Giảm cấp phó, đề cao trách nhiệm bộ trưởng
Theo TS Thang Văn Phúc, cần giảm cấp trung gian, đề cao trách nhiệm bộ trưởng, trưởng ngành. Trong ảnh: Một phiên họp chính phủ (Ảnh: Như Ý)
"Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, cấp phó càng ít, công việc càng hiệu quả. Nhiều nước, tổng thống, hay thủ tướng chỉ có một cấp phó. Vấn đề là phải đề cao trách nhiệm của bộ trưởng. Anh phải chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu ngành, không phải tất cả cứ đẩy lên Chính phủ hay Thủ tướng", TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ trao đổi với Tiền Phong.
Giảm cấp phó là xu hướng tất yếu
Sau Hội nghị Trung ương 3, tới đây Quốc hội sẽ quyết định cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới. Ông thấy sao khi nhiều ý kiến cho rằng, cần giảm bớt bộ máy trung gian, trước tiên nên giảm cấp phó, giảm 1 phó thủ tướng, tức chỉ duy trì 4, thay vì 5 phó thủ tướng như hiện nay?
Trong vấn đề cải cách hành chính đã nêu ra vấn đề này. Đây là xu hướng tất yếu trong tiến trình phát triển. Lâu nay chúng ta vẫn quen sử dụng nhiều cấp phó. Trong khi ở các nước, họ chỉ cần một trưởng và một phó. Bởi các bộ trưởng chính là người đứng đầu ngành, họ có đủ thẩm quyền thực hiện tất cả các chức trách, nhiệm vụ quản lý trong thẩm quyền của mình. Cấp phó cũng chỉ là cấp trung gian. Có nhiều cấp phó sẽ làm cho bộ máy nặng nề, cồng kềnh, trách nhiệm không rõ ràng, chưa thực sự phát được huy hiệu quả. Do vậy, bây giờ phải làm cho rõ ràng, mạch lạc hơn.
TS Thang Văn Phúc
"Có nhiều cấp phó sẽ làm cho bộ máy nặng nề, cồng kềnh, trách nhiệm không rõ ràng, chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Do vậy, bây giờ phải làm cho rõ ràng, mạch lạc hơn".
TS Thang Văn Phúc
Trong cải cách bộ máy đều nhấn mạnh vai trò của các bộ, ngành, phải chịu trách nhiệm về lĩnh vực của mình theo quy định của pháp luật. Những gì pháp luật chưa quy định thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm giải quyết. Nếu Chính phủ cũng chưa đủ thẩm quyền thì phải trình Quốc hội.
Khi giảm cấp phó sẽ đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân cũng như của mỗi bộ, ngành và không có chuyện đùn đẩy trách nhiệm, thưa ông?
Đúng vậy. Tôi được biết tới đây, cơ cấu bộ máy sẽ được tổ chức mạch lạc trên tinh thần phân cấp, phân quyền rõ ràng, không còn chồng lấn, đùn đẩy trách nhiệm. Tất nhiên, có những việc cần sự phối hợp giữa các ngành, một bộ chủ trì, còn các bộ, ngành khác sẽ phối hợp. Điều này đã được đặt ra từ nhiều năm trước, nhưng việc cải tiến còn chậm. Hiến pháp năm 2013 cũng đã đề cập rất rõ việc phân cấp, phân quyền trong bộ máy.
Vừa qua, chúng ta đã xây dựng một đề án chiến lược trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, định hướng tới năm 2045. Cơ cấu quyền lực bao gồm Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp cần phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ và có điều kiện để kiểm soát lẫn nhau. Kiểm soát quyền lực là vấn đề rất lớn. Bất cập hiện nay là chúng ta có rất nhiều cơ quan thanh tra, kiểm soát, nhưng vẫn còn lỗ hổng. Từ Đại hội XII đến Đại hội XIII đã đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Điều đó là đúng nhưng phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của họ.
Nhiều cấp phó, khó làm việc
Không chỉ cồng kềnh, chồng chéo, có ý kiến cho rằng, nhiều cấp phó còn tạo ra tâm lý ỉ lại. Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông thấy sao về nhận định này?
Đúng là nhiều phó thì khó làm việc. Quyền lực phải tập trung, phải quy định rõ chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm của người đứng đầu. Đây là tầm nhìn, hướng đến bộ máy Nhà nước hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình trước dân. Kinh nghiệm cho thấy, cấp phó càng ít, càng hiệu quả. Nhiều nước, Tổng thống, hay Thủ tướng cũng chỉ có một cấp phó. Vấn đề là phải đề cao trách nhiệm của bộ trưởng - một trong những khâu cực kỳ quan trọng. Anh phải chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu ngành, không phải việc gì cũng đẩy lên Chính phủ, hay Thủ tướng. Có những việc từ cấp xã cũng đưa đẩy lên tận Trung ương thì giải quyết sao nổi. Cần thay đổi từ mô hình quản lý sang quản trị đất nước.
Theo ông, số lượng và nhân sự cấp phó có nên để cho cấp trưởng lựa chọn, quyết định?
Việc này cũng đã được nêu ra từ Đại hội IX, lúc đó chúng tôi cũng đưa ra nguyên tắc đó. Tức là, người đứng đầu phải được lựa chọn nhân sự của mình và anh phải chịu trách nhiệm. Đến lúc xảy ra sai phạm, mất người, mất tài sản, mà anh chẳng chịu trách nhiệm gì thì không ổn. Tất nhiên, muốn làm được như vậy cần có cả một quá trình. Lâu nay chúng ta thực hiện còn rất hạn chế. Chúng ta cũng đã có cơ chế tuyển chọn nhân tài bằng thi cử cạnh tranh, nhưng làm cũng chưa được ổn lắm. Nếu làm thực sự bài bản, mạch lạc thì sẽ có kết quả cao hơn.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn cho rằng, bộ máy hiện nay còn chồng chéo, tầng nấc. Vậy theo ông, cần phải giải quyết vấn đề này như thế nào?
Điều quan trọng là phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ, ngành. Điều này đã được nêu ra và làm nhiều lắm rồi. Từ những năm 2000, khi còn công tác, tôi đã đưa ra vấn đề này rồi. Khi có Nghị quyết, lúc đó tư tưởng phân cấp, phân quyền mới rõ ràng. Lĩnh vực nào, ngành nào còn chồng chéo, trùng lắp thì sáp nhập với nhau.
Cần có sự phân cấp rõ ràng, việc của địa phương phải giao cho địa phương, còn việc gì không làm được phải hướng dẫn. Việc gì của dân phải để dân làm, đừng sợ dân sai. Bộ máy Nhà nước sinh ra là để thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Cảm ơn ông.
Tiền Phong