Giảm định giá công ty từ 100 tỷ còn 25 tỷ, Shark Liên vẫn bắt tay được với startup sản xuất tay robot cho người khuyết tật chỉ nhờ một gợi ý của Shark Hưng
Vulcan từng là quán quân giải thưởng doanh nhân cộng đồng Blue Venture Award, trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia vào vòng thi quốc tế The Venture với giải thưởng 1 triệu USD.
Vulcan Augmetics không phải là cái tên xa lạ trong cộng đồng startups. Startup sản xuất tay robot cho người khuyết tật này là một trong 7 dự án được Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp 2020 (SpeedUp 2020) của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM kí hợp đồng hỗ trợ trong 6 tháng đầu năm 2020.
Trước khi đến với Shark Tank mùa 4, startup này được định giá 1,4 triệu USD. Vulcan từng là quán quân giải thưởng doanh nhân cộng đồng Blue Venture Award, trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia vào vòng thi quốc tế The Venture với giải thưởng 1 triệu USD.
Để phát triển giai đoạn kế tiếp cho sản phẩm tại Việt Nam, Trịnh Khánh Hạ và Rafael Master – hai nhà đồng sáng lập Vulcan Augmetics đến Shark Tank 4 để kêu gọi đầu tư 5 tỷ đồng cho 5% cổ phần.
Sản phẩm chính của Vulcan Augmetics là cánh tay giả có thể cầm nắm. Ngoài ra, Vulcan còn phát triển những mô đun để hít đất hoặc giúp người khuyết tật có thể sử dụng máy tính, làm các công việc phục vụ bàn, bưng bê… để cải thiện cuộc sống.
Khánh Hạ cho biết có 40 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 5% trong số họ tiếp cận được với những sản phẩm tương tự.
"Ba tôi là bộ đội, từ nhỏ đến lớn tôi lớn lên trong một xóm bộ đội tại Phú Yên, mình chứng kiến sự cống hiến của ba mình luôn luôn trong tư thế sẵn sàng phục vụ cộng đồng. Khi gặp Rafael tôi thấy nó phù hợp với mục đích sống của tôi", Khánh Hạ chia sẻ.
Cánh tay robot của Vulcan được kết nối Bluetooth ở bên trong. Để sử dụng, người dùng sẽ đeo bộ cảm biến ở cổ chân và điều khiển bằng cách chạm ngón chân. Cánh tay robot này không những có thể cầm nắm, lái xe mà còn có thể xoay cổ tay 360 độ. Trên thế giới, một sản phẩm tay điện có chức năng tương tự Vulcan có giá từ 60 triệu cho đến vài trăm triệu đồng, với chức năng xoay 360 độ có thể lên đến hàng tỷ đồng. Trong khi đó, dòng sản phẩm tay điện robot đầu tiên "made in Vietnam" do Vulcan Augmetics nghiên cứu và phát triển chỉ có giá từ 23-25 triệu đồng.
Sản phẩm được ra mắt vào đầu năm 2021 đã ngay lập tức ký kết được hợp đồng phân phối tại 17 trung tâm, bệnh viện chỉnh hình trên toàn quốc. Trong đó, có 3 trung tâm đã mang về khách hàng với hơn 20 người đang sử dụng sản phẩm.
Rafael nói thêm, trên thế giới hiện đang có 57 triệu người khuyết tật tay, chân và hàng năm lại có thêm 1 triệu ca mới. Cho rằng thị trường trị giá 12,3 tỷ USD nhưng chưa được quan tâm và khai thác, nhất là các các quốc gia đang phát triển, startup này kêu gọi đầu tư để tăng tốc, mở rộng sản xuất sang chân giả và sớm xuất khẩu sang Ấn Độ.
Lý giải về việc doanh nghiệp mới thành lập nhưng định giá doanh nghiệp lên đến 100 tỷ đồng, Rafael cho hay: "Vì sản phẩm và phân khúc của chúng tôi là thiết bị y tế. Dù mới thành lập nhưng chúng tôi đã có sản phẩm, giấy phép và đã đưa vào hoạt động. Hai đối thủ của chúng tôi, một bên mất 4 năm và 1 triệu USD, một bên tốn 6 năm và 1,2 triệu USD để đi đến giai đoạn tương tự như chúng tôi. Vì vậy chúng tôi hoàn toàn tin vào giá trị mà mình đưa ra". Vulcan chỉ cần bán ra 13 chiếc là đã hòa vốn về mặt vận hành.
Hai nhà sáng lập Vulcan cũng cho biết thêm, họ đã trải qua 3 vòng gọi vốn với 3 đơn vị khác nhau, tổng tiền nhận đầu tư 180.000 USD. Trong đó vòng gọi vốn gần nhất, công ty được định giá 1,4 triệu USD đến từ nhà đầu tư Hàn Quốc.
Trước một startup hướng tới cộng đồng với lý tưởng và mục đích rõ ràng như Vulcan, Shark Liên không ngần ngại đưa ra đề nghị 5 tỷ cho 25% cổ phần. Phần "trả giá" khá mạnh tay khiến giá trị doanh nghiệp từ 100 tỷ chỉ còn 20 tỷ của Shark Liên được bà nhấn mạnh "đừng quá chú trọng vào số tiền". Shark Liên giải thích: "Tôi không chỉ đầu tư tiền cho các bạn, mà tôi còn đem được sản phẩm của các bạn đến với thế giới vì nhiều người khuyết tật cần đến các bạn".
Shark Liên cũng phân tích thêm rằng, bà sẵn sàng hỗ trợ đăng ký bằng sáng chế cho startup tại Đức và một khi đã được chấp nhận tại Đức, Vulcan sẽ dễ dàng đi khắp châu Âu và nhiều châu lục khác. Nữ "cá mập" cũng khẳng định startup không thể so sánh bà với những nhà đầu tư khác trước đó vì những giá trị bà có thể mang lại.
Đánh giá cao ý tưởng của startup, tuy nhiên Shark Việt, Shark Hưng và Shark Bình đều rút khỏi thương vụ này vì không phù hợp. Trong khi đó, Shark Phú khẳng định startup chỉ mới bắt đầu thâm nhập thị trường nên những con số kinh doanh không có nhiều ý nghĩa và ông quyết định không đầu tư.
"Doanh nghiệp của em đặt mục tiêu vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận", Shark Bình đặt câu hỏi.
"Chúng tôi là doanh nghiệp xã hội. Chúng tôi có tầm nhìn lớn với những tác động tích cực cho xã hội nhưng chúng tôi cũng tập trung mục tiêu tạo ra lợi nhuận. Chúng tôi tin rằng phải có tiền thì mới mở rộng được tác dộng và mang sản phẩm này đến với nhiều người hơn nữa", Rafael trả lời.
Mặc dù rất cảm kích trước lời đề nghị duy nhất của Shark Liên nhưng Khánh Hạ cho rằng rất khó khi định giá của Shark Liên thấp hơn các vòng gọi vốn trước đó, Co-founder của Vulcan Augmetics đề nghị nâng lên 5 tỷ cho 10% cổ phần.
Shark Liên cho rằng với các lợi thế đưa Vulcan đưa sản phẩm sang Đức nên không thể so sánh với các nhà đầu tư khác.
Tưởng chừng bế tắc thì lúc này Shark Hưng vào "giải cứu" deal bằng cách đưa ra lời khuyên: "Thực ra offer của Shark Liên là rất giá trị, vì có thể đưa sản phẩm của các em sang Đức, Shark Liên làm trong công ty bảo hiểm và các quỹ từ thiện có thể mua sản phẩm để tặng cho người có nhu cầu nhưng các bạn vướng ở chỗ nhận khoản đầu tư giá trị doanh nghiệp thì lớn nhưng giá trị rất nhỏ. Nếu Shark Liên đòi 25% thì down khá sâu, cách thứ nhất là mặc cả với Shark Liên và cách hai là giữ tỷ lệ 15% còn 10% còn lại tặng cho shark Liên nếu Shark Liên thực hiện được các cam kết".
Sau đó Shark Liên điều chỉnh lại deal còn 5 tỷ cho 25%, trong đó 15% cổ phần, 10% là free share sau khi Shark hoàn thành các cam kết.
Cuối cùng, vì muốn giúp Vulcan Augmetics theo đuổi lý tưởng vì cộng đồng, Shark Liên chấp nhận đề nghị 5 tỷ cho 23% cổ phần, trong đó 10% là advisory shares kèm cam kết hoàn thành các thỏa thuận trong thời gian 1-3 tháng.