"Giảm 5 ngày thông quan sẽ mang lại cho Việt Nam 10,65 tỷ USD"
Việc giảm một ngày xử lý thương mại và thông quan xuất khẩu sẽ dẫn đến mức tăng tối thiểu 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm...
- 19-07-2018Bớt thủ tục thông quan, doanh nghiệp tiết kiệm hơn 200 triệu USD
- 28-12-2017Vụ buôn lậu ở Euro Auto: Hơn 600 xe BMW chưa được thông quan
- 04-11-2017Thu ngân sách hơn 1.500 tỷ đồng từ kiểm tra sau thông quan
Theo chuyên gia của Liên minh tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF), việc tăng 10% tính minh bạch theo yêu cầu của Hiệp định tạo thuận lợi thương mại toàn cầu của WTO (TFA) sẽ mang lại kim ngạch nhập khẩu hàng năm tăng thêm 8,7 tỷ USD cho Việt Nam.
Đây là một trong những nhận định của ông Eric Miller, Cố vấn cao cấp Liên minh tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF) tại Hội thảo bước kế tiếp trong tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam, do GATF phối hợp với Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) và Tổng cục Hải quan Việt Nam tổ chức.
TFA mang lại lợi ích gấp hơn hai lần CPTPP và FTA
Thỏa thuận thương mại đa phương đầu tiên với tên gọi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) đã được 112/164 thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) bỏ phiếu thông qua ngày 22/2/2017.
Việc thực thi TFA được kỳ vọng sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Việt Nam hưởng lợi, nhất là khâu cải tiến thủ tục hải quan. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn khá ít người biết đến hiệp định này cũng như ý nghĩa và tầm quan trọng của nó.
Theo ông Eric Miller, hiện nay chi phí thương mại ở các nước là rất lớn, nguyên nhân chính là do các chính sách kinh tế khi được thực thi dưới các bộ luật, các thủ tục hành chính cồng kềnh, lạc hậu.
Thực tế, một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại 126 nước cho thấy, chỉ có khoảng 25% lý do của sự chậm trễ trên các lô hàng được lấy làm mẫu là do đường xá hoặc cơ sở hạ tầng cảng yếu kém; còn có đến 75% là do rào cản hành chính như nhiều thủ tục hải quan, thủ tục thuế, các yêu cầu về giấy chứng nhận, thông quan và kiểm tra hàng hóa...
"Điều này có nghĩa là các quy định thương mại lỗi thời kết hợp với các thủ tục hành chính rườm rà, không minh bạch đã tạo ra một gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế, tương đương với mức thuế quan vô hình lên tới 164,25%", ông Eric Miller nhận định.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đây là rào cản lớn nhất cho sự gia nhập của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Theo các thống kê chính thức, 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần lớn trong số đó không có nguồn lực hoặc khả năng để vượt qua những rào cản này trong tình hình hiện nay.
Còn theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, việc thực hiện WTO TFA có thể làm tăng 60% đến 80% doanh số xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở một số nền kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với khả năng cạnh tranh và hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.
"Việc thực hiện đầy đủ TFA sẽ có tác động tới chi phí thương mại còn to lớn hơn so với tác động của việc giảm tất cả các mức thuế quan ưu đãi tối huệ quốc MFN xuống mức 0%... Điều này có nghĩa là việc thực hiện TFA đem lại giá trị hơn gấp đôi CPTPP, EVFTA và tất cả các hiệp định thương mại tự do khác cộng lại", ông Eric Miller nhấn mạnh.
Lấy ví dụ cụ thể để chứng minh tầm quan trọng của việc thực thi TFA, vị chuyên gia này áp dụng nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới với 126 quốc gia vào dữ liệu thương mại năm 2016 của Việt Nam.
Theo đó, việc giảm một ngày trong thời gian xử lý thương mại và thông quan xuất khẩu sẽ dẫn đến mức tăng tối thiểu 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, tương đương 2,13 tỷ USD. Đối với một số mặt hàng quan trọng trong nông nghiệp và các hàng hoá nhạy cảm với thời gian, mức tăng có thể lên đến 6%. Giảm 5 ngày sẽ mang lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 10,65 tỷ USD.
