Giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần: Có lộ trình để không gây "sốc"
“Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ là một chính sách rất "sốc" cho người lao động. Việc sửa đổi cần có lộ trình, vì thực tế khi người lao động quá khó khăn, kể cả có cắt giảm 50% thì tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần vẫn xảy ra”…
Quan điểm này được ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói với VnEconomy, liên quan đến đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần , trong dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới đây.
NHẬN BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN, MẤT CƠ HỘI CÓ LƯƠNG HƯU ?
Theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà sau một năm không tham gia bảo hiểm xã hội đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 lần mức tiền lương bình quân tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, hoặc người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc ra nước ngoài đế định cư hợp pháp thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 2 lần mức tiền lương bình quân tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Chia sẻ với VnEconomy về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói rằng, đề xuất của cơ quan soạn thảo xuất phát từ thực tế vừa qua có tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng rất cao, chỉ trong năm 2020 là trên 800.000 người nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chính sách an sinh cũng như quá trình phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, khi tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng thì cơ hội để họ được hưởng chế độ hưu trí lâu dài sẽ rất khó khăn.
Theo ông Quảng, đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần là chủ trương đúng đắn về việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Theo quy định hiện hành, với mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động khi thôi việc nhận bảo hiểm xã hội một lần thì được hưởng chế độ 2 tháng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi, trong khi đó dự thảo đề xuất giảm 50% mức hưởng, tức là chỉ còn 1 tháng.
“Đề xuất này theo quan điểm của tôi là không hợp lý. Đồng ý chủ trương là cần thắt chặt điều kiện để giảm tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, cần có nhiều giải pháp, trong đó giải pháp căn cơ nhất là phải làm sao nâng cao thu nhập cho người lao động, để khi chấm dứt hợp đồng lao động thì họ vẫn có khoản tiền tích trữ duy trì cuộc sống trước mắt trong thời gian chưa tìm được công việc mới”, ông Quảng bày tỏ.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh - N.Dương.
Qua thực tiễn tiếp xúc với nhiều người lao động, ông Quảng cho rằng, hầu hết người lao động nói rất muốn duy trì bảo hiểm xã hội lâu dài để có lương hưu. Nhưng, trước mắt do cuộc sống quá khó khăn nên chấp nhận rút bảo hiểm xã hội một lần, thậm chí có tình trạng bán bảo hiểm xã hội một lần sau khi đã nhận.
CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ, CẮT GIẢM ĐỘT NGỘT SẼ GÂY “SỐC”
Cũng theo ông Quảng, để hạn chế tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần rất cần có những giải pháp khác đồng bộ khác, chứ vấn đề không phải chỉ là cắt giảm chế độ. “Nếu cắt giảm 50% mức hưởng sẽ là một chính sách rất sốc cho người lao động. Tôi cho rằng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội là phải có tính kế thừa, việc sửa đổi cần có bước đi, lộ trình, còn nếu như đề xuất hiện nay là quá sốc.
Trong thực tế, khi người lao động đã quá khó khăn và đang trong trường hợp rất cần thiết thì kể cả có cắt giảm 50% thì họ vẫn nhận bảo hiểm xã hội một lần”, ông Quảng nhìn nhận.
Cũng từ thực tế này, theo ông Quảng dẫn đến việc có trường hợp người lao động phải bán cả bảo hiểm xã hội một lần còn hơn là đi vay nóng để trang trải cho cuộc sống.
“Vì lẽ đó, theo tôi chính sách nếu có đề xuất giảm thì cũng phải giảm có lộ trình và mức độ, chứ không thể giảm như 50% như đề xuất của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ đây chỉ là đề xuất ban đầu, sau này khi đưa vào chương trình xây dựng luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), phương án này cần được xem xét kỹ và nhiều cấp có ý kiến nữa”, ông Quảng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo thẩm định Đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới đây, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định rất cụ thể các trường hợp người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần (Điều 60, Điều 77).
Việc ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 chỉ mang tính chất tạm thời, xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn, có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống trước mắt.
Ngoài ra, việc thực hiện giải pháp này có thể dẫn đến mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thấp hơn so với mức hưởng hiện nay.
Vì vậy, để tránh gây ra những phản ứng xã hội không tốt như trường hợp Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ Tư pháp cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách. Nhất là về lộ trình giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tránh gây ra tâm lý hoang mang cho người lao động.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm, giai đoạn 2016-2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%. Riêng trong tháng 5/2021, có 103.918 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nâng tổng số 5 tháng đầu năm 2021 lên 469.744 người.
Vneconomy