MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số "Make in Vietnam" lần đầu tiên đạt chứng nhận quốc tế

Giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trên môi trường mạng Sigma DRM do CTCP Truyền thông đa phương tiện Thủ Đô (Thủ Đô Multimedia) phát triển vừa trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn bảo mật quốc tế do Cartesian chứng nhận.

Thủ Đô Multimedia đã phát triển thành công giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trên môi trường mạng, bằng cách kết hợp DRM (giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số) và Finger Print Online (giải pháp phát hiện nguồn phát tán nội dung). Đây là giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trên môi trường mạng do các kỹ sư Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ.

Cho đến thời điểm hiện tại, Thủ Đô Multimedia là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất phát triển thành công giải pháp bảo vệ bản quyền trên môi trường số và phát hiện nguồn phát tán nội dung vi phạm bản quyền trên môi trường mạng.

Giải pháp này đã được tổ chức Cartesian kiểm định và chứng nhận đạt tiêu chuẩn bảo mật quốc tế. Với việc đạt được chứng nhận của Cartesian, Thủ Đô là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam, cũng là doanh nghiệp duy nhất của Đông Nam Á, là 1 trong 6 doanh nghiệp của châu Á đạt được chứng nhận này. Hiện nay Catersian đã chứng nhận giải pháp DRM cho 20 doanh nghiệp trên toàn cầu.

Chia sẻ về lý do nghiên cứu, ông Nguyễn Ngọc Hân, TGĐ Thủ Đô Multimedia cho biết: "Chúng tôi nhận thấy việc bảo vệ bản quyền đối với những hệ thống nội dung số có vai trò quan trọng nhất, bởi nếu không bảo vệ được bản quyền thì ngoài những thiệt hại trực tiếp về kinh tế khi cung cấp nội dung cho người dùng, thì các hãng cung cấp nội dung lớn trên toàn cầu cũng từ chối hợp tác bởi đối tác phân phối không đảm bảo quyền bảo mật nội dung cho họ. Bằng chứng gần đây nhất là cúp C1 Châu Âu không được quyền phát tại Việt Nam vào năm 2017 do không bảo mật được bản quyền".

Để phát triển được giải pháp mã hóa, bên cạnh đòi hỏi kinh nghiệm về bảo mật phần mềm, thì sự am hiểu sâu sắc về các thiết bị đầu cuối cũng là một điều kiện bắt buộc bởi toàn bộ quá trình giải mã diễn ra tại đây.

Mặt khác, số lượng thiết bị trong lĩnh vực này trải khắp từ thiết bị di động đến các màn hình lớn trong nhà hay trong các rạp chiếu phim. Vì vậy, trên thế giới chỉ có các công ty lớn như: Apple, Microsoft, IBM tham gia vào phát triển giải pháp DRM; trong mảng truyền hình, cũng chỉ có hơn 10 công ty toàn cầu hiện đang phát triển và cung cấp giải pháp này như Nagravision, Conax, Viacess…

"Về năng lực bảo mật, giải pháp Sigma DRM hoàn toàn tương đương với các giải pháp đang được cung cấp trên toàn cầu", ông Nguyễn Ngọc Hân cho biết.

Hạn chế của việc dùng các giải pháp bảo mật của nước ngoài là chi phí khá đắt đỏ- do vậy, việc có một sản phẩm Make in Vietnam với giá Việt Nam là điều cần thiết.

Ngoài ra, vấn đề triển khai kết nối để lấy mã bảo mật từ máy chủ của nước ngoài khá phức tạp. Việc bảo vệ bản quyền nội dung hiện nay mới chỉ dừng ở mảng truyền hình là chủ yếu, tuy vậy, trong một số trường hợp cần bảo vệ, mã hóa nội dung liên quan đến an ninh (ví dụ mã hóa các thư điện tử hoặc file PDF) thì việc cấp mã bảo mật từ hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài đôi khi không đáp ứng được yêu cầu của nhiều đơn vị. 

Cuối cùng, khi có một sản phẩm được làm ra trong nước, các doanh nghiệp khi triển khai sẽ thuận lợi hơn từ từ đàm phán thương mại, hỗ trợ vận hành, nâng cấp hệ thống.

An Bình

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên