Giải pháp nào cho tình trạng giá thép liên tục tăng “nóng”?
Giá thép đã liên tục tăng trong suốt thời gian qua, hiện đã cao hơn khoảng 40% so với quý II/2020. Tuy nhiên, giá nguyên liệu này vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tăng.
- 20-04-2021Xây dựng "khóc ròng" vì giá thép
- 20-04-2021Thị trường ngày 20/4: Giá dầu, đồng, quặng sắt, cà phê đồng loạt tăng trong khi vàng, thép, cao su đi xuống
- 19-04-2021Sản xuất và tiêu thụ thép quý I đạt kỷ lục
Giá thép xây dựng tại Hà Nội hiện đang được các hãng thép công bố khoảng: 16.300 đồng/kg (thép cây) và 17.000 đồng/kg (thép cuộn - giá chưa gồm thuế).
Tuần từ 12 - 17/4, giá thép biến động liên tục, 2 ngày tăng một lần. Chỉ trong tuần vừa qua, giá thép đã tăng tới 1.000 đồng/kg thép xây dựng, nghĩa là 1 triệu đồng mỗi tấn thép. Mức tăng trong ngắn hạn rất lớn với mặt hàng này.
"Các hợp đồng thường cố định. Việc tăng giá thép trước đây không thay đổi quá lớn như hiện nay. Các hợp đồng sắp tới đang bắt đầu triển khai và áp dụng giá thép hiện tại, do đó chi phí xây dựng sẽ đội lên", ông Hoàng Ngọc Tú, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Delta, cho biết.
Tuần từ 12 - 17/4, giá thép biến động liên tục, 2 ngày tăng một lần. (Ảnh: NLĐ)
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, nhu cầu thép trên thế giới đang tăng khiến giá thép tăng mạnh, do các quốc gia tập trung xây dựng cơ bản, mục tiêu khôi phục kinh tế hậu COVID-19.
Tuy nhiên, Trung Quốc - thị trường chiếm gần 60% sản lượng thép thô toàn cầu, đang có nhiệm vụ kép, phục hồi sau COVID-19 và mở đầu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021 - 2025, giảm lượng thép theo chính sách kiểm soát ô nhiễm.
Hiệp hội thép khuyến nghị doanh nghiệp theo dõi các diễn biến thị trường thép, ưu tiên dự trữ nguyên liệu, điều tiết thép thô để đảm bảo sản xuất thép trong nước.
Nhu cầu thép trên thế giới đang tăng khiến giá thép liên tục tăng mạnh. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Bộ Công Thương cũng khẳng định công suất các nhà máy thép xây dựng trong nước là khoảng 14 triệu tấn/năm, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Trong khi nhiều ngành nghề cần mặt hàng thép chế tạo như thép cuộn cán nóng HRC nhưng thực sự thiếu, cần có giải pháp.
"Đối với thép chế tạo, chúng ta đang thiếu, phải phụ thuộc nhập khẩu. Vì vậy, chúng tôi đã có khuyến cáo cũng như mời gọi đầu tư thép hợp kim, thép cán nóng...", ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, nhận định.
Về nguồn cung quặng sắt - nguyên liệu sản xuất ra thép, Bộ Công Thương cho biết trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng sắt tại Việt Nam khoảng hơn 1 tỷ tấn, nhưng 2 mỏ có trữ lượng lớn nhất: mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) đang tạm dừng hoạt động, mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai) đang khai thác công suất chỉ 3,5 triệu tấn/năm.
Hiện tại nguồn cung quặng sắt trong nước chưa đủ, hàng năm phải nhập khẩu khoảng 15 triệu tấn, cần sớm có giải pháp huy động công suất các mỏ này để giảm lượng quặng sắt nhập khẩu.
VTV.VN