Giải mã xu thế mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng đón đầu: Giao hàng nhanh hơn 60% so với xe tải, tiết kiệm 90% khí thải carbon
Theo một chuyên gia, số lượng doanh nghiệp dùng xe máy điện chở hàng đã tăng ngoạn mục đến mức có thể trở thành xu hướng chủ đạo trong những năm tới.
Mới đây, thông tin GSM (CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh) – công ty do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập sắp ra mắt dịch vụ giao hàng và di chuyển bằng xe máy điện tại Việt Nam đã thu hút được sự chú ý của dư luận.
Trên thực tế, giao hàng bằng xe máy điện được đánh giá là xu hướng có tiềm năng phát triển trên toàn cầu. Theo tờ Guardian , ngày càng nhiều công ty bắt đầu cung cấp dịch vụ chở khách và vận chuyển hàng hóa bằng xe máy điện.
Một thống kê năm ngoái cho thấy ở Anh đã có gần 500 doanh nghiệp và người kinh doanh độc lập chuyển sang sử dụng phương tiện này. Helena Downey, một chuyên gia, cho biết: “Trong suốt thời gian đại dịch, số lượng doanh nghiệp dùng xe máy điện chở hàng đã tăng ngoạn mục đến mức có thể trở thành xu hướng chủ đạo trong những năm tới”.
Xe máy điện được đánh giá là sở hữu nhiều lợi thế so với các phương tiện truyền thống khác. Chúng có thể di chuyển nhanh hơn qua những đường đông đúc trong thành phố. Điều này đồng nghĩa với việc giao hàng nhanh hơn tới 60% so với một số loại xe tải.
Quan trọng hơn cả, xe máy điện sạch hơn đáng kể khi giúp tiết kiệm 90% lượng khí thải carbon, không gây tiếng ồn lớn và giảm tắc nghẽn giao thông nhờ thiết kế gọn nhẹ.
Giống nhiều dịch vụ giao hàng bằng xe điện khác, The Bike Drop (Anh) được thành lập vào những ngày đầu của đại dịch để giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng.
“Ngay khi mở cửa, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm ngay lập tức từ cả công ty và khách hàng. Các công ty muốn chọn phương án giao hàng thân thiện với môi trường hơn trong khi khách hàng thích được di chuyển bằng xe chạy điện. Và tất cả chúng ta đều muốn các con đường trở nên sạch sẽ, yên tĩnh và an toàn hơn”, Harry McKeown, CEO của The Bike Drop chia sẻ.
Trong tháng đầu tiên khi đại dịch bùng phát tại Anh, chỉ riêng lĩnh vực tạp hóa đã chứng kiến lượng giao hàng tận nhà tăng 91%. McKeown cho biết nhu cầu về dịch vụ giao hàng bằng xe máy điện của họ bắt đầu tăng mạnh kể từ đó.
McKeown nói thêm: “Việc kinh doanh phát triển nhanh chóng. Chúng tôi có 13 nhân viên giao hàng cho 36 doanh nghiệp địa phương. Đội xe máy điện của chúng tôi đã thực hiện tổng cộng hơn 6.500 lượt nhận và giao hàng cho họ với tổng quãng đường hơn 10.000km, tiết kiệm hơn 2,3 tấn khí thải CO2”.
Pedal Me, công ty vận chuyển hành khách và hàng hóa xung quanh trung tâm London, đã chứng kiến hoạt động kinh doanh tăng trưởng gấp đôi kể từ khi đại dịch bùng phát.
Zedify, một dịch vụ giao hàng bằng xe máy điện khác, cho biết hoạt động kinh doanh thuận lợi đến nỗi họ đã mở thêm 10 trung tâm nhỏ chỉ trong thời gian ngắn để cung cấp dịch vụ giao hàng không phát thải.
“Mọi người đều hưởng lợi từ hình thức này, từ khách hàng, doanh nghiệp cho tới môi trường”, Rob King - CEO của Zedify, cho biết.
Không chỉ ở khu vực thành phố, dịch vụ vận chuyển bằng xe máy điện đến các vùng ngoại ô, nông thôn cũng đang dần phát triển tại các quốc gia. Một số chuyên gia nhận định sự quan tâm đến vấn đề môi trường của các bên đang giúp những dịch vụ như giao hàng, chở hành khách bằng xe điện phát triển mạnh mẽ.
Cargodale – startup giao hàng bằng xe máy điện đến vùng nông thôn của Anh, hiện sở hữu đội xe gồm 15 tài xê và giao hàng cho hàng trăm doanh nghiệp địa phương. Nhà đồng sáng lập Beate Kubitz nói rằng công ty đã nhận được yêu cầu từ khắp nơi và đang trong quá trình mở rộng hoạt động để phục vụ nhu cầu đang ngày càng gia tăng.
Nhịp sống thị trường