Giải ngân vốn đầu tư công: Không để 'vốn chờ dự án'
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Tổ công tác số 1 với các 8 bộ, cơ quan Trung ương và 2 địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh: VGP/Hải Minh
Chiều 8/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Tổ công tác số 1 với các 8 bộ, cơ quan Trung ương và 2 địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công.
- 08-12-2022Chủ tịch Nghệ An: Tập trung nguồn lực cho 2 dự án hạ tầng trọng điểm
- 08-12-2022Yêu cầu 5 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư
- 08-12-2022Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiến sâu vào chuỗi cung ứng
Tham dự cuộc họp tại Trụ sở Chính phủ và các điểm cầu có lãnh đạo, đại diện VPCP, Tòa án Nhân dân tối cao, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, thuộc Tổ công tác số 1.
Phát biểu định hướng thảo luận, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tinh thần của cuộc họp là nêu rõ thực trạng giải ngân và đề xuất các biện pháp thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT tại cuộc họp cho biết tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2002 là trên 580.261 tỷ đồng; số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 580.064 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/11, tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 550.400,63 tỷ đồng, đạt 94,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 94,6%, vốn nước ngoài đạt 99,7% kế hoạch.
Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là 29.646,204 tỷ đồng, bằng 5,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương.
Theo Bộ Tài chính, ước tỉ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/11 là 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, so với mức 63,86% cùng kỳ năm 2021.
Có 6 bộ, cơ quan Trung ương và 14 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy nhiên, 34/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (58.33%), trong đó có 5 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch Thủ tướng giao.
Đối với 8 bộ, cơ quan Trung ương và 2 địa phương dự họp, tiến độ giải ngân tại VPCP đạt 52,01%, Tòa án nhân dân Tối cao 47,85%, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 29,98%, Bộ Công an 25,59%, Bộ Ngoại giao 18,16%, Bộ Tư pháp 30,06%, Bộ Nội vụ 50,78%, Ủy ban Dân tộc 2,41%, tỉnh Quảng Bình 54,98% và tỉnh Quảng Trị 45,71%.
VPCP, Bộ Công an, Bộ Nội vụ cam kết giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư NSNN năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, trong khi các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn lại phấn đấu giải ngân đạt mức cao nhất.
Bộ KH&ĐT cho biết, đối với các dự án chuyển tiếp, việc giải ngân chậm do năng lực tổ chức thực hiện dự án còn yếu, nhất là năng lực cán bộ quản lý dự án còn hạn chế. Vướng mắc về giải phóng mặt bằng, giá cả nguyên vật liệu tăng cao dẫn đến nhà thầu thi công chầm chừng. Một số dự án cho ảnh hưởng biến động tăng giá dẫn đến vượt chi phí dự phòng làm tăng tổng mức đầu tư phải rà soát lại các hạng mục.
Hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 1 đều có dự án khởi công mới trong năm 2022. Các dự án đã có quyết định đầu tư đủ điều kiện giao kế hoạch vốn, nhưng chưa thể triển khai thực hiện, giải ngân vốn do sau khi có quyết định đầu tư, các dự án tiếp tục thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt bản vẽ thi công, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mới có thể ký kết được hợp đồng, khởi công công trình, tạm ứng và thanh toán vốn. Bộ KH&ĐT cho biết, thời gian đấu thầu khoảng 4 tháng để lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế bản vẽ thi công và nhà thầu thi công.
Chính quyền địa phương một số nơi chậm giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch. Việc điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án của Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp.
Về thể chế, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương dự họp kiến nghị đối với việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng, cần sửa đổi theo hướng giao cơ quan chuyên môn xây dựng cấp tỉnh thẩm định báo cáo này.
Về thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành công trình, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đề nghị sửa đổi theo hướng giao cơ quan chuyên môn xây dựng của địa phương kiểm tra công tác nghiệm thu để tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Liên quan đến đất san lấp có phải là khoáng sản hay không, cần sửa đổi quy định về khái niệm "khoáng sản" theo hướng tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản; cần có quy định riêng biệt về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản đối với từng nhóm, loại khoáng sản tổ chức cá nhân được cấp phép phù hợp.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá tình hình giải ngân của các bộ, cơ quan, địa phương dự họp có tiến triển theo hướng tăng dần, tuy nhiên so với mục tiêu đề ra còn chậm.
Theo Phó Thủ tướng, trong số những nguyên nhân chủ quan và khách quan nêu trên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, nhất là trong công tác lập quy hoạch, đề xuất xin dự án, năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục siết chặt kỷ cương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh trong nội bộ của bộ, cơ quan, địa phương mình theo quy định.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đặc biệt lưu ý phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chuẩn bị dự án để khi giao vốn thì dự án được triển khai ngay, không để xảy ra tình trạng "vốn chờ dự án", nhất là các dự án sử dụng vốn ODA.
Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ KH&ĐT tổng hợp lại các ý kiến, kiến nghị đề xuất tại cuộc họp, trong đó có việc kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn phân bổ cho năm 2022 sang năm 2023 của tất cả các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đề trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thúc đẩy chủ đầu tư cập nhật nhanh chóng, thường xuyên khối lượng giải ngân để Chính phủ nắm bắt con số chính xác nhất về thực trạng giải ngân vốn đầu tư công, trên cơ sở đó có biện pháp phù hợp, kịp thời.
VGP