MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Do sợ trách nhiệm?

Theo các chuyên gia khi triển khai Luật Đầu tư công, có một số quy định khiến giải ngân vốn chậm trễ, khó khăn. Có thực trạng này một phần do các chủ đầu tư sợ trách nhiệm.

Nhiều vướng mắc

Trao đổi với PV Tiền Phong về vướng mắc trong triển khai Luật Đầu tư công, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, bộ đang tổng hợp các vướng mắc, phát sinh trong triển khai Luật Đầu tư công. Dự kiến, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ được trình Quốc hội để sửa đổi vào kỳ họp cuối năm nay. Theo ông Dũng, khi sửa đổi, chắc chắn tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng.

Theo Bộ KH&ĐT, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công chủ yếu tập trung vào 11 nhóm vấn đề, gồm: Tiêu chí phân loại dự án nhóm A; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP); Thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách của tỉnh do cấp huyện, xã quản lý;

Thẩm quyền quyết định đầu tư dự án đầu tư công, việc điều chỉnh dự án, lập, thẩm định và tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm. Cùng đó là điều kiện được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp cũng nằm trong nhóm vấn đề được đề xuất sửa đổi…

Trong các nhóm vấn đề trên, việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm là một trong những lý do dẫn đến tốc độ “rùa” của giải ngân vốn đầu tư công hiện nay.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ KH&ĐT đề xuất, xem xét bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 Luật Đầu tư công theo hướng: Thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài sang năm sau (trừ vốn kế hoạch bố trí cho các dự án đến ngày 31/12 năm kế hoạch). Đồng thời, bãi bỏ quy định tại điểm b khoản 2 điều 76.

Liên quan quy định điều 17 Luật Đầu tư công hiện hành: “Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công”. Trong thực tế, có nhiều dự án hợp tác công tư (PPP) có tổng mức đầu tư thuộc dự án nhóm A theo Luật Đầu tư công, nhưng phần vốn nhà nước tham gia chiếm tỷ lệ rất thấp.

Trong trường hợp này, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư là Thủ tướng và phải thực hiện quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư như một dự án sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quy định như vậy không khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.

Đồng thời, có một số ý kiến đề nghị chấp thuận tiêu chí phân loại đối với dự án PPP căn cứ vào phần vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP. Nhằm khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư các dự án PPP.

Còn tình trạng duyệt dự án nhỏ rồi “thổi” tăng vốn

Đánh giá về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm những năm gần đây, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có nhiều vấn đề, không chỉ có vướng mắc ở luật.

Trước hết, theo ông Thịnh, trong hàng chục năm qua, việc lựa chọn dự án đầu tư, thẩm định, xét duyệt dự án… không có quy chuẩn, thiếu giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Việc quyết định dự án đầu tư công theo đề xuất của bộ, ngành, địa phương nên dẫn tới hàng loạt dự án đầu tư công vừa dàn trải, lãng phí, không phù hợp…nên dẫn tới nhiều dự án nhưng không hiệu quả.

Điển hình là đầu tư công không có trọng tâm, trọng điểm, nhiều dự án không thật sự cần thiết cho hỗ trợ phát triển kinh doanh, tạo động lực cho phát triển kinh tế…

“Dễ nhận thấy nhất là nhiều bộ ngành, địa phương dùng vốn ngân sách vào đầu tư xây mới trụ sở, tượng đài, bảo tàng... Nếu nói các dự án đó là cần thì vẫn cần, nhưng không tác động tới phát triển đất nước, trong khi ngân sách còn khó khăn. Nhưng các dự án đó vẫn được vẽ ra để rút ruột vốn ngân sách nhà nước chỉ vì lợi ích nhóm, ăn chia”, ông Thịnh nói.

Theo vị chuyên gia trên, nhiều chủ đầu tư vẽ ra các dự án nhỏ, vốn ít để được phê duyệt đầu tư, sau đó lại điều chỉnh để được tăng vốn theo kiểu “sự đã rồi”. Điển hình như dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê (Ninh Bình) “đội vốn” 36 lần, từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng; Dự án nạo vét sông Đáy (cũng của Ninh Bình) tăng vốn “khủng” từ 2.078 tỷ lên 9.720 tỷ đồng (tăng hơn 7.000 tỷ đồng).

Khi chúng ta đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, cải cách bộ máy, quy trách nhiệm, thì các chủ đầu tư không dám làm, vì sợ bị thanh kiểm tra, giám sát, quy trách nhiệm. Các giải pháp đó góp phần đưa đầu tư công vào nề nếp, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đầu tư công tràn lan, kém hiệu quả… nhưng lại khiến việc giải ngân vốn bị chậm, vì nhiều đơn vị, lãnh đạo không dám làm”, ông Thịnh đánh giá.

Theo ông Thịnh, dù có thay đổi quy định pháp luật để cải cách thủ tục hành chính,  giúp giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn, nhưng quan trọng vẫn phải có các điều khoản để khống chế trách nhiệm của người đứng đầu. Qua đó, tránh lặp lại tình trạng trước đây, là không rõ trách nhiệm dẫn tới người ta phê duyệt dự án đầu tư từ ngân sách tràn lan, kém hiệu quả, không vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chỉ vì lợi ích nào đó.

“Mục tiêu sửa đổi quy định để đơn giản hoá thủ tục hành chính, nhưng phải đi kèm cơ chế kiểm tra, giám sát, trách nhiệm người đứng đầu. Có như vậy đầu tư công mới được đẩy nhanh và hiệu quả”, ông Thịnh nói thêm.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm 2018, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 94.108 tỷ đồng, bằng 23,5% kế hoạch Quốc hội giao. Tỷ lệ này, dù có cải thiện hơn cùng kỳ năm 2017 nhưng vẫn chậm so với yêu cầu. Tính hết năm 2017, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt 83,9% tổng kế hoạch năm. Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 13.800 tỷ đồng, bằng đạt 38,4% kế hoạch năm. Năm 2016, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cũng chỉ đạt 82,5% kế hoạch Quốc hội giao.


Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên