MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải tỏa, xây nhà rồi lại bị giải tỏa

14-04-2016 - 11:54 AM | Bất động sản

Nhiều người dân đã dỡ nhà, bàn giao mặt bằng và xây nhà mới nhưng tiếp tục nhận được thông báo “sẽ giải tỏa tiếp”.

Một số hộ dân ở phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) như chết lặng khi mới đây UBND phường mời họp và thông báo sẽ giải tỏa một lần nữa để xây dựng cầu Bưng. Đáng nói năm 2009, các hộ dân này đã một lần vạt nhà, bàn giao đất cho dự án mở rộng đường Lê Trọng Tấn.

Vụ việc cũng xảy ra tương tự cho nhiều hộ dân ở phường An Lạc (quận Bình Tân) khi các dự án cống điều tiết kết hợp âu thuyền tại cửa rạch Nước Lên (gọi tắt là dự án âu thuyền) thực hiện kế tiếp dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (gọi tắt là dự án cải tạo kênh Tham Lương).

Dự án nối nhau, vạt nhà dân nhiều lần

Ông Nguyễn Văn Đậu (phường An Lạc) ấm ức khi căn nhà được xây sau khi giải tỏa đang đứng trước tình cảnh sẽ phải tháo dỡ. “Tôi đã bàn giao hai căn nhà cùng gần 500 m2 đất cho dự án cải tạo kênh Tham Lương. Gia đình vay mượn thêm tiền để mua thêm đất nối vào phần đất còn lại và xây nhà. Đến nay, tiền nợ còn chưa trả xong thì lại phải bị đập nhà một lần nữa” - ông Đậu nói.

Ông Đậu cho hay căn nhà này được xây xong vào cuối năm 2010, được cấp phép hẳn hoi. Đây là căn nhà cấp bốn rộng khoảng 140 m2 cho sáu người thuộc ba thế hệ của gia đình ông cùng sinh sống. “Theo thông báo, tôi phải giải tỏa hơn 100 m2 cho dự án âu thuyền” - ông Đậu rầu rĩ.

Tương tự, gia đình bà Võ Thị Kim Chi đã bàn giao mặt bằng cho dự án cải tạo kênh Tham Lương rồi vay mượn thêm tiền để mua thêm đất nối vào phần đất còn lại và xây nhà, xưởng mới. Thế nhưng căn nhà, cái xưởng này lại đang đối diện với “án tử” khi địa phương đã có thông báo giải tỏa. “Tiền mượn xây nhà còn chưa trả hết thì nay lại nhận tin giải tỏa lần nữa mà rầu thúi ruột” - bà Chi nói.

Ông Đậu cho biết thêm nhiều hộ dân trên địa bàn vướng phải cảnh này đã được UBND phường An Lạc mời họp nhiều lần, có sự tham gia của chủ đầu tư, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận. Tại các buổi họp này, đa phần người dân không đồng ý và đề nghị dời dự án này đến nơi khác, tránh gây xáo trộn cuộc sống cho người dân nhiều lần.

“Mỗi lần giải tỏa là mỗi lần dân khổ”

Một số hộ dân thuộc phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) cũng đang đứng trước nguy cơ giải tỏa lần hai khi vướng vào hai dự án mở rộng đường Lê Trọng Tấn và xây dựng cầu Bưng. Cả hai dự án này đều do Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (Khu 1), thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư.

Bà Trần Lương Thị Thế, một trong những người bàn giao mặt bằng sớm nhất cho dự án, nói: “Gia đình tôi mở công ty và đã giao hơn 300 m2. Chỗ đất còn lại, tôi xây lại nhà kiên cố để tiếp tục kinh doanh nhưng nay rất ngỡ ngàng khi biết vướng vào dự án xây dựng cầu Bưng. Các dự án nối tiếp dự án và lâu lâu cắt xén một lần thì khổ cho người dân quá. Sao họ không xác định một lần, giải tỏa một lần để vừa giảm phiền hà cho người dân, bớt tốn kém cho Nhà nước”.

Ông Trần Kỳ Hòa cho biết ngày 15-3, UBND phường Bình Hưng mời ông và nhiều hộ dân khác thông báo về việc thực hiện dự án xây dựng cầu Bưng. Trong khi trước đó, khi đường Lê Trọng Tấn mở rộng ông đã bàn giao mặt bằng rồi xây lại nhà, chuyển đổi hình thức kinh doanh. “Cuộc sống mới đang ổn định thì nay được thông báo vạt thêm

5 m đất bề sâu. Không biết sẽ có thêm dự án nào, sẽ còn lấy vạt tiếp nhà của chúng tôi thêm nữa không. Nhà nước có chủ trương tránh giải tỏa nhiều lần gây phiền hà cho dân. Vậy mà lại để tình trạng này xảy ra. Sao khi nghĩ tới một dự án không tính toán thật kỹ, giảm thiệt hại cho người dân” - ông Hòa nói.

Thiếu sót, dân bị giải tỏa nhiều lần

Theo ông Lại Phú Cường - Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân, dự án âu thuyền dự kiến ảnh hưởng đến 37 hộ đã bị giải tỏa một phần từ dự án kênh Tham Lương. Trong số này có năm hộ bị giải tỏa trắng, 17 hộ giải tỏa một phần và 15 hộ đất nông nghiệp. Khi quận công bố dự án thì vấp phải sự phản đối quyết liệt.

Ông Cường cho biết dự án âu thuyền đi theo dự án cải tạo kênh Tham Lương nhưng không được nghiên cứu kỹ dẫn đến việc giải tỏa hai lần. “Theo tôi, UBND TP cần có kết luận liên quan tới dự án này. Nếu vị trí dự án là đúng, phải thực hiện thì phải khẳng định bằng văn bản để quận có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo” - ông Cường đề nghị.

Còn đối với dự án Lê Trọng Tấn và cầu Bưng, Khu 1 cho biết năm 2007, UBND TP chấp thuận tách riêng dự án xây mới cầu Bưng khỏi dự án nâng cấp mở rộng hương lộ 13 (nay là đường Lê Trọng Tấn). Năm 2008, khi mở rộng đường Lê Trọng Tấn thì không thi công đoạn dài khoảng 280 m để chờ phối hợp xây cầu Bưng. Ông Cường cho biết thêm lúc đó Khu 1 và địa phương đã thông báo cho người dân trong khu vực này tạm thời chưa tháo dỡ (nhưng một số người dân nói họ không được thông báo - PV), chờ dự án cầu Bưng thực hiện một lần. Tuy nhiên, một số hộ giao mặt bằng trước nên đã sửa xây lại nhà nên mới đứng trước nguy cơ giải tỏa lần hai.

Quận rất quan tâm đến việc làm sao để người dân không bị thiệt thòi khi bị giải tỏa hai lần trong dự án âu thuyền.

Biện pháp giảm thiểu thiệt hại là phần giải tỏa mới sẽ đền bù theo giá thị trường. Phần giải tỏa cũ, nếu là đất nông nghiệp thì có thể hỗ trợ thêm việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn… theo quy định chứ không có hỗ trợ bồi thường phát sinh. Nếu là đất ở thì người dân thiệt thòi thấy rõ nên chúng tôi sẽ xem xét lại để giảm bớt thiệt thòi cho người dân.

Ông Lại Phú Cường, Trưởng ban Bồi thường giải phóng

mặt bằng quận Bình Tân

Theo Lê Thoa

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên