MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải ngân hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm kỷ luật ngân sách

19-02-2018 - 09:35 AM | Tài chính - ngân hàng

Năm 2018, hệ thống kho bạc Nhà nước phải tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ cương trong quản lý thu chi ngân sách gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Hà - Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) với Báo điện tử Chính phủ nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất năm 2018.

Giải ngân hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm kỷ luật ngân sách - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà. Ảnh: VGP/Huy Thắng


Ông đánh giá thế nào về hiệu quả giải ngân vốn đầu tư năm 2017 của Kho bạc Nhà nước đến hiện tại?


Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Hà: 
Trong những tháng đầu năm 2017, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, 6 tháng mới giải ngân đạt 33,2% kế hoạch vốn Nhà nước giao.

 Trước tình hình đó, KBNN đã bám sát Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách, với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách, hệ thống kho bạc Nhà nước (KBNN) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư; tạm ứng vốn cho các chủ đầu tư để chuyển tiền cho các tổ chức làm nhiệm vụ đền bù giải phóng mặt bằng khi có phương án được duyệt; thông báo và triển khai ngay việc tạm ứng, thanh toán cho các dự án khởi công mới có quyết định đầu tư đến 30/9/2017 theo chỉ đạo của Chính phủ; đôn đốc và đề nghị chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ trong vòng 4 ngày gửi ngay đến KBNN để được thanh toán, không để dồn vào cuối năm; đồng thời hằng tháng công khai số liệu giải ngân để các bộ, địa phương, chủ đầu tư biết, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư v.v...

Đến hết năm 2017, hệ thống KBNN kiểm soát chi ước đạt 304.645,2 tỷ đồng, bằng 86,6% so với kế hoạch năm. Trong đó, nguồn Chính phủ giao giải ngân ước đạt 276.451,8 tỷ đồng, đạt 88,2% kế hoạch, nguồn vốn khác giải ngân ước đạt 28.193,4 tỷ đồng, đạt 73,6% kế hoạch. Trong nguồn Chính phủ giao thì vốn xây dựng cơ bản (XDCB) tập trung giải ngân là 250.715,1 tỷ đồng (đạt 92,7% kế hoạch); vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân là 14.814 tỷ đồng (đạt 47,6% kế hoạch)…

Số liệu trên cho thấy sự chuyển biến tích cực trong công tác kiểm soát chi và giải ngân vốn đầu tư XDCB, cũng như nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Tính chung từ tháng 8/2017 đến tháng 1/2018, vốn đầu tư XDCB giải ngân qua KBNN đạt 142.857,2 tỷ đồng, chiếm 53,4% tổng số vốn đầu tư đã giải ngân từ đầu năm 2017 đến nay và bằng 114,5% tổng số vốn đầu tư đã giải ngân của 7 tháng đầu năm 2017.  Thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán khoảng 105 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán chưa đúng chế độ quy định.

Nhìn lại năm 2017, ông đánh giá thế nào về công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước? Điểm nào cần cải thiện trong năm 2018?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Hà: Năm 2017, Kho bạc Nhà nước đã bám sát Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân sách, với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách, hệ thống KBNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) theo đúng quy định của pháp luật.

Chúng tôi tổ chức triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. KBNN tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án như “Hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa Thuế - Hải quan - KBNN”; tổ chức phối hợp thu NSNN giữa KBNN với các cơ quan thu và các NHTM; đồng thời, ứng dụng có hiệu quả CNTT vào quy trình quản lý thu NSNN. Các dự án cải cách, hiện đại hóa nêu trên đã góp phần tập trung nhanh, đầy đủ các khoản thu của NSNN, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền vào NSNN (thời gian thực hiện 1 giao dịch thu NSNN rút xuống còn khoảng 5 phút, so với trước đây là 30 phút)...

Về công tác kiểm soát chi NSNN, chúng tôi đã thường xuyên hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát; đồng thời, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị, cá nhân có liên quan. Cụ thể, đối với chi đầu tư đã rút ngắn thời gian kiểm soát chi (từ 7 ngày xuống còn khoảng 3 ngày làm việc), đơn giản hóa yêu cầu đối với hồ sơ đề nghị thanh toán, giảm số lượng mẫu biểu chứng từ thanh toán…

Ông có đề cập đến triển khai Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN trên toàn quốc. Với việc triển khai đề án này, công tác kiểm soát chi sẽ có những thay đổi quan trọng thế nào trong năm 2018?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Hà: Đề án “Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN” được các đơn vị trong hệ thống triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 01/10/2017 theo kế hoạch được Bộ Tài chính phê duyệt. Theo cách thức cũ, việc tổ chức công tác kiểm soát chi NSNN trong hệ thống KBNN chưa tập trung vào một đầu mối mà được phân công cho 2 bộ phận thực hiện (phòng, bộ phận kiểm soát chi thực hiện kiểm soát chi vốn đầu tư; phòng, bộ phận kế toán thực hiện kiểm soát chi các khoản chi thường xuyên). Cách làm này đã đáp ứng được yêu cầu công việc của giai đoạn trước đây. 

Tuy nhiên, trong tình hình mới, cần phải cải tiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc giao dịch thanh toán với các đơn vị KBNN, đặc biệt là với trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách được giao cả dự toán chi thường xuyên, chi đầu tư, bảo đảm nguyên tắc tách bạch giữa nghiệp vụ kiểm soát chi và nghiệp vụ kế toán…

Trong năm 2018, với việc thực hiện Đề án sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trên. Theo đó, thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi của NSNN tại hệ thống KBNN, bao gồm tập trung các khoản chi thường xuyên, chi đầu tư, chi chương trình mục tiêu quốc gia… giao cho một đầu mối (phòng/bộ phận kiểm soát chi) thực hiện kiểm soát thanh toán; qua đó sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong giao dịch chi NSNN tại KBNN.

Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong hệ thống KBNN theo hướng “một cửa, một giao dịch viên” trong kiểm soát chi NSNN theo Quyết định số 09 ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2277 ngày 02/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đặc biệt, hướng đến một hệ thống KBNN hiện đại, chuyên nghiệp theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 138 ngày 21/8/2007.

KBNN sẽ thực hiện công tác phối hợp thu NSNN với ngành thuế, ngành hải quan và các ngân hàng như thế nào trong thời gian tới ?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Hà: Năm 2017, KBNN tiếp tục tổ chức công tác phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm tập trung nhanh, đầy đủ các nguồn thu vào NSNN và cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

Cụ thể, KBNN đã chỉ đạo hoàn thành việc triển khai thanh toán điện tử liên ngân hàng với NHNN trên toàn quốc; triển khai thanh toán song phương điện tử và chương trình ứng dụng thu theo dự án hiện đại hoá thu NSNN với ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Đồng thời, chỉ đạo KBNN các cấp phối hợp chặt chẽ với 5 NHTM Nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và MB), tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại 5 NHTM Nhà nước để tăng cường công tác phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt; mở rộng thu NSNN qua máy chấp nhận thẻ (POS) với các hệ thống Vietinbank, BIDV, Vietcombank và tại các địa bàn có hạ tầng thanh toán tốt, số lượng người dùng thẻ đông.

Cụ thể, trong năm 2017, số lượng tài khoản chuyên thu triển khai mở rộng là 883 tài khoản, triển khai thu NSNN qua máy POS cho 180 đơn vị KBNN…

KBNN đã chỉ đạo các đơn vị KBNN phối hợp với cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan cung cấp kịp thời báo cáo tình hình thu, chi NSNN và huy động vốn phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, góp phần chống nợ đọng thuế.

Nhằm tiếp tục tổ chức tốt công tác phối hợp thu NSNN với ngành thuế, ngành hải quan và các NHTM, năm 2018 KBNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan thu (cơ quan thuế, hải quan, cơ quan công an, cơ quan ra quyết định xử phạt...) để tổ chức thu NSNN, tạo thuận lợi cho người nộp NSNN.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các phương thức thu NSNN theo phương thức điện tử; mở rộng việc thu nộp NSNN bằng tiền mặt tại các chi nhánh, điểm giao dịch của NHTM nhằm tạo thuận lợi cho người nộp NSNN; đồng thời, hạn chế và tiến tới cơ bản không thực hiện giao dịch bằng tiền mặt qua KBNN vào năm 2020...

Như vậy, năm 2018 được kỳ vọng sẽ có nhiều đổi mới trong hệ thống, ông sẽ có giải pháp gì để đạt được mục tiêu trong năm 2018?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Hà: Bước sang năm 2018, KBNN đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện trong năm 2018 như: Hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng, triển khai các đề án, chính sách năm 2018; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN và điều tiết cho các cấp ngân sách đúng chế độ quy định; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các chủ đầu tư và các đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN; hoàn thành báo cáo quyết toán NSNN 2016 để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đúng thời gian quy định; hoàn thành 100% kế hoạch huy động vốn năm 2018…

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018, lãnh đạo KBNN đã quán triệt thủ trưởng các đơn vị thuộc KBNN chỉ đạo và động viên cán bộ, công chức nỗ lực cố gắng, tập trung cao độ trí tuệ và tinh thần trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo KBNN trong việc xây dựng cơ chế, chính sách; tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương để toàn hệ thống hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đề ra.

Tôi cũng chỉ đạo các KBNN tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, đồng thời thực hiện điều tiết cho các cấp ngân sách đảm bảo chính xác, đúng quy định. Kiểm soát thanh toán các khoản chi theo đúng quy định; đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tránh dồn vào dịp cuối năm.

Năm 2018 là năm các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác kiểm soát chi của KBNN được sửa đổi đồng bộ theo Nghị định quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN. Vì vậy, KBNN các tỉnh, thành phố cần phải bám sát hướng dẫn của KBNN Trung ương, thường xuyên theo dõi, cập nhật các văn bản chế độ mới để triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Hệ thống KBNN cần tiếp tục triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc 3 dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị sử dụng NSNN và chủ đầu tư, theo đó các đơn vị, các chủ đầu tư thực hiện gửi hồ sơ chứng từ chi NSNN qua Dịch vụ công mà không phải đến giao dịch trực tiếp với các đơn vị KBNN, giảm được chi phí và tiết kiệm thời gian đi lại của cấc đơn vị. Thực hiện tốt chế độ báo cáo tình hình kiểm soát chi NSNN định kỳ theo quy định tại Thông tư số 82/2017/TT-BTC ngày 15/8/2017 của Bộ Tài chính.

Quan điểm chung là phải tiếp tục chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong quản lý thu chi ngân sách gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng.

Theo Huy Thắng (thực hiện)

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên