Giải mã sức hút từ cổ phiếu vua của ngành đường Việt Nam
Kết thúc niên độ 2020-2021 của ngành mía đường (01/7/2020 - 30/6/2021), những cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt và có "câu chuyện" của riêng mình hứa hẹn sẽ tăng giá và mang lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư.
Đồng loạt tăng trưởng
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp như Mía đường Lam Sơn (mã LSS), Mía đường Sơn La (mã SLS), Đường Kon Tum (mã KTS),... đã công bố kết quả kinh doanh 2020-2021 khá tích cực. Trong quý cuối niên độ vừa qua, LSS đạt doanh thu 831 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 82,5% và 120% so với cùng kỳ. SLS báo lãi đậm, vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm tài chính 138 tỷ đồng.
Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (mã SBT, TTC Sugar - thành viên của Tập đoàn TTC) đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, SBT đã hoàn thành 104% chỉ tiêu doanh thu và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận. Lũy kế niên độ tài chính 2020-2021, SBT đã tiêu thụ 1,16 triệu tấn đường, tăng 10% so với cùng kỳ và là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng tiêu thụ trên 1 triệu tấn. SBT còn huy động thành công hơn 3.000 tỷ đồng trên thị trường vốn để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, đồng thời chuyển đổi thành công hệ thống và Go-live trong 11 tháng để bắt đầu niên độ 2021-2022 trọn vẹn trên nền tảng IFRS.
Theo bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch SBT, kết quả này có được do SBT đã xây dựng chiến lược, chính sách bán hàng hiệu quả, mở rộng thị phần ở các phân khúc sản phẩm và tối ưu hoạt động của chuỗi cung ứng, kiểm soát tốt chi phí đầu vào, tập trung phát triển các dòng sản phẩm mới Cạnh đường và Sau đường nhằm khai thác tối đa chuỗi giá trị cây mía. "Không ai giao nhiệm vụ cho ngành đường TTC, nhưng chúng tôi luôn đặt sứ mệnh của doanh nghiệp gắn liền với trách nhiệm quốc gia. Nhìn tổng quan, với sản lượng nội tại, kho đường của TTC có thể tự hào là kho đường của quốc gia. SBT đang có mặt tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore và sẽ mở rộng hơn nữa. Không dừng lại ở đó, chúng tôi chú trọng đào tạo nhân sự để bắt kịp tốc độ phát triển của thị trường. Đội ngũ tâm huyết, giàu kinh nghiệm sẽ tiếp cận các thị trường này như một cánh tay nối dài đưa ngành đường TTC vươn ra thế giới. Mặt khác, đầu tư công nghệ thông tin, chuẩn mực IFRS là xu hướng quốc tế, việc tất yếu phải hòa nhập, là điều mà TTC luôn hướng đến", bà Huỳnh Bích Ngọc cho biết thêm.
Bà Huỳnh Bích Ngọc cùng cộng sự khảo nghiệm giống mía mới có năng suất cao
Hiện SBT đang là doanh nghiệp mía đường lớn nhất Việt Nam với 46% thị trường nội địa. Bên cạnh vùng nguyên liệu đứng đầu cả nước với tổng diện tích gần 64.000 hecta, công ty đã mở rộng diện tích sang các nước Đông Dương. SBT cũng sở hữu 8 nhà máy tại Việt Nam và 1 nhà máy tại Lào. Tổng công suất ép của 9 nhà máy đạt 37.500 tấn mía/ngày, tổng công suất đường sản xuất đạt 4.250 tấn/ngày.
Niên độ kinh doanh mới khởi sắc
Ngành đường Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn kể từ niên vụ 2018-2019 và càng trở nên khó khăn hơn khi từ 01/01/2020 thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN giảm xuống còn 5% và khi hạn ngạch được xóa bỏ. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang chịu thách thức từ dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, vấn đề kinh tế số hóa - phát triển của công nghệ từ hoạt động doanh nghiệp đến hành vi tiêu dùng; Các công ty đa quốc gia (MNCs) nhập khẩu đường trắng thay cho sử dụng trong nước với lợi thế chính sách mua hàng tập trung quốc tế; hay hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến tái sinh và năng suất mía… cũng chính là các trở ngại lớn của ngành. Tuy nhiên, trong thách thức vẫn có cơ hội. Giai đoạn tiếp theo sẽ là thời gian giúp chuỗi cung ứng đường nội địa phục hồi và phát triển.
Với mục tiêu trở thành "Nhà cung cấp giải pháp sản phẩm Nông nghiệp có nguồn gốc và bền vững hàng đầu Đông Dương", SBT đặt kế hoạch đến niên độ 2024-2025 tổng doanh thu đạt xấp xỉ 26.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 2.800 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp mía đường tăng trưởng góp phần giữ vững mục tiêu an ninh lương thực và hỗ trợ lao động ngành nông nghiệp
Để đạt được kết quả trên, SBT xác định rõ mục tiêu chiến lược hoạt động trong những năm tới. Theo đó, đối với công tác thị trường, SBT tiếp tục giữ vững vị thế số 1 ngành Đường Việt Nam, sản lượng tiêu thụ đến 2025 dự kiến đạt 1,5 triệu tấn, lấy kênh MNCs là "xương sống", phát huy mối quan hệ lâu năm và gia tăng dịch vụ hậu mãi, riêng kênh SMEs sẽ cung cấp sản phẩm đi kèm dịch vụ kho bãi và phương thức thanh toán linh hoạt. Bên cạnh đó, SBT cũng phát triển kênh thương mại quốc tế để tạo giá trị thặng dư từ đầu vào và đầu ra, phát triển hệ thống phân phối và mở rộng độ phủ từ thành thị đến nông thôn đối với kênh B2C, chiếm 51% thị phần vào năm 2025. Đồng thời, từng bước thâm nhập ngành nước giải khát, chuẩn hóa và nâng cao năng lực chuỗi cung ứng, đến 2025 phát triển 4 trung tâm phân phối và 4 vùng bán hàng.
Sở hữu diện tích vùng nguyên liệu rộng lớn sẽ giúp doanh nghiệp mía đường nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn quốc tế
Đối với công tác sản xuất, SBT đẩy mạnh gia tăng chuỗi giá trị cây mía thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Mục tiêu đến 2025, sản lượng đường sản xuất đạt hơn 900.000 tấn, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo các nhà máy đều vượt qua điểm hòa vốn, giảm số ngày bán hàng ứng với tồn kho.
Đối với công tác nông nghiệp, tập trung phát triển và quản lý hiệu quả vùng nguyên liệu. Mục tiêu đến năm 2025, sản lượng mía ép đạt 3,9 triệu tấn, năng suất mía trên 72 tấn/hecta, chữ đường đạt 11 CCS. Đồng thời để tiệm cận hóa các tiêu chuẩn quốc tế, dự án "Chuyển đổi số - Chuyển đổi SBT" sẽ được thực hiện đồng bộ xuyên suốt trên chuỗi giá trị cung ứng, từ hoạt động thương mại quốc tế đến nông nghiệp, sản xuất, vận chuyển, lưu trữ cho đến khi những sản phẩm đến từng đối tượng khách hàng. Đây sẽ là công cụ để hiện thực hóa các mục tiêu của niên độ 2021-2022 và là tiền đề cho chiến lược 5 năm 2021-2025.
Mới đây, sau thông tin về việc áp thuế Chống bán phá giá và Chống trợ cấp, loạt cổ phiếu đường trên sàn chứng khoán ghi nhận sự bứt phá cả về giá và thanh khoản. SSI Research cũng đã đánh giá các nhà máy đường có lợi thế về quy mô trong sản xuất đường RS và RE như SBT sẽ có lợi thế về giá thành hơn so với các nhà máy nhỏ. Vì thế, cổ phiếu SBT với tiềm năng tăng trưởng lớn sẽ mang lại sức hút hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Tính tới thời điểm 17/8/2021, SBT đạt 21.450 đồng, tăng gần 27% chỉ trong vòng 1 tháng so với mức giá đáy trong 6 tháng gần nhất là 16.800 tại ngày 01/2/2021. SBT hiện là một trong những mã cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất ngành đường khi khối lượng cổ phiếu giao dịch trung bình 3 tháng gần nhất lên hơn 3,8 triệu cổ phiếu; vượt trội so với các cổ phiếu cùng ngành.