MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải quyết thế nào khi có mâu thuẫn giữa các co-founder hay tranh chấp bằng sáng chế: Startup nào cần chú ý để tránh rắc rối pháp lý sau này

18-11-2017 - 18:28 PM | Doanh nghiệp

“Trước khi mong thành công, các startup nên nhớ có rất nhiều rủi ro phi thị trường. Nhiều khi mình thất bại vì lý do này chứ không phải các yếu tố liên quan đến thị trường”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.

Khi triển khai ý tưởng kinh doanh, các doanh nhân khởi nghiệp thường tập trung vào thị trường và doanh số. Nhưng để startup có những bước đi vững chắc, tiếp tục tồn tại và phát triển thì hiểu biết về các rủi ro pháp lý là một trong những điều cần thiết.

Tại ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam 2017) diễn ra gần đây, các chuyên gia đã cùng thảo luận và đưa ra những lời khuyên thực tế cho startup để tránh rủi ro pháp lý sau này.

Trong số đó, rủi ro thường gặp nhất và các startup e ngại nhất chính là tranh chấp giữa những người sáng lập.

Một bạn nữ đã đưa ra câu hỏi cho các chuyên gia cụ thể như sau: “Chúng tôi có có 5 người, cùng góp tiền thành lập doanh nghiệp chung. Tôi đã từng nghe nói doanh nghiệp có 1 người thì làm ăn khó lắm, phải cùng nhau làm, mỗi người một thế mạnh thì mới có khả năng thành công. Tuy nhiên tôi nghĩ tranh chấp giữa mọi người là không thể tránh khỏi, vậy làm sao để nhận diện và tìm cách khắc phục trong trương lai?”.

Trả lời cho câu hỏi trên, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết có 2 loại rủi ro startup thường gặp, một là rủi ro thị trường, hai là rủi ro pháp lý. Tuy nhiên rủi ro pháp lý không phải do không tuân thủ luật pháp, mà là chưa biết sử dụng luật pháp để chia sẻ, bảo vệ lợi ích.

Giải thích rõ hơn điều này, ông Hiếu cho biết trong trường hợp của người hỏi, rủi ro pháp lý có thể xuất hiện khi các nhà sáng lập không còn chung chí hướng.

“Ví dụ, sau vài tháng hoạt động, một người rời nhóm đi lấy vợ nhưng lại nói rằng đã đóng góp công sức rất nhiều, những ai ở lại phải trả cho anh ta một khoản tiền, nếu không các bí quyết kinh doanh sẽ bị lấy hết đi”.

Trên thực tế, những vấn đề tranh chấp nội bộ không chỉ diễn ra với người lạ mà còn cả người thân, bạn bè, tri kỷ... Ông Hiếu nhớ lại đã có lần phải đứng ra giải quyết giữa tranh chấp giữa 2 bố con trong cùng một công ty.

“Nhiều người Việt Nam có thói quen nghĩ rằng khởi đầu tốt đẹp thì tương lai sẽ tốt đẹp. Họ ít khi ngồi lại với nhau để viết một văn bản thỏa thuận trước những điều xấu, dự phòng các điều khoản cần thiết khi ai đó rút lui, chia tay, phá sản,…”.

“Khi kinh doanh, càng sớm càng tốt, thậm chí trước khi bắt đầu kinh doanh thì những bản thoả thuận giữa các thành viên sáng lập nên được viết ra. Đây là chúng ta đang dùng luật dân sự để phòng ngừa và hạn chế tranh chấp xảy ra”, Phó viện trưởng CIEM khẳng định.

Đồng quan điểm với ông Hiếu, ông Lê Huy Anh trưởng phòng sáng chế, Bộ Khoa học và Công nghệ còn đưa thêm một vấn đề pháp lý các startup cần chú ý, đó là quyền sở hữu sáng chế. Thông thường các startup mang tính đổi mới sáng tạo sẽ sở hữu những sáng chế nghiên cứu mới, nhưng ai sẽ là người có quyền đi đăng ký và sở hữu sáng chế này?

“Tôi đã gặp trường hợp nhiều người cùng góp tiền tạo ra sáng chế, theo đó quyền nộp đơn đăng ký sáng chế và sau này sở hữu sáng chế phải thuộc về tất cả. Nhưng rủi ro sẽ phát sinh nếu một người trong đó có động cơ riêng, tự đi đăng ký cho riêng mình”.

Vì vậy ông khuyên các startup: “Sáng chế rất quan trọng vì nó liên quan đến vấn đề độc quyền. Trước khi bỏ vốn hay góp sức để khởi nghiệp, cần phải rõ ràng với nhau về quyền đăng ký sáng chế”.

Theo Hồng Lam

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên