Giải ngân vốn đầu tư công: Khẩn trương ngay từ đầu năm
Công trường thi công dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: Nguyễn Quang
Giải ngân vốn đầu tư công được coi là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế. Năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, dù chưa đạt yêu cầu song đây là nỗ lực của các cấp, ngành. Để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này trong năm 2023, nhiều giải pháp được đưa ra và ngay từ đầu năm các ngành, địa phương, đơn vị đã khẩn trương triển khai.
- 11-02-2023Thúc đẩy giải ngân đầu tư công - Chuyện không chỉ của cuối năm
- 11-02-2023Việt Nam là quốc gia mục tiêu trong danh sách chiến lược của Italy
- 11-02-2023Lý do doanh nghiệp Việt khó đăng ký xuất khẩu gạo sang Trung Quốc
Kết quả của nỗ lực
Theo Bộ Tài chính, kết thúc năm ngân sách 2022 (tính đến ngày 31-1-2023), thanh toán vốn đầu tư của cả nước là 539.276,51 tỷ đồng, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11% kế hoạch). Một số địa phương, đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao là:
Ngân hàng Phát triển (100%), Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Nhà nước (100%), Bộ Nội vụ (100%), tỉnh Thái Bình (97,4%), tỉnh Lâm Đồng (96,9%)…
Tuy kết quả chung chưa đạt yêu cầu, song vẫn đáng ghi nhận vì số vốn đầu tư công năm 2022 tăng cao hơn hẳn so với năm 2021. Ngoài ra, nhiều yếu tố khó khăn bất ngờ đã đẩy nhà thầu thi công vào chỗ bất lợi, như sự khan hiếm và tăng giá nguyên, vật liệu xây dựng; diễn biến thời tiết phức tạp… Bên cạnh đó, phải kể đến các nguyên nhân "muôn thuở" ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, gồm chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, cơ chế, quy định chưa hoàn thiện hoặc thiếu đồng bộ; đặc biệt là trách nhiệm của một số lãnh đạo chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng, vì cùng một khung khổ pháp lý, môi trường nhưng có nơi đạt kết quả tốt hoặc ngược lại.
Có thể thấy, chưa năm nào Chính phủ lại ra nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như năm 2022. Ngoài ra, 6 tổ công tác của Chính phủ kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng được thành lập từ rất sớm. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhận xét, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm phục hồi, nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Khẩn trương từ ngày đầu, tháng đầu
Theo kế hoạch, năm 2023, cả nước phải giải ngân với số vốn kỷ lục là 756.111 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu, cũng như huy động, tận dụng tối đa các nguồn lực. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn tất dự thảo nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trường hợp cao nhất, nhà thầu có thể được thưởng tới 5% giá trị hợp đồng. Phó Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Vạn Cường Trần Quang Tuyến cho rằng, đó là động lực mới và đủ giá trị để các đơn vị tập trung nguồn lực, máy móc nhằm tăng tốc hoàn thành công trình.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, khắc phục các hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023. Đồng thời, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công... triển khai dự án ngay khi được giao kế hoạch vốn; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quyết định đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công.
Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, các bộ, ngành, địa phương cũng đã đưa ra các kế hoạch, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Năm 2023, Bộ Giao thông - Vận tải phấn đấu giải ngân toàn bộ nguồn vốn bố trí lên tới 94.161 tỷ đồng, gấp 1,7 lần kế hoạch năm 2022, tức bình quân mỗi tháng ngành này phải "tiêu" gần 8.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu toàn ngành thực hiện 4 nguyên tắc theo hướng thi công nhanh nhất, khởi công càng sớm càng tốt và chủ động, sáng tạo… Đến hết tháng 1-2023, Bộ Giao thông - Vận tải đã giao chi tiết đợt 1 cho các dự án giao thông đầy đủ thủ tục với tổng số vốn 94.135 tỷ đồng (đạt 99,97%); khối lượng giải ngân đạt 1.700 tỷ đồng, chiếm 1,81% kế hoạch vốn.
Còn UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, các đơn vị thực hiện nghiêm nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên; nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch bảo đảm phù hợp với năng lực và khả năng thực hiện của dự án; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) tin tưởng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu, và việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ đạt kết quả cao.
Hà Nội Mới