MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải pháp nào cho 13 triệu lao động mất việc?

Giải pháp nào cho 13 triệu lao động mất việc?

Đầu năm 2021 kinh tế vừa có dấu hiệu phục hồi thì lần bùng phát dịch COVID -19 thứ 4 như cơn bão đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh kiệt sức, người lao động thất nghiệp tăng đột biến. Trong 6 tháng đầu năm, theo thống kê đã có tới gần 13 triệu lao động bị ảnh hưởng, tiềm ẩn nhiều bất ổn xã hội.

Gần 13 triệu lao động ảnh hưởng

Lần bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 diễn biến phức tạp khi biến chủng mới lây lan nhanh hơn. Nhiều ổ dịch xuất hiện tại các khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi tập trung số lượng lớn doanh nghiệp (DN), nhà máy sản xuất lớn với nhiều lao động. Đến thời điểm hiện tại, dịch đã xuất hiện 55/63 tỉnh, thành phố, tiếp tục vắt kiệt sức chịu đựng của cả DN và người lao động sau một thời gian dài vật lộn với COVID-19.

Nhìn lại, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: nửa đầu năm 2021, thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan. Cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: mất việc, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập… Dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. So với cùng kỳ năm 2020, số lao động thiếu việc làm ở khu vực dịch vụ quý 2/2021 tăng gần 100 nghìn người.

Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý 2, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm, lớn như Hà Nội, TP. HCM, và các tỉnh lân cận.

"Tập trung hỗ trợ nhiều hơn đến đối tượng yếu thế trong xã hội (công nhân, buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức,…) vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương khi thực hiện giãn cách xã hội, bằng những hỗ trợ thiết thực. Từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực về mặt xã hội như tệ nạn trộm cắp", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê kiến nghị.

Chuyển đổi sản xuất cho một bộ phận lao động

Trước tình hình trên, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường. Theo đó, cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc - xin để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giải pháp hỗ trợ cần được triển khai khẩn cấp hơn bao giờ hết. Nếu không, số lao động mất việc làm vào cuối năm sẽ còn nhiều hơn nữa, gây gánh nặng không nhỏ cho xã hội. Theo ông Doanh, trong nền kinh tế, kinh tế hộ gia đình và khu vực phi chính thức lên đến 32%. Tuy nhiên, đây là khu vực dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh dịch COVID-19. Nếu không đánh giá toàn diện, chúng ta sẽ bỏ rơi một bộ phận người lao động trong các gói hỗ trợ.

"Hỗ trợ bằng tiền mặt không giúp ích nhiều cho người lao động bởi khoản trợ cấp gần như không đáng kể, trong khi ngân sách nhà nước không đủ sức để tung ra quá nhiều gói giải cứu. Quan trọng nhất là chính quyền địa phương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức chuyển đổi sản xuất cho một bộ phận lao động ở khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng thu nhập bởi dịch bệnh cũng như bộ phận lao động ở khu vực chính thức bị mất việc làm. Các ngành nghề có thể triển khai tạm thời là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để người lao động cầm cự qua giai đoạn này", ông Doanh kiến nghị.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), nguy cơ hiện hữu lúc này nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời, đó là số DN phá sản sẽ tiếp tục tăng. Do đó, cần giúp DN để duy trì hoạt động và dần phục hồi. “Chỉ khi nào DN phục hồi thì mới giữ và tạo được việc làm cho người lao động. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết tình trạng lao động thất nghiệp hiện nay”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo Ngọc Linh - Việt Linh

Tiền phong

Trở lên trên