Giám đốc "bật mí" bí kíp đầu tư BĐS: "Thời làm nhân viên lương 8 triệu/tháng, tôi đã mua nhà đất 2 tỷ, mua ô tô rồi"
Khi mức lương chỉ có 8 triệu đồng, anh Thắng đã mua được căn nhà đất 2 tỷ đồng một cách dễ dàng mà không cần phải vay tới 70% vốn ngân hàng. Cũng bằng cách sử dụng vốn đặc biệt, anh Thắng tiếp tục mua ô tô để phục vụ cho công việc.
Anh Nguyễn Mạnh Thắng (Giám đốc công ty CTT tại Hà Nội) chia sẻ về bí quyết sở hữu căn nhà đất 2 tỷ và xe ô tô khi mới 30 tuổi dù xuất phát điểm với công việc văn phòng, lương 8 triệu đồng. Khi đó, nếu chăm chỉ làm thêm, tổng thu nhập của anh mới lên tới 15 triệu đồng.
Kể lại về lần mua nhà khá mạo hiểm nhiều năm trước, anh Thắng bảo: "Nếu không có sự quyết đoán khi đó, thật sự rất khó để tôi làm được nhiều việc khác quan trọng hơn". Anh Thắng và vợ lựa chọn ở cùng bố mẹ để tiết kiệm tiền. Vào một ngày, anh biết được thông tin một người rao bán căn nhà đất 2 tỷ đồng nằm ở vị trí đẹp. Anh quyết định bằng mọi cách phải mua căn nhà này.
Anh tính toán, tổng số tiền tiết kiệm mà anh gom góp nhiều năm đi làm được 200 triệu đồng. Cộng với số tiền tài sản buôn bán của vợ anh được thêm 200 triệu đồng. Như vậy, anh đang thiếu khoảng 1,6 tỷ cho căn nhà đất.
(Ảnh minh hoạ)
"Tôi đã nghĩ tới một phương án để hạn chế tối đa nhất khoản tiền vay ngân hàng. Tôi liệt kê danh sách từ 20-30 người bạn trong công việc, từng học cùng đến những người bạn gặp nhau vì "cái duyên". Tôi dự định sẽ vay 10 triệu đồng mỗi người. Như vậy, tôi có khả năng vay được khoảng 200-300 triệu đồng. Nếu vay một mức nhỏ như vậy thì mọi người đều có thể cho tôi vay dễ dàng, thời gian lâu.
Vợ tôi cũng thực hiện tương tự, lên một danh sách với số lượng những người bạn có thể vay được. Sau đó, tôi sẽ chân thành, chia sẻ với những người bạn mình rằng: "Tôi đã lỡ đặt cọc một căn nhà 2 tỷ mà đang thiếu khoảng hơn 1 tỷ, mong muốn vay bạn 10 triệu đồng". Với chia sẻ thật lòng, bạn bè tôi đều đồng ý cho vay" – anh Thắng kể.
Sau khi vay bạn bè, anh Thắng và vợ đã gom thêm được 600 triệu đồng. Anh cũng không ngần ngại nhờ bố mẹ hai bên và họ hàng, anh em thân thiết. Tổng số tiền anh vay thêm họ hàng là 500 triệu đồng.
"Tích tiểu thành đại. Ai cho vay ít tôi cũng nhận hết". Số tiền còn lại là 500 triệu đồng, anh xác định vay ngân hàng.
Lý giải về quyết định vay bạn bè và người thân, anh Thắng cho rằng, nhiều bạn trẻ ngày này đều muốn tự lập, tự phấn đấu mà không muốn nhờ cậy ai. "Trước 30 tuổi, tôi cũng hay ngại khi nhắc đến chuyện vay nợ bạn bè. Nhưng sau này, tôi nghĩ rằng: Không phải ngại. Khi khó khăn mình mới cần nhờ đến bạn bè. Đây còn là cách sử dụng vốn rất hiệu quả, tiết kiệm. Mình nhận của bạn bè lúc này, có cơ hội gia tăng thu nhập. Khi mình có điều kiện, mình có thể cảm ơn lại khéo léo với những người đã tốt với mình".
Theo anh Thắng, với việc vay người thân và bạn bè, tổng số tiền anh vay ngân hàng chỉ chiếm tới khoảng 25%, một con số an toàn, không tạo ra áp lực cho chính gia đình anh.
Chia sẻ thêm về câu chuyện mua xe, anh Thắng cười kể tiếp: "Ngày đó, tôi còn tổ chức ăn tân gia. Đúng hôm ăn tân gia, nhiều người bạn của tôi "lúc chén chú, chén anh" đã không ngần ngại xóa nợ và mừng số tiền lớn. Số tiền mừng tân gia tới 100 triệu đồng. Với số tiền này, tôi tiết kiệm thêm và mua một chiếc ô tô để thuận tiện cho công việc. Đến sau này, tôi luôn tìm cách cám ơn lại những người đã hỗ trợ, giúp đỡ khi vợ chồng tôi còn khó khăn".
Anh Thắng chia sẻ thêm rằng, khi nợ, bản thân chúng ta sẽ sinh ra động lực để kiếm tiền. Khi sở hữu một tài sản như ô tô hay nhà, cách suy nghĩ của chúng ta cũng sẽ khác, tư duy kiếm tiền tự động thay đổi.
Dù hoàn thành giấc mơ sở hữu căn nhà đất riêng nhưng anh Thắng và vợ vẫn lựa chọn ở với bố mẹ để tiết kiệm tiền. Căn nhà anh mua được dùng để cho thuê. Anh Thắng tiết lộ, số tiền thuê được đủ để trang trải tiền sinh hoạt phí cho các con đến thời điểm hiện tại.
"Muốn sở hữu một căn nhà, khi còn trẻ, bạn khó có thể làm được điều đó nếu thu nhập, tích lũy chưa cao. Nhưng bạn đừng ngại ngần mà lại không sử dụng "nguồn lực" bên cạnh mình. Đừng cảm thấy xấu hổ mà hãy nghĩ đây là cách đầu tư, để mình tốt lên. Khi bạn tốt lên, bạn mới có thể hỗ trợ lại được bạn bè của mình" – anh Thắng kết luận.
"Tôi vẫn thường thấy những bạn trẻ cơ quan tôi đôi lúc sống thiếu mục tiêu. Họ có khoản tiền nhỏ nhưng đổ vào chứng khoán, chạy theo may rủi. Thực ra tôi nghĩ, với 200 triệu đồng, 5 bạn cùng góp lại đã có thể mua được 1 căn chung cư. Đó là một tài sản. Khi căn chung cư tăng giá, các bạn sẽ chắc chắn có một khoản tiền lời. Đưa ra ví dụ này, tôi chỉ muốn nói rằng: "Có rất nhiều cách để chúng ta tập đầu tư mà quan trọng là nhìn nhận vấn đề như thế nào mà không nhất thiết phải có xuất phát điểm thật nhiều tiền mới đầu tư được".