MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô điện sẽ khiến ngân sách hụt thu 8.625 tỷ đồng

Giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô điện sẽ khiến ngân sách hụt thu 8.625 tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, nếu áp dụng mức lệ phí trước bạ cho ô tô điện bằng 50% ô tô xăng, số thu ngân sách sẽ giảm 8.625 tỷ đồng/năm còn nếu bằng 0%, thu ngân sách sẽ giảm 17.250 tỷ đồng.

Theo báo cáo đánh giá tác động Dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Lệ phí trước bạ (LPTB) mà Bộ Tài chính vừa đưa ra, nếu áp dụng mức lệ phí trước bạ cho ô tô điện bằng 50% ô tô xăng, số thu lệ phí trước bạ sẽ giảm 8.625 tỷ đồng/năm.

Bộ Tài chính đánh giá, nếu thực hiện thu mức lệ phí trước bạ cho ô tô điện chạy pin bằng 50% ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (tương đương từ 5% đến 7,5%) trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và nộp LPTB từ lần thứ 2 trở đi với mức thu bằng mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi thì sẽ có nhiều tác động tích cực đối với người tiêu dùng, môi trường, kinh tế xã hội và doanh nghiệp sản xuất ô tô điện.

Tuy nhiên, việc quy định mức thu LPTB đối với xe ô tô điện chạy pin bằng 50% LPTB đối với xe ô tô chạy xăng, dầu cùng loại trong 5 năm sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước do số thu thuế LPTB đối với các dòng xe ô tô khác sẽ giảm vì khi đó người tiêu sẽ chuyển sang sử dụng xe ô tô điện chạy pin thay thế cho các loại xe ô tô khác.

Trong khi số thu LPTB đối với xe ô tô điện chạy pin chỉ bằng 50% số thu từ các dòng xe khác. Theo thống kê các năm gần đây thì số thu LPTB đối với ô tô chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu LPTB (năm 2017 chiếm 69%; năm 2018 chiếm 69,7%; năm 2019 chiếm 74,6%; năm 2020 chiếm khoảng 79%).

Đơn cử như hiện nay, trong nước mới chỉ có một doanh nghiệp sản xuất xe ô tô điện chạy pin là Vinfast với công suất sản xuất, lắp ráp là 250.000 xe/năm.

Giả định sản lượng tiêu thu xe ô tô điện chạy pin sau khi chính sách này được ban hành bằng với công suất sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện chạy pin của VinFast hiện nay là 250.000 xe/năm, tương đương số xe ô tô điện chạy pin tiêu thụ là 250.000xe/năm, giá xe ô tô điện chạy pin của VinFast (chưa bao gồm pin) là 690 triệu đồng/xe, mức thu LPTB lần đầu đối với xe ô tô chạy xăng, dầu áp dụng phổ biến tại các địa phương là 10%, theo đó mức thu LPTB lần đầu đối với xe ô tô điện chạy pin sẽ là 5% thì số thu LPTB đối với ô tô điện chạy pin là khoảng 5.175 tỷ đồng.

Trong giả thiết số lượng tiêu thụ xe ô tô điện chạy pin tăng lên tương ứng với số lượng xe ô tô chạy xăng, dầu giảm đi, với giá tính LPTB bình quân đối với xe ô tô chạy xăng, dầu bằng giá tính LPTB đối với xe ô tô điện chạy pin thì khi thực hiện 3 giải pháp trên sẽ tác động đến số thu ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ giảm 8.625 tỷ đồng/năm.

Giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô điện sẽ khiến ngân sách hụt thu 8.625 tỷ đồng - Ảnh 1.

Nếu thực hiện theo phương án miễn LPTB cho ô tô điện, số thu ngân sách nhà nước bị giảm sẽ ở mức 17.250 tỷ đồng còn nếu không giữ nguyên mức thu hiện hành sẽ không gây ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước nhưng không khuyến khích được doanh nghiệp sản xuất ô tô điện cũng như không đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông và bảo vệ môi trường sinh thái.

Mặt khác, theo VAMA Việt Nam thì lượng xe điện hóa đăng ký tính đến hết năm 2020 chỉ khoảng 1.000 chiếc; chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (khoản 0,16%) trong tổng số lượng xe ô tô đăng ký LPTB.

Một trong những nguyên nhân khiến số lượng ô tô điện chưa phát triển nhiều tại Việt Nam là do thiếu hạ tầng giao thông giành cho ô tô điện như chưa có trạm sạc cho ô tô điện, điểm đỗ xe tĩnh, quỹ đất để bố trí trạm sạc cho xe điện.

Đồng thời, không phải cổng cắm sạc của các loại xe điện đều được tạo ra giống nhau nên việc phát triển hệ thống trạm sạc có thể đáp ứng nhu cầu sạc điện cho tất cả các loại xe điện sẽ là thách thức không nhỏ. Theo đó, nếu thực hiện chính sách ưu đãi LPTB đối với ô tô điện thì nhu cầu sử dụng ô tô điện sẽ tăng chủ yếu ở những đô thị lớn nơi có hạ tầng giao thông phát triển nên số lượng ô tô điện sẽ tăng không quá lớn.

Do đó, mức tác động cụ thể đến số thu NSNN của việc thực hiện ưu đãi LPTB đối với ô tô điện ở mỗi địa phương sẽ là khác nhau và còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như: việc phát triển hạ tầng giao thông cho ô tô điện, mức giá ô tô điện của mỗi hãng sản xuất, mức thu LPTB cụ thể của mỗi địa phương, thu nhập của người dân,…

Sau khi nghiên cứu tác động của các giải pháp trên cơ sở so sánh tác động tích cực và tiêu cực giữa các giải pháp, đồng thời trên cơ sở đảm bảo phù hợp với mục tiêu giải quyết vấn đề là vừa đảm bảo việc ưu đãi đối với xe ô tô điện chạy pin, cũng như để tránh ảnh hưởng lớn đến thu NSNN, thì đề nghị thực hiện theo phương án ô tô điện chạy pin nộp LPTB lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (tương đương từ 5% đến 7,5%) trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và nộp LPTB từ lần thứ 2 trở đi với mức thu bằng mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (2%).

Đây cũng là phương án mà Bộ Tài chính đã đề xuất tới Chính phủ.

Theo Nguyễn Thắm

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên