"Giải mã" những công trình đầu tư "lạ" tại Thừa Thiên - Huế
(Công trình sân vận động, cầu vượt, cầu bắc sang sông, nhà chờ bến thuyền được đầu tư với số tiền lớn nhưng thiếu đồng bộ, kéo dài nên hiệu quả sử dụng không cao, lãng phí.
- 15-12-2021Đà Nẵng: Có dự án điều chỉnh mức đầu tư tăng gấp 20 lần
- 15-12-2021Bộ KH&ĐT dự kiến thanh tra hàng loạt dự án đầu tư tại nhiều tỉnh trong năm 2022
- 10-12-2021Hé mở cấu phần “gói kích cầu”: Sẽ dồn 146.990 tỷ đồng đầu tư công toàn bộ 12 dự án cao tốc?
Trung tâm Văn hóa thể thao Thuận An, phường Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế được xây dựng trên bãi đất sình lầy rộng 4,9 ha. Dự án triển khai từ năm 2013 với vốn gần 21,5 tỉ đồng từ ngân sách để xây mới khán đài có sức chứa khoảng 1.000 người, bố trí các phòng chức năng bên dưới khán đài, trồng cỏ mặt sân bóng, đường chạy và hệ thống thoát nước bao quanh sân, đầu tư một số trang thiết bị để đảm bảo yêu cầu sử dụng.
Mặt sân cỏ mọc um tùm, hoang hóa
Dự án triển khai ì ạch, kéo dài đến 9 năm với nhiều hạng mục dần xuống cấp nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện bàn giao đưa vào sử dụng do chưa đầu tư hoàn chỉnh.
Đến tháng 6-2021, khi thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang sắp sáp nhập vào TP Huế để đổi sang phường Thuận An thì tỉnh Thừa Thiên - Huế bố trí phần vốn còn lại, chủ đầu tư là Ban đầu tư xây dựng khu vực Phú Vang vội vã yêu cầu các nhà thầu thi công sửa chữa hư hỏng, trồng cỏ và hoàn thiện dự án để nghiệm thu, bàn giao cho chính quyền. Và công trình được vội vã bàn giao cho UBND phường Thuận An quản lý nhưng từ đó đến nay hầu như bỏ hoang, nhiều trang thiết bị hư hỏng, xuống cấp.
Để nhanh chóng bàn giao cho địa phương trước khi Thuận An về "nhà" mới, các khung thành ở Trung tâm Văn hóa thể theo được móc lưới. Vậy nhưng dù đến nay chưa có trận bóng nào diễn ra nhưng lưới đã bị rách nát.
Cỏ mọc um tùm, khán đài đóng rêu
Gầm khán đài là chỗ lý tưởng nuôi nhốt gia súc
Cách Trung tâm Văn hóa thể thao Thuận An không xa, công trình nhà chờ và bãi giữ xe du lịch trên phá Tam Giang (phường Thuận An) đầu tư hàng tỉ đồng nay cũng chỉ là căn nhà hoang. Ngư dân tận dụng làm nơi để ngư lưới cụ.
Công trình đã ngả màu nhưng chẳng có sự hoạt động.
Công trình nhà chờ và bãi giữ xe bến thuyền du lịch Đầm Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang được đầu tư khoảng 2 tỉ đồng nay cũng chưa thể phục vụ cho phát triển du lịch.
Nhiều năm nay nhiều người đi qua đoạn đường giao nhau với đường sắt Bắc-Nam ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cứ thắc mắc không biết vì sao có một cây cầu vượt bắc qua đường sắt nhưng thi công dang dở, để hoang hóa và đó là dự án gì? Cầu có 3 nhịp, xong phần thô nhưng chưa có đường dẫn 2 đầu lên cầu như một khối bê tông tồn tại vĩnh cửu theo thời gian.
Cây cầu dang dở tồn tại nhiều năm
Cây cầu này được đầu tư hàng chục tỉ đồng, thuộc dự án đường cứu hộ cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc với điểm bắt đầu tại Quốc lộ 1 đi qua thị trấn Phong Điền, điểm cuối đến biển Điền Lộc (Phong Điền) dài 16,5 km. Tại giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 212 tỉ đồng, khởi công từ năm 2012. Đến nay đã đầu tư thông tuyến từ QL1 nối Tỉnh lộ 4 và đang triển khai giai đoạn 2.
Cầu chưa thể sử dụng vì bố trí vốn chưa đủ để làm hệ thống cầu đường đồng bộ
Dự án cầu bắc qua sông Lợi Nông (nối từ đường 26m khu nhà ở An Đông sang đường mặt cắt 100m thuộc khu A- Khu đô thị mới An Vân Dương) được khởi công xây dựng với kinh phí 32 tỉ đồng. Từ nhiều năm nay cây cầu đã được thi công hoàn chỉnh nhưng không thể sử dụng vì chẳng có đường dẫn lên 2 đầu cầu.
Cầu Lợi Nông ở TP Huế được đầu tư với kinh phí 32 tỉ đồng
Nhưng nay thiếu đường dẫn nên không thể sử dụng, Dự án phải điều chỉnh bố trí thêm 68 tỉ đồng để đầu tư đồng bộ, sớm đưa vào sử dụng năm 2022.
Người lao động