tăng mạnh nhờ số liệu việc làm khả quan và các cổ đông có thể "bơm" giá cổ phiếu sau khi công ty đó ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục.

Tuy nhiên, trong năm 2020 vừa qua chúng ta đã được chứng kiến sự kịch tính lên tới đỉnh điểm. Tháng 3, giá trị vốn hóa của TTCK bốc hơi 30% chỉ trong 1 tháng. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm – tài sản quan trọng bậc nhất thế giới – giảm một nửa trong thời kỳ từ tháng 1 đến giữa tháng 3, để rồi tăng 50% chỉ trong vài ngày trước khi tiếp tục hồi phục và biến động điên cuồng. Đã có lúc giá dầu xuống dưới mức 0 dù chỉ trong thời gian ngắn. Giá gỗ giảm một nửa, sau đó 2 lần tăng gấp đôi để rồi giảm một nửa một lần nữa và cuối cùng lại tăng gấp đôi.

Nếu như đà giảm giá của các tài sản trong thời gian nhiều nước đồng loạt thực hiện phong tỏa khiến các nhà quản lý tài sản run sợ, thì cú phục hồi sau đó (mà được dẫn dắt bởi các cổ phiếu công nghệ) cũng khiến họ không thể yên tâm vì những điểm tưởng chừng rất vô lý.

Đến tận năm 2018, Apple mới trở thành công ty niêm yết đầu tiên trên thế giới cán mốc 1.000 tỷ USD vốn hóa. Nhưng chỉ từ đầu năm đến nay, giá trị vốn hóa của Apple đã tăng khoảng 750 tỷ USD. Giá trị vốn hóa của Tesla cũng tăng gấp 6 lần trong năm nay, đạt hơn 600 tỷ USD, bằng cả 7 công ty ô tô lớn nhất thế giới cộng lại.

Kể cả những cổ phiếu bị nhà đầu tư xa lánh hồi đầu năm như ngân hàng và năng lượng cũng đã hồi phục nhờ những tin tức tốt lành về vaccine và chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Khi nền tảng đặt phòng Airbnb lên sàn ngày 10/12, giá cổ phiếu vẫn tăng vọt 115% dù 2020 là năm mà gần như chẳng có ai đi du lịch. Ngày 5/12, giá trị vốn hóa của TTCK toàn cầu vượt mốc 100 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử.

Về lý thuyết diễn biến trên thị trường tài chính sẽ phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về tương lai, vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường diễn biến rất bấp bênh trong suốt năm vừa qua. Tuy nhiên, đà hồi phục của các tài sản rủi ro và hiện trạng nền kinh tế còn hết sức mong manh làm dấy lên câu hỏi liệu có phải đã xuất hiện bong bóng ở một số loại tài sản, hay sự thăng trầm của thị trường chỉ đơn giản là xuất phát từ việc các yếu tố cơ bản đang thay đổi hay không.

Hãy xem xét lập luận đầu tiên. Kể cả khi lợi nhuận của các doanh nghiệp lao dốc, các nhà đầu tư của chỉ số S&P 500 vẫn kiếm được mức lợi suất 14,3% (sau khi đã trừ cổ tức) trong năm 2020, cao gấp đôi so với mức trung bình trong 20 năm trở lại đây. Đà tăng khiến các chỉ số đo lường vốn hóa của thị trường tăng vọt.

Ví dụ, CAPE – chỉ số do giáo sư Robert Shiller tạo ra, được tính bằng cách lấy giá chia cho lợi nhuận bình quân 10 năm đã được điều chỉnh theo lạm phát – đã lên tới 33 lần trên TTCK Mỹ trong tháng 11/2020. Trong lịch sử mới chỉ có 2 lần chỉ số này vượt qua mốc 30 – vào cuối những năm 1920 và đầu những năm 2000. Khi chỉ số CAPE ở mức cao, thường là sau đó sẽ kéo theo 1 thập kỷ thị trường ảm đạm.

Các ông lớn công nghệ, mà nhiều trong số đó được dự đoán sẽ hưởng lợi từ làn sóng mua sắm trực tuyến và làm việc từ xa, là lực đẩy chính của thị trường. Nhóm này đóng góp 2/3 tổng lợi suất của chỉ số S&P 500. Thời điểm đầu năm, Alphabet, Amazon, Apple, Facebook và Microsoft có tổng giá trị vốn hóa và khoảng 5.000 tỷ USD và chiếm khoảng 17,5% tổng giá trị của chỉ số. Giờ đây con số tương ứng lần lượt là 7.000 tỷ USD và 22%.

Tâm trạng hưng phấn của nhà đầu tư được thể hiện rõ nét qua các vụ IPO như của Airbnb và sự lấn át của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhà đầu tư cá nhân đứng sau khoảng 20% khối lượng giao dịch, so với tỷ lệ 19% trong năm 2019.

Nhìn vào các bằng chứng trên có thể vội vàng đi đến kết luận thị trường đang có bong bóng. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản lại đem đến 1 câu chuyện khác. Các tài sản có tính chu kỳ - như cổ phiếu trong các ngành bán lẻ và nhà hàng hoặc các loại hàng hóa như vàng và dầu - thường có xu hướng tăng giá trong chu kỳ hoạt động kinh doanh bùng nổ. Giá của chúng đã lao dốc mạnh trong tháng 2 và tháng 3, sau đó phục hồi chậm chạp khi thế giới dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, kể từ ngày 9/11, khi tin tức về vaccine ngập tràn, giá đã hồi phục rất mạnh. Cước phí vận chuyển bằng container đã chạm mốc cao nhất từ trước đến nay. Ngày 10/12, giá dầu thô biển Bắc vượt qua mốc 50 USD lần đầu tiên kể từ tháng 3.

Hơn nữa, diễn biến lãi suất giải thích rõ hơn về đà tăng của TTCK. Hoàn cảnh lãi suất siêu thấp như hiện nay khiến cổ phiếu càng trở nên hấp dẫn hơn. Đối với các cổ đông, giá trị của 1 công ty chính là giá trị hiện tại của lợi nhuận trong tương lai, do đó giá cổ phiếu sẽ rất nhạy cảm với những thay đổi trong kỳ vọng về lợi nhuận và nhạy cảm cả với mức lãi suất chiết khấu được sử dụng trong công thức dùng để quy về giá trị hiện tại.

Chỉ riêng yếu tố cổ phiếu tăng giá ồ ạt là không đủ để kết luận thị trường đang có bong bóng, đặc biệt là nếu xét đến yếu tố lãi suất chiết khấu. Có thể điều này sẽ không hoàn toàn xua tan nỗi hoài nghi của nhà đầu tư bởi họ đang nhìn thấy dấu hiệu bong bóng ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên chí ít thì không thể khẳng định chắc chắn 100% về bong bóng ở thời điểm hiện tại.

Tham khảo The Economist

Thu Hương

Tổ Quốc

Trở lên trên