Còn một nghiên cứu khác lại cho thấy lợi ích từ việc tăng 10% tính minh bạch lên theo yêu cầu của TFA sẽ mang lại kim ngạch nhập khẩu hàng năm là 8,7 tỷ USD. "Điều này cũng dựa trên số liệu thương mại năm 2016 của Việt Nam", ông lưu ý.
Hải quan Việt Nam trước áp lực phải cải cách
Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên vị chuyên gia nước ngoài này vẫn cho rằng, nhiều bộ ngành hiện nay vẫn chưa sẵn sàng để thực hiện những thay đổi trọng yếu đối với các thủ tục tuân thủ hành chính.
Ông Miller nhận định, trong bối cảnh thiếu những thay đổi quan trọng về luật định, cùng với việc thiếu các công cụ, công nghệ và phương pháp luận mới để đảm bảo tuân thủ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, y tế cộng đồng, nền kinh tế quốc dân, nông nghiệp, môi trường, và các lợi ích, các ưu tiên khác của quốc gia, thì các cán bộ Việt Nam không thể cứ đơn giản "nới lỏng" các quy trình thanh tra và tuân thủ.
"Việc liên tục kêu gọi cán bộ các cấp cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính là không đủ để giải quyết những thách thức đặt ra mà cần có một cách tiếp cận mới để tạo nền tảng cho các cải cách trong pháp lý, quy định và thủ tục hành chính", chuyên gia này khuyến nghị.
Trong khi đó, đại diện cho Tổng cục Hải quan, ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng bày tỏ quan điểm, ngành hải quan Việt Nam đang nỗ lực cải cách thông qua các chương trình hành động về thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Theo ông Thành, cơ quan hải quan là cơ quan có trách nhiệm quản lý, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới, vừa thuận lợi cho thương mại lại vừa tuân thủ pháp luật, ngăn chặn, phát hiện kịp thời những việc làm sai quy định.
"Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngành hải quan ý thức rằng nếu không áp dụng phương pháp quản lý mới thì không thể được. Ngay những năm 1998, 1999, dự án Star của Hoa Kỳ đã giúp hải quan Việt Nam xây dựng bộ mã hàng hóa. Thời điểm đó kê khai hải quan chủ yếu bằng phương pháp phổ thông, kê khai bằng tay nhưng đã từng bước thực hiện mã hóa hàng hóa xuất nhập khẩu. Cho nên việc áp dụng công nghệ tiên tiến là việc làm bắt buộc để giảm thiểu chi phí, thời gian cho doanh nghiệp", ông Thành khẳng định.
Trên tinh thần đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng, một trong những biện pháp giúp thực thi tốt TFA tại Việt Nam là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, ví như áp dụng blockchain vào quản lý. Tuy nhiên, để làm được điều này thì tất cả các bộ ngành phải cùng đồng hành phát triển, chứ không thể chỉ một, hai đơn vị triển khai.
"Trên thực tiễn hải quan, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống quản lý hàng hóa từ khi nhập hàng, thông quan và xuất ra và ngày 30/10 sẽ cơ bản quản lý được hệ thống như thế này", đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.
Đồng tình với quan điểm của ông Mai Xuân Thành cũng như ý kiến của ông Miller, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, thời gian qua Việt Nam đã có những nỗ lực trong cái cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi thương mại. Đơn cử như cắt giảm thời gian thông quan, mỗi một bộ hồ sơ đã tiết kiệm được 19 USD, một năm tiết kiệm được 200 triệu USD, hay cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng nghìn dòng hàng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, vẫn cần sự cố gắng hơn nữa để đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra, như phải giảm được hơn 50% điều kiện kinh doanh, giảm thiểu hơn nữa thời gian thông quan hàng hóa, cũng như xây dựng các biện pháp để thực thi tốt hơn các hiệp định thương mại tự do như TFA.
Vneconomy