MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải phóng Kho Dự trữ Chiến lược – chủ đề 'nóng' nhất trên thị trường dầu lúc này

19-11-2021 - 13:53 PM | Thị trường

Ảnh chụp một ‘mê cung’ gồm các ống và van dầu thô được chụp trong chuyến tham quan của Bộ Năng lượng Mỹ tại Khu Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược ở Freeport, Texas, ngày 9 tháng 6 năm 2016. (Nguồn: Reuters)

Ảnh chụp một ‘mê cung’ gồm các ống và van dầu thô được chụp trong chuyến tham quan của Bộ Năng lượng Mỹ tại Khu Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược ở Freeport, Texas, ngày 9 tháng 6 năm 2016. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang rất nỗ lực để thay đổi thực tế là người Mỹ đang phải đối mặt với giá xăng cao ngất ngưởng. Có những ý kiến cho rằng đã quá muộn để ông Biden có thể làm giảm chi phí cho người dân Mỹ trong dịp lễ Tạ ơn. Vậy thực hư của câu chuyện này là như thế nào?

Giá dầu năm 2021 tăng trên 60%

Mặc dù giá dầu đã giảm liên tiếp 4 tuần qua kể từ khi Mỹ bắt đầu chú ý tới việc giá xăng dầu tăng quá cao và tìm cách đưa giá về quỹ đạo, song giá hiện vẫn khoảng 80- 82 USD/thùng, sát mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây và là mức quá cao so với khả năng chịu đựng của các nền kinh tế cũng như của người tiêu dùng.

Kể từ đầu tháng 11 đến nay, Tổng thống Mỹ đã kêu gọi nhiều quốc gia chung tay hạ nhiệt giá xăng dầu. Các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo giá xăng dầu quá cao sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu nói riêng và nhu cầu hàng hóa và dịch vụ nói chung, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đang yếu ớt sau đại dịch Covid-19. Đã có những tổ chức hạ dự báo về nhu cầu dầu thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, giá dầu chỉ dừng tăng chứ không giảm nhiều như kỳ vọng. Phiên giao dịch gần đây nhất, 18/11, giá dầu đã kết thúc thời điểm thấp nhất 6 tuần, theo đó dầu thô Brent tăng 96 US cent, tương đương 1,2%, lên 81,24 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 65 US cent, tương đương 0,8%, lên 79,01 USD/thùng.

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI vẫn tăng 64%, trong khi dầu Brent tăng 58%.

Các nhà phân tích cho rằng giá dầu tăng là bởi nhu cầu hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, ở hầu khắp các nơi trên thế giới đã trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, trong khi Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cùng các đồng minh (OPEC+) vẫn giữ nguyên lộ trình khôi phục sản lượng chứ không tăng tốc như đề xuất của ông Biden. Các nhà phân tích ước tính nhu cầu nhiên liệu toàn cầu sẽ tăng khoảng 5-6 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Giá than và khí đốt tăng do nhu cầu mạnh lên và giao thông vận tải bị tắc nghẽn cũng góp phần làm nóng thị trường dầu mỏ.

Kể từ đầu tháng 3 năm nay, giá khí đốt tự nhiên ở Liên minh Châu Âu (EU) đã tăng tới 618% và ở Mỹ là 127% trong khi giá than thế giới tăng mấy trăm phần trăm.

Về phía OPEC+, bất chấp nguồn cung trở nên khan hiếm, tổ chức này vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải "thận trọng và chú ý đến tình hình thị trường không ngừng biến động". Dường như nhóm OPEC + cảm thấy thoải mái khi giá dầu quanh mức 80 USD, bất chấp những lo ngại rằng giá cao có thể kìm hãm đà phục hồi còn yếu của kinh tế thế giới và từ đó làm giảm nhu cầu dầu.

Giải phóng Kho Dự trữ Chiến lược – chủ đề nóng nhất trên thị trường dầu lúc này - Ảnh 1.

Diễn biến giá dầu WTI trong một năm qua.

Tổng thống Mỹ đôn đáo tìm giải pháp hạ giá xăng dầu

Giá năng lượng leo thang là một trong những nguyên nhân chính đẩy lạm phát nóng lên trên khắp thế giới. Tại Mỹ, giá xăng tăng vọt khiến chỉ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh nhất trong vòng 31 năm, tăng 6,2% trong tháng 10/2021 so cùng kỳ năm ngoái, làm "nghẹt thở" các gia đình Mỹ, vốn vừa chật vật thoát khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe, Covid-19.

Lạm phát tăng quá nóng khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, bởi nền kinh tế nước này chưa hồi phục đủ vững chắc để ngân hàng trung ương có thể rút lại các chính sách kích thích kinh tế, nhưng nếu duy trì những chính sách nới lỏng như hiện tại sẽ tiếp tay cho lạm phát tăng cao.

Trong bối cảnh đó, trước thềm cuộc họp tháng 11 của OPEC+ - ngày 4/11, Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích sự do dự của OPEC+ đã góp phần làm cho giá xăng dầu tại Mỹ cũng như trên khắp thế giới leo thang, và yêu cầu tổ chức này đẩy mạnh cung dầu hơn nữa. Không chỉ Mỹ, các nước như Ấn Độ, Nhật Bản… cũng phàn nàn về việc giá xăng dầu quá cao và đánh tiếng yêu cầu OPEC+ nâng sản lượng. Tuy nhiên, những mong muốn này đã không được OPEC+ đáp ứng với lý do tổ chức này họ đang duy trì sự cân bằng của thị trường và vẫn cảnh giác với những thay đổi tiềm năng về nhu cầu. Cuộc họp tháng 11 của OPEC+ kết thúc với việc nhóm nhất trí bám sát kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 12 như đã định từ trước.

Không trông cậy được vào bên ngoài, Tổng thống Mỹ Biden sau đó đã yêu cầu Hội đồng kinh tế quốc gia tìm phương án để tiết giảm chi phí năng lượng và Ủy ban giao dịch liên bang hạn chế hành vi thao túng thị trường năng lượng.

Bên cạnh đó, ông Biden dự định sẽ xuất dầu từ Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia (SPR) Strategic Petroleum Reserve, và mới đây nhất đã đề nghị một số nước cùng tham gia hành động tương tự.

Kế hoạch phối hợp giải phóng dầu SPR có khả thi?

Một số nguồn tin cho biết, Chính phủ của Tổng thống Biden ngày 17/11 đã nêu vấn đề với các đồng minh thân cận, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, và cũng chia sẻ với Trung Quốc về việc xem xét giải phóng một phần dự trữ dầu thô trong nỗ lực phối hợp kiểm soát giá năng lượng nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất cứ cuộc đàm phán nào về vấn đề này, nên chưa có quyết định nào được đưa ra về việc có nên theo đuổi điều này hay bất kỳ hành động nào khác đối với giá dầu hay không.

Bản thân Nhà Trắng từ chối bình luận về nội dung chi tiết của các cuộc trò chuyện cụ thể với giữa Chính phủ Mỹ với các nước khác. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng cho biết: "Không có quyết định nào được đưa ra. Không có gì để báo cáo ngoài các cuộc thảo luận đang diễn ra và chúng tôi đang xem xét một loạt công cụ cần thiết".

Thông tin từ Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết, theo luật pháp nước, này không thể "giải phóng" dầu thô dự trữ SPR để hạ giá năng lượng. Còn phía Hàn Quốc cũng có thông tin cho biết nước này đang xem xét yêu cầu từ phía Chính phủ Mỹ, song cho biết thêm rằng họ chỉ có thể làm như vậy trong trường hợp mất cân bằng nguồn cung. Thái độ của Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy sự phản đối trong việc giải phóng dầu từ kho dự trữ.

Phía Trung Quốc không đưa ra bình luận gì về yêu cầu của Mỹ. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này hồi tháng 9 đã thông báo bắt đầu bán bớt dầu SPR để hạ nhiệt thị trường năng lượng. Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhập dầu nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều năm qua, Bắc Kinh đã nỗ lực củng cố kho dự trữ dầu khẩn cấp. Trung Quốc không công bố nhiều dữ liệu về lượng dầu dự trữ của nước này. Tuy nhiên, năm 2017, Trung Quốc tuyên bố thành lập 9 cơ sở dự trữ chính trên khắp đất nước với tổng sức chứa là 37,7 triệu tấn.

Như vậy, cho đến lúc này, trong số các nền kinh tế lớn, mới chỉ có Mỹ mong muốn "tột đỉnh" việc phối hợp xuất kho dự trữ dầu SPR.

Giới quan sát cho hay việc "giải phóng" kho dự trữ chiến lược, ngay cả khi chỉ Mỹ và Trung Quốc hành động, cũng có thể sẽ khiến giá giảm, ít nhất là tạm thời. Hồi tháng 9, chỉ Trung Quốc tuyên bố sẽ bán dầu SPR đã đủ để làm giá dầu đảo ngược chiều tăng trước đó. Do đó, việc các nước lớn giải phóng kho dự trữ dầu sẽ là một thách thức chưa từng có đối với OPEC.

Tuy nhiên, giá dầu sẽ giảm được bao lâu trong bối cảnh hiện tại, khi lạm phát tăng trên toàn cầu và giá các loại năng lượng đều cao? Đó là câu hỏi lớn khó có câu trả lời chính xác. 

Các nhà phân tích cho rằng thị trường dầu thô về cơ bản vẫn thắt chặt và bất kỳ khối lượng nào được giải phóng từ kho dự trữ đều khó có thể ảnh hưởng đến cán cân toàn cầu, và sẽ chỉ có tác động hạn chế đến giá dầu.

Tuy nhiên, động thái xả kho dự trữ chiến lược nếu được thực hiện được coi là một tín hiệu cho nhóm OPEC + rằng họ nên tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu từ các nền kinh tế lớn.

Tham khảo: Bloomberg, Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên