MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải quyết bài toán logistics tại Hà Nội để tăng trưởng bứt phá

Theo ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhờ sự hỗ trợ của Bộ Công thương thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tăng trưởng tích cực ngay cả khi bị tác động nặng nề bởi Covid-19. Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2020 tổ chức ngày 26/11.

Hà Nội duy trì tăng trưởng tích cực

Cụ thể, trong năm 2020, chỉ số phát triển công nghiệp của Hà Nội ước tăng 4,7%, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dự kiến tăng trên 2 con số. Như vậy, GRDP của Hà Nội năm nay ước tăng 4%, cao gấp 1,54 lần so với mức bình quân chung của cả nước.

Bên cạnh đó, hoạt động nông nghiệp trên địa bàn thành phố cũng có bước tiến mới. Ông Huệ cho biết, Hà Nội chưa bao giờ tăng trưởng nông nghiệp qua 3%. Nhưng đến năm nay, tăng trưởng nông nghiệp ít nhất cũng đạt 4,2%.

Có được kết quả này là nhờ sự đóng góp rất lớn của công nghiệp, nhất là sự phát triển của khu công nghiệp, cục công nghiệp, cục công nghiệp làng nghề. Sau hội nghị Hà Nội - Xúc tiến đầu tư 2020, thành phố đã đưa nhiều khu công nghiệp, cục công nghiệp, cục công nghiệp làng nghề vào hoạt động. Riêng quý 3 đã khởi động cùng lúc 43 khu công nghiệp làng nghề. Đến nay Hà Nội đã có 1.350 làng nghề và 500 làng có nghề.

Cùng với đó, thời gian qua Hà Nội cũng kết hợp Bộ Công thương để kết nối cung cầu với 52 tỉnh, thành phố của cả nước. Mới đây, tối ngày 25/11, Hội nghị kết nối cung cầu đã được tổ chức tại Hà Nội với hàng đặc sản từ hầu hết các tỉnh Việt Nam.

Nhờ đó, mặc dù tổng thu ngân sách nhà nước sụt giảm nhưng Hà Nội đã thu được 280 nghìn tỷ vào ngân sách địa phương (không kể khoản thu trung ương trên địa bàn). Con số này cao hơn so với cùng kỳ năm trước, đồng thời vượt mức dự toán trung ương giao.

Phát triển logistics là nhu cầu tất yếu, khách quan trong hội nhập kinh tế quốc tế

Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, logistics là ngành có giá trị gia tăng cao nhất trong khối ngành dịch vụ, góp phần tích cực sản xuất và thương mại. Vì vậy, thời gian vừa qua, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển ngành logistics. Thế nhưng, vấn đề ở đây là các doanh nghiệp logistics trên địa bàn Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu tại địa phương, chiếm 18% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Số còn lại đều do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.

Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, thời gian tới Hà Nội sẽ thực hiện nhiều biện pháp khác nhau. Trong đó, chú trọng phát triển thương mại điện tử, tiếp tục khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại, lợi thế địa kinh tế của thành phố, đầu tư xây dựng các kho bãi lớn...

Từ kinh nghiệm thực tiễn của Hà Nội, ông Vương Đình Huệ đã đề xuất 7 biện pháp nhằm cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý hành chính công, cải tiến hơn nữa, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thương mại qua biên giới.

Thứ hai, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giúp tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí.

Thứ ba, tập trung đánh giá khả năng tiếp cận và chi phí vốn của doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Thứ tư, tăng cường thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Thứ năm, xây dựng mạng lưới liên kết doanh nghiệp logistics, trong đó tập trung phát triển hệ thống logistics gắn với thương mại điện tử.

Thứ sáu, phát triển các giải pháp mới nhằm tiết kiệm nguồn nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thứ bảy, đề xuất Chính phủ sớm thử nghiệm hình thức kinh doanh đại lý hải quan của các doanh nghiệp logistics.

Ông Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội sẵn sàng kết hợp với Bộ Công thương để thử nghiệm mô hình kinh doanh đại lý hải quan. Qua đó, nỗ lực đưa logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hơn nữa vào phát triển chung của đất nước.

Hoài Thương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên