Giám đốc bán trăm phiếu âm tính Covid-19 giả và người mua đối diện án nào?
Theo luật sư, nếu hành vi làm giả các giấy xét nghiệm Covid-19 dẫn đến phát sinh các ca bệnh mới thì đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý thêm hành vi làm lây lan dịch bệnh cho người khác, có thể bị xử phạt 12 năm tù.
- 13-08-2021Giảm chi phí, tối ưu chỉ số tài chính - Cách doanh nghiệp "sinh tồn" qua Covid
- 13-08-2021Số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục, hệ thống y tế Nhật Bản đối mặt với khủng hoảng
- 13-08-2021Thất nghiệp vì Covid năm 2021 có được lĩnh BHXH một lần không?
Ngày 12/8, Công an TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) cho biết đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Trần Tấn Dương về hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan tổ chức, đồng thời tiếp tục đấu tranh mở rộng.
Đối tượng Trần Tấn Dương tại cơ quan công an.
Trước đó, vào 12h ngày 11/8, Công an TP Bắc Ninh tiến hành kiểm tra Văn phòng Công ty TNHH thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân (trụ sở tại khu Chu Mẫu, Phường Vân Dương, TP Bắc Ninh) do Trần Tấn Dương (34 tuổi, ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) làm Giám đốc.
Tại đây, Công an phát hiện Dương đang bán cho Vũ Văn Chiến (32 tuổi, ở phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh) 6 phiếu giả kết quả xét nghiệm Covid-19, trong đó có 5 phiếu test nhanh, 1 phiếu xét nghiệm PCR in tên Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ (trụ sở tại phường Võ Cường, TP Bắc Ninh) với số tiền 1 triệu đồng.
Tiến hành khám xét Văn phòng Công ty của Dương, Công an TP Bắc Ninh thu giữ 7 phiếu giả kết quả xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn; một số văn bằng xác nhận chứng thực giả và nhiều tang vật liên quan.
Tại cơ quan điều tra, Dương khai nhận: Do công nhân, người lái xe cho các công ty trong khu công nghiệp (KCN), lái xe đường dài cần phiếu xét nghiệm Covid-19 để đi làm và ra vào các KCN trong, ngoài tỉnh, Dương nghĩ cách làm giả phiếu xét nghiệm của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ để bán kiếm lời.
Đối tượng Dương làm việc với cơ quan công an. |
Dương sưu tầm phiếu xét nghiệm thật có dấu đỏ của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ, scan và lưu lại trên máy tính. Sau đó, Dương chỉnh sửa thông tin cá nhân mà khách đã chuyển qua zalo, scan dấu đỏ trên phiếu xét nghiệm thật, in màu và tự ký giả vào mục kỹ thuật viên, lãnh đạo bệnh viện. |
Với thủ đoạn này, Dương đã làm và bán khoảng 150 phiếu giả kết quả xét nghiệm Covid-19 với giá 150.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm nhanh và 250.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm PCR.
Giấy xét nghiệm của đối tượng làm giả. |
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết: ''Để phòng chống dịch Covid-19 thật tốt, điều quan trọng nhất là mỗi người phải có ý thức trách nhiệm cao trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. |
Trong những quy định thiết thực để tránh sự lây lan giữa các địa phương hiện nay, yêu cầu có xét nghiệm PCR là điều hợp lý.
Xét nghiệm PCR là kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong y học. Phương pháp này thường được dùng để chẩn đoán một số bệnh đặc hiệu, liên quan đến các loại virus mà các phương pháp xét nghiệm truyền thống không thể làm được.
Do đó, việc làm giả các giấy tờ này để qua mắt cơ quan chức năng là hành vi hết sức nguy hiểm, bởi có thể dẫn đến bùng phát dịch".
Luật sư Bình dẫn nội dung "Tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức'' theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội danh này là 07 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, nếu hành vi làm giả các giấy xét nghiệm này làm phát sinh ca bệnh mới thì đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý thêm hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác. Trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự. Người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 12 năm tù.
Nếu xảy ra trường hợp này, người mua cũng bị phạt như người làm giả giấy tờ, phải chịu trách nhiệm hình sự với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác.
Infonet