MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CHẬM: Xử lý trách nhiệm người đứng đầu!

Một trong những nguyên nhân khiến dự án sử dụng vốn công chậm tiến độ là trở ngại trong khâu giải phóng mặt bằng Ảnh: MINH PHONG

Một trong những nguyên nhân khiến dự án sử dụng vốn công chậm tiến độ là trở ngại trong khâu giải phóng mặt bằng Ảnh: MINH PHONG

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, với tổng số vốn giải ngân năm 2022 trên 500.000 tỉ đồng mà tiến độ như hiện nay thì khó mà về đích…

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến cuối tháng 8-2022 là 212.227,28 tỉ đồng, tỉ lệ 35,49% kế hoạch. Như vậy, dù đã gần hết tháng 8 nhưng vẫn chưa đạt một nửa kế hoạch năm.

Sao năm nào cũng bàn?

Trước thực trạng "có tiền nhưng không tiêu được", Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tình trạng "tiền để đấy không tiêu được" là "rất xót ruột và sốt ruột".

Trong khi Chính phủ rất "sốt ruột" thì sự chuyển động của các địa phương chưa như kỳ vọng, vẫn "đủng đỉnh" và "ngâm" vốn, dù đã sắp sửa hết tháng 8-2022. Theo Bộ Tài chính, hiện có 35/51 bộ và 20/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Các địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn 8 tháng ước đạt dưới 35% gồm: TP HCM (17,1%), Cao Bằng (17,4%), Hà Giang (19,12%), Phú Yên (20,8%), Đắk Lắk (23,3%), Gia Lai (24,4%), Cần Thơ (26%), Hà Nội (29%), Điện Biên (29,4%)…

Hà Nội là một trong những địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp trong 8 tháng đầu năm. Với con số giải ngân ước đạt như trên, tính đến hết tháng 8 thì tỉ lệ giải ngân của TP Hà Nội vẫn thấp hơn mức trung bình cả nước. Địa phương này được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công hơn 51.000 tỉ đồng.

Theo ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên nhân là do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; một số dự án phát sinh hạng mục, chi phí dẫn đến phải điều chỉnh dự án; một số trường hợp vượt tổng mức đầu tư phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án; công tác chuẩn bị đầu tư các dự án chưa bảo đảm tiến độ, chậm.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, băn khoăn trước tình trạng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ "sốt ruột" với giải ngân vốn đầu tư công nhưng các địa phương lại hành động chưa quyết liệt, tiến độ vẫn ì ạch.

"Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hằng năm, tại sao năm nào chúng ta cũng đau đầu về chuyện chậm tiến độ. Các bộ, ngành, địa phương đã làm hết trách nhiệm của mình chưa, đã lăn xả vào công việc để tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn chưa, hay thấy khó khăn thì né tránh, để tình trạng "ngâm" vốn năm nào cũng diễn ra" - TS Lê Đăng Doanh đặt vấn đề.

Chưa có trường hợp nào bị xử lý

Từ thực tế kiểm tra, tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công tại một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ lo lắng với tổng số vốn năm 2022 là trên 500.000 tỉ đồng mà tiến độ như hiện nay thì khó về đích. Bộ trưởng khẳng định tiến độ giải ngân vốn nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào cách làm của lãnh đạo các địa phương, cũng như vai trò của chủ đầu tư, ban quản lý các dự án.

Sáu Tổ công tác vừa được Thủ tướng Chính phủ giao tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (34,47%). Thủ tướng yêu cầu các Tổ công tác đi trực tiếp kiểm tra tại một số bộ, cơ quan, địa phương ngay trong những ngày còn lại của tháng 8-2022 để sớm giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn, thúc đẩy tiến độ giải ngân.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng phải quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công để làm cơ sở xử lý khi không hoàn thành nhiệm vụ. "Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu giải ngân vốn chậm, vấn đề này chúng ta đã đề cập từ nhiều năm trước nhưng đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý. Bất cập hiện nay là trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, vốn không giải ngân được nhưng không chỉ rõ được cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc đó, nên cần sớm khắc phục" - ông Doanh kiến nghị.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, xử lý ngay những tồn tại, hạn chế, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, rà soát đề xuất kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, bao gồm việc điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án trọng điểm, có tính chất liên vùng, đường ven biển.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư. Đồng thời, cần nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án, nhất là ban quản lý dự án các cấp; luân chuyển, điều động, kỷ luật cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiều bộ, cơ quan trung ương đạt tỉ lệ rất thấp

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, một số bộ, cơ quan trung ương trong 8 tháng đầu năm giải ngân chỉ đạt con số dưới 10%. Cụ thể, Bộ Y tế đạt 4,17%, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam 4,57%, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 5,26%, Thanh tra Chính phủ 6,79%... Còn các cơ quan như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Đại học Quốc gia Hà Nội…, con số giải ngân chỉ dưới 15% kế hoạch.

Theo Minh Chiến

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên