MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã lý do khiến chứng khoán Mỹ có một phiên giao dịch điên rồ, phục hồi sau khi giảm gần 800 điểm

07-12-2018 - 10:18 AM | Tài chính quốc tế

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã đưa thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một phiên giao dịch được mô tả với trò tàu lượn siêu tốc.

Thông tin về vụ bắt giữ CFO Huawei Meng Wanzhou đã khiến Dow Jones giảm tới 785 điểm trong phiên giao dịch vừa diễn ra trước khi phục hồi lại mức giảm 79 điểm. Trong khi đó, Nasdaq tăng nhẹ, S&P 500 giảm không đáng kể.

Những biến động cực mạnh chỉ trong một phiên giao dịch cho thấy các nhà đầu tư đang hết sức hoang mang về tương lai chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Tuy nhiên, điều khiến thị trường hồi phục là một bài báo trên tờ The Wall Street Journal cho thấy Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm tới.

Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại B. Riley FBR, cho rằng việc chứng khoán Mỹ hồi phục nhanh trong phiên "tắm máu" là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, trong khi các nhà đầu tư đang yên tâm với việc FED đang thận trọng hơn với các chính sách lãi suất của họ, mối nguy từ chiến tranh thương mại vẫn là một trở ngại lớn đối với thị trường.

Vụ bắt CFO Huawei kích hoạt cuộc bán tháo

Việc chính phủ Canada bắt bà Meng cũng như xem xét dẫn độ cô con gái của Chủ tịch Huawei, một trong những doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc, về Mỹ khiến chứng khoán toàn cầu chao đảo. Hang Seng Index của Hồng Kông đã giảm 2,5% trong khi chứng khoán dâu Âu cũng giảm mạnh. DAX của Đức đóng cửa với mức giảm lớn, góp phần thổi bay gần 20% giá trị vốn hóa so với đỉnh hồi tháng Giêng.

Những công ty có liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc như Apple hay Boeing cũng chứng kiến những cú sụt giảm nghiêm trọng trước khi được phục hồi. Cổ phiếu các doanh nghiệp liên quan đến thương mại khác như Broadcom (AVGO) và Harley-Davidson (HOG) cũng chịu áp lực.

Việc bắt giữ bà Meng như một lời nhắc với các nhà đầu tư rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn đang kẹt trong cuộc chiến thương mại đầy gai góc, bất chấp lệnh ngừng bắn đạt được hồi cuối tuần trước ở Argentina. Các mức thuế hiện tại vẫn còn giá trị trong khi những mức thuế bổ sung mới chỉ tạm được hoãn trong 90 ngày chờ đàm phán.

Nỗi sợ chiến tranh thương mại

Nỗi sợ hãi chiến tranh thương mại trở lại cùng với những lo ngại về suy thoái kinh tế khiến Dow Jones giảm mạnh hôm 4/12 với 799 điểm bị thổi bay. Cuộc bán tháo đã xóa sạch những thành quả của đợt phục hồi một tuần trước, vốn được ghi nhận là mức tăng hàng tuần lớn nhất của S&P 500 trong suốt 7 năm qua. Thị trường nghỉ giao dịch ngày 5/12 vì quốc tang Tổng thống George H.W. Bush.

Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu của Invesco, cho rằng: "Việc bắt giữ CFO của Huawei làm gia tăng những mối quan ngại về diễn biến xấu hơn trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới".

Hooper nhận định các nhà đầu tư đang trở nên quan tâm hơn với sự cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bởi những tác động tiêu cực đã trở nên rõ ràng: chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí nguyên vật liệu gia tăng và các doanh nghiệp có thể trì hoãn các quyết định đầu tư.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khiến các nhà đầu tư hoảng sợ khi tự gọi mình là "Tariff Man" (người đánh thuế) cùng tuyên bố sẽ "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" dù các khoản thuế này sẽ được đổ lên đầu người tiêu dùng Mỹ.

Dầu lại lao dốc

Cổ phiếu năng lượng góp phần không nhỏ vào những biến động trong phiên giao dịch vừa qua khi giá dầu thế giới giảm mạnh. Cổ phiếu của Pioneer (PXD) và Baker Hughes (BHGE) giảm hơn 3% giá trị trong bối cảnh giá dầu giảm tới 2,7% sau khi OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏ không trực thuộc kết thúc phiên họp cắt giảm sản lượng được mong đợi nhưng không tổ chức họp báo. Trước đó, các nhà phân tích dự đoán rằng nguồn dầu sẽ giảm đáng kể để cân bằng thị trường.

Ả rập Xê út, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất OPEC, cho rằng việc giảm sảng lượng có thể thấp hơn so với những gì các nhà phân tích dự đoán. Khalid Al Falih, bộ trưởng năng lượng của vương quốc, cho biết việc cắt giảm tới 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày là "quá mức".

Bên cạnh đó, đường cong lợi suất trái phiếu cũng đang khiến các nhà đầu tư hoang mang. Khoảng cách giữ lợi suất trái phiếu 2 năm và 10 năm của Mỹ đang ở mức chưa từng thấy kể từ cuộc Đại suy thoái. Đảo ngược đường cao lãi suất, khi mà các loại trái phiếu ngắn hạn có lãi suất cao hơn trái phiếu dài hạn, từng mang đến những lần chuẩn đoán chính xác về suy thoái trong quá khứ.

Mối lo ngại về đảo ngược đường cao lãi suất khiến cổ phiếu các ngân hàng phải trả giá. Cổ phiếu của Bank of America (BAC), Citigroup (C) và Morgan Stanley (MS) đều đóng giảm giá.

Trong khi đó, ADP và Analystics của Moody ra báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ chỉ có thêm 179.000 việc làm trong tháng 11, thấp hơn so với ước tính 195.000 việc làm được đưa ra trước đó.

Linh Anh

CNN

Trở lên trên