MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Giải oan" cho ngành Ngôn ngữ Anh: Có phải đã "bão hòa", ra trường thất nghiệp hàng loạt như lời đồn?

17-02-2023 - 08:09 AM | Sống

Nhiều ý kiến cho rằng học Ngôn ngữ Anh hiện tại là "lỗi thời", thậm chí cơ hội thất nghiệp cao ngất ngưởng.

Có lẽ không cần phải giải thích quá nhiều thì ai cũng biết tầm quan trọng của tiếng Anh và độ phổ biến của nó. Ngôn ngữ này không chỉ là một kỹ năng bổ trợ mà đã trở thành một ngành nghề có một vị thế riêng trong thời đại toàn cầu hóa. Minh chứng rõ nhất là hầu hết các nhà tuyển dụng đều đánh giá rất cao và luôn có những ưu tiên riêng cho các ứng viên có vốn tiếng Anh tốt.

Dù tiềm năng là vậy nhưng ngành nghề này hiện nay vẫn vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Một trong số đó là quan điểm "học ngành Ngôn ngữ Anh sau này ra trường thất nghiệp chắc luôn". Vậy sự thực thì sao?

Học ngôn ngữ Anh liệu rằng có thất nghiệp?

Nguyễn Thục Lâm - sinh viên năm 3 ngành Tiếng Anh Thương mại, Đại học Ngoại Thương Hà Nội, chia sẻ: "Lúc mới đầu, khi lựa chọn ngành này để ứng tuyển đại học mình cũng vô cùng lo lắng bởi nhiều người nói với mình rằng: 'Giờ làm gì còn ai học Ngôn ngữ Anh", "Tiếng Anh giờ ai chẳng biết mà còn phải học", 'Ngôn ngữ Anh vô dụng, kiểu gì cũng vứt xó bằng và đi làm trái ngành'; 'Ngôn ngữ chỉ là công cụ thôi'...

Nhưng sau khi thực sự trải nghiệm ngành học này mình mới thấy những quan điểm kia là hoàn toàn sai lầm bởi không chỉ có kiến thức tiếng Anh mà bọn mình còn được học một số môn liên quan đến Kinh tế nữa. Sau khi ra trường, mình sẽ có thể làm rất nhiều ngành nghề khác nhau nên hiện tại chằng có chút gì lo lắng cả".

"Không có chút gì lo lắng" cũng là tâm trạng của Nguyễn Ngọc Anh - sinh viên năm 3 ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện Ngoại giao. Dù còn là sinh viên nhưng cô nàng hiện đã có thể kiếm được 50 triệu một tháng nhờ việc đi dạy tiếng Anh. Là học sinh chuyên Anh tại một trường chuyên có tiếng nhất nhì Hà Nội, đạt IELTS 8.0, nhưng cô bạn vẫn cảm thấy kiến thức bản thân có được về "ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới này" vẫn chưa đủ. Vậy nên, Ngọc Anh quyết định đăng ký học chuyên sâu thêm về ngành Ngôn ngữ Anh ở Học viện Ngoại giao.

"Khi học về ngôn ngữ, bạn không chỉ học về các kỹ năng như nghe, nói, đọc, viết mà còn học cả về văn hóa, lịch sử, địa lý... của quốc gia đó nữa. Nên những cử nhân Ngôn ngữ Anh sẽ có hiểu biết rất sâu về những kiến thức liên quan. 

Ngoài ra, khi học về ngành này bọn mình sẽ học cặn kẽ, chi tiết từ những cái nhỏ nhất như tại sao từ này lại được phát âm thế này, từ vựng này được hình thành như thế nào... Đấy là những thứ không phải người học tiếng Anh nào cũng biết, mà chỉ có những người chuyên sâu như chúng mình thôi. Nên đừng quá lo lắng về khả năng xin việc của ngành này nhé!", Ngọc Anh nói.

 Giải oan cho ngành Ngôn ngữ Anh: Có phải đã bão hòa, ra trường thất nghiệp hàng loạt như lời đồn?  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đó là về phía sinh viên, còn về phần tuyển dụng, không ít người cũng đã lên tiếng minh oan cho ngành học này. Trong số đó có Nguyễn Thái Hà - CEO của John Hunt - một agency tuyển dụng và chủ nhân một kênh TikTok chuyên về tuyển dụng - hướng nghiệp. Theo Thái Hà, mọi người đang giữ suy nghĩ rằng học Ngôn ngữ Anh không có ích lợi gì bởi ngoài kia ai cũng biết tiếng Anh, thay vào đó nên học một ngành nghề khác rồi sau đó thi chứng chỉ IELTS là được. Với cô, đó là quan điểm cực sai lầm bởi vì không có chuyện "ai cũng biết tiếng Anh đâu", người Việt Nam ta còn kém tiếng Anh lắm.

Theo bảng khảo sát mức độ thành thạo tiếng Anh của các quốc gia trên thế giới do tổ chức EFI (English Fluency Index) thực hiện, mức độ thành thạo tiếng Anh ở Việt Nam chỉ nằm ở mức trung bình thấp so với thế giới. Cụ thể, chúng ta có thể viết được những đoạn email ngắn hay giao tiếp cơ bản hằng ngày nhưng khi phải "đụng chạm" đến những kiến thức tiếng Anh chuyên sâu, chúng ta lại gặp vô vàn bối rối. Vậy nên, để có thể lọt vào top nước thông thạo tiếng Anh thì chúng ta cần một quãng thời gian rất lâu nữa.

 Giải oan cho ngành Ngôn ngữ Anh: Có phải đã bão hòa, ra trường thất nghiệp hàng loạt như lời đồn?  - Ảnh 2.

Nguyễn Thái Hà

"Học Ngôn ngữ Anh không phải chỉ để biết tiếng Anh, mà còn có thể dùng tiếng Anh làm chuyên môn chính của mình, như đi dạy hay phiên dịch. Mà với trình độ tiếng Anh quốc dân của Việt Nam như mình vừa chia sẻ ở thống kê bên trên thì nghề đi dạy tiếng Anh còn nhiều đất diễn lắm, chắc 200 năm nữa mới bão hòa được!

Không chỉ vậy, khi giao thương quốc tế ngày càng được mở rộng thì mức độ bao phủ của ngôn ngữ ngày càng lớn và nó sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với thị trường lao động. Do đó, hiện nay cùng một vị trí, cùng một năng lực chuyên môn nhưng những người có tiếng Anh tốt có thể có thu nhập cao gấp 1,5, thậm chí gấp 2,5 lần so với người không sử dụng được ngôn ngữ này", Thái Hà chia sẻ.

Cơ hội việc làm của ngành Ngôn ngữ Anh

Ngôn ngữ Anh được coi là ngôn ngữ chính thức của hơn 50 quốc gia trên thế giới và ngày càng phổ biến, vì vậy, giỏi tiếng Anh sẽ tạo ra cho bạn lợi thế rất lớn về công việc trong xu thế hội nhập. Việc lựa chọn ngành Ngôn ngữ Anh chính là một bước khởi đầu quan trọng cho một tương lai đầy thành công.

Sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, bạn còn có cơ hội làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: biên dịch, phiên dịch, giáo viên tiếng Anh, cán bộ hợp tác quốc tế, hướng dẫn viên du lịch, trợ lý dự án, phóng viên, biên tập viên báo chí, truyền hình, đài phát thanh. dạy ngoại ngữ, hợp tác quốc tế, du lịch, truyền thông...

Ngoài ra, sinh viên học ngành Ngôn ngữ Anh có thể công tác tại một số nơi như: các Đại sứ quán và văn phòng đại diện nước ngoài; các doanh nghiệp cần sử dụng tiếng Anh; các cơ quan, tổ chức trong nước có bộ phận đối ngoại; các trường phổ thông và trường cao đẳng, đại học; báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình; các công ty dịch vụ du lịch và lữ hành...

Dưới đây là một số ngành nghề phổ biến đối với người học Ngôn ngữ Anh:

- Biên dịch viên tiếng Anh tại các công ty liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan ngoại giao, tổ chức kinh tế, cơ quan truyền thông... Biên/Phiên dịch viên có thể nhận được thu nhập trung bình khi phiên dịch cho hội thảo, hội nghị dao động trong khoảng từ 200 – 400 USD/giờ làm việc tương đương 5 – 9 triệu đồng. Tuy nhiên, thu nhập này trên thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Kỹ năng về ngoại ngữ, năng lực chuyên môn, môi trường làm việc, kỹ năng dịch thuật. Tính ở mức cơ bản, một phiên dịch viên làm việc 6 giờ cho 1 ngày, 5 ngày cho 1 tuần thì sẽ có thu nhập khoảng 2,400 USD/tháng (gần 57 triệu đồng).

 Giải oan cho ngành Ngôn ngữ Anh: Có phải đã bão hòa, ra trường thất nghiệp hàng loạt như lời đồn?  - Ảnh 3.
 Giải oan cho ngành Ngôn ngữ Anh: Có phải đã bão hòa, ra trường thất nghiệp hàng loạt như lời đồn?  - Ảnh 4.

Một số tin tuyển dụng về lĩnh vực Phiên - Biên dịch tiếng Anh

- Hướng dẫn viên du lịch quốc tế. tại các công ty về du lịch hay nhà hàng, khách sạn lớn 3 sao, 5 sao chuyên tiếp xúc và làm việc với người nước ngoài. Lương thưởng của các hướng dẫn viên quốc tế sẽ có sự khác biệt nhất định với hướng dẫn viên nội địa. Bởi những tiêu chí tuyển dụng hướng dẫn viên quốc tế khắt khe hơn, trình độ ngoại ngữ thành thạo, đặc biệt kiến thức sâu sắc, kinh nghiệm dẫn khách tham quan người nước ngoài phải tốt. Hiện nay, mức lương hướng dẫn viên quốc tế khoảng từ 15 – 30 triệu đồng/ tháng. Đây là mức lương cố định chưa bao gồm những khoản thu khác từ tiền thưởng, tiền tips, hay hoa hồng…

- Giáo viên giảng dạy tiếng Anh tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề chuyên nghiệp, hay cấp phổ thông trung học, trung tâm ngoại ngữ... Dải lương cho việc dạy ngoại ngữ rất rộng, càng có bằng cấp thì mức lương bạn nhận được càng cao.

 Giải oan cho ngành Ngôn ngữ Anh: Có phải đã bão hòa, ra trường thất nghiệp hàng loạt như lời đồn?  - Ảnh 5.

Một số trường đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh chất lượng:

- Trường Đại học Ngoại  ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội

- Trường Đại học Hà Nội

- Trường Đại học Ngoại thương

- Học viện Ngoại giao

- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

- Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM

- Trường Đại học Kinh tế

- Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP.HCM

 Tổng hợp

Theo Đông

Thể thao & Văn hóa

Trở lên trên