Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: "Chúng tôi đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty Trường Sinh"
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ 0h ngày 12/4, bệnh viện được dỡ bỏ lệnh cách ly, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Bạch Mai sẽ hoạt động bình thường trở lại.
- 12-04-20200h ngày 12/4, Bệnh viện Bạch Mai chính thức được dỡ bỏ lệnh phong toả: Hàng trăm y bác sĩ bật khóc vì được về với gia đình
- 11-04-2020Nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai nhiễm Covid-19: "Cùng làm trong nghề y, tôi rất thương các bác sỹ"
- 10-04-2020Điều kì diệu tại BV Bạch Mai những ngày cách ly toàn diện: Hàng chục y bác sĩ mặc đồ bảo hộ nỗ lực cứu sống sản phụ bị sốc mất máu, 2 lần ngừng tim
Đúng 0h ngày 12/4, Bệnh viện Bạch Mai được dỡ bỏ lệnh phong tỏa, sau 14 ngày cách ly. Bên trong bệnh viện, hàng trăm y bác sỹ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vỗ tay hoan hô, bật đèn trên điện thoại và giơ cao. Họ vui mừng, cảm tưởng như đón giao thừa, đợi giờ giây phút đặc biệt nhất.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - đã thay mặt Bệnh viện nhận quyết định 1052/QĐ-UBND về việc kết thúc vùng cách ly y tế, từ đại diện uỷ ban phường Phương Mai.
Thời khắc Bệnh viện Bạch Mai chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa, hàng trăm nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vui mừng hò reo.
Trong giây phút ý nghĩa này, xin ông cho biết cảm xúc của mình?
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Đêm nay giống như thời khắc giao thừa, tuy không phải sang một năm mới, nhưng mở ra một kỷ nguyên mới cho bệnh viện Bạch Mai.
Bản thân tôi cũng như các bác sĩ tại Bệnh viện cảm thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì chúng tôi đã vượt qua được chặng đường khó khăn khi toàn bộ bệnh viện bị cách ly, trong khi vẫn phải duy trì hoạt động chuyên môn, khám chữa bệnh cho các bệnh nhân nội trú và rất nhiều bệnh nhân nặng.
Bên cạnh đó, chúng tôi phải tiếp nhận những ca cấp cứu, ngoài khả năng chữa trị của các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời tiếp tục duy trì chạy thận nhân tạo cho hơn 500 người. Đặc biệt, chúng tôi còn phải lo hậu cần cho hơn 3.200 người bao gồm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và đội ngũ y bác sỹ.
Đây là công việc nếu như bình thường thì sẽ đơn giản thôi, nhưng khi cách ly hoàn toàn thì gặp rất nhiều khó khăn.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Từ ngày 12/4, bệnh viện sẽ quay trở lại hoạt động bình tường, tiếp nhận bệnh nhân như trước đây?
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Từ 0h ngày 12/4, bệnh viện được dỡ bỏ lệnh cách ly, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Bạch Mai sẽ hoạt động bình thường trở lại.
Chúng tôi tiếp tục duy trì hoạt động như hiện nay cho hết tháng 4. Bởi vì trong thời gian cách ly "nội bất xuất, ngoại bất nhập" vừa rồi, điều kiện hỗ trợ về phương tiện kĩ thuật, đặc biệt máy móc để rà soát, sàng lọc, loại trừ các bệnh nhân có khả năng nhiễm bệnh rất hạn chế. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần 2 tuần sau cách ly để trang bị toàn bộ hệ thống đảm bảo cho người bệnh, người nhà bệnh nhân, y bác sỹ để làm sao đầu tháng 5 chúng tôi có thể triển khai khám chữa bệnh bình thường.
Sự kiện này có ý nghĩa như nào đối với bệnh viện?
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Thứ nhất, trong 14 ngày vừa rồi, tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đều an toàn, không ai dương tính với Covid-19. Đấy là thành công và chúng tôi đã chiến thắng dịch bệnh.
Thứ hai, việc dỡ bỏ cách ly là tiền đề quan trọng để bệnh viện quay lại hoạt động bình thường, khám chữa bệnh chăm sóc cho bệnh nhân.
Sau 0h ngày 12/4, việc kiểm soát người ra vào bệnh viện như thế nào?
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Mọi hoạt động kiểm soát người ra vào bệnh viện diễn ra như thời điểm đang cách ly, và không tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú và bệnh nhân tái khám.
Chúng tôi chỉ điều trị nội trú và nhận cấp cứu các trường hợp vượt quá khả năng tuyến dưới. Toàn bộ quá trình kiểm tra, giám sát được duy trì như hiện nay để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế.
Ông đánh giá thế nào về biến cố lần này của bệnh viện?
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Đây là sự kiện không ai mong muốn, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra, không chỉ ở Bạch Mai mà còn khá nhiều bệnh viện khác trên địa bàn như Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản.
Bệnh viện là nơi người bệnh đến khám chữa bệnh, hoạt động rất lớn nên khả năng bị lây nhiễm Covid-19 từ cộng đồng vào là điều không tránh khỏi. Người bệnh có sức đề kháng kém, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm virus.
Nhiều người đã bật khóc, ôm chầm lấy nhau khi Bệnh viện được dỡ bỏ phong toả.
Bệnh viện đã đưa ra biện pháp gì để khắc phục khó khăn trong thời gian bị phong toả?
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Khi Bạch Mai xuất hiện các ca bệnh dương tính Covid-19 là nhân viên của công ty Trường Sinh chuyên cung cấp dịch vụ, toàn bộ công việc hậu cần khi đó phải nhờ tới một đối tác mới. Tuy nhiên, thời gian đầu gặp khá nhiều trục trặc về vấn đề cung cấp, số lượng cũng như chất lượng bữa ăn chưa đảm bảo. Nhưng cùng với thời gian, chúng tôi đã khắc phục được chuyện đó, đảm bảo bữa ăn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế luôn đầy đủ dưỡng chất, không để xảy ra hiện tượng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bệnh viện có còn tiếp tục làm việc với Công ty TNHH Trường Sinh hay không?
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Chúng tôi đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Trường Sinh, và sẽ tổ chức đấu thầu tìm đối tác khác đảm bảo uy tín cũng như chất lượng cung cấp bữa ăn cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, đặc biệt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để tạo ra nguồn cung cấp nước sôi cho người bệnh khi chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Trường Sinh, Bệnh viện đã lắp đặt 100 thùng nước với dung tích 3.500 lít vừa lọc vừa đun, trước mắt sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho người bệnh hiện nay, nếu cần sẽ tăng thêm.
Hiện, Bệnh viện đang có dự phòng 100 thùng nước, sẵn sàng để cung cấp nước sôi và nước sạch cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bất cứ lúc nào.
Chân thành cảm ơn GS.TS Nguyễn Quang Tuấn.
Trước đó, Bệnh viện thực hiện quy định "nội bất xuất, ngoại bất nhập" bắt đầu từ ngày 28/3 sau khi ghi nhận 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, là 2 nữ điều dưỡng bệnh nhân 86, 87.
Chính quyền Hà Nội sau đó đã rà soát, ghi nhận hơn 52.000 trường hợp liên quan (bệnh nhân, người thân đến thăm...) trên cả nước; trong đó riêng Hà Nội trên 16.000 trường hợp. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã xét nghiệm được hơn 15.000 trường hợp và đều cho kết quả âm tính; những người còn lại dự kiến được xét nghiệm xong trước 12/4.
Tất cả các cán bộ bác sỹ, y tá, điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai với xấp xỉ 4.000 người cũng đã được xét nghiệm lần thứ 2 và có những trường hợp đến nay đã được xét nghiệm lần thứ 3 và đều có kết quả âm tính.
Khi tổ chức phong toả bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng đưa trên 600 người nhà của bệnh nhân đi cách ly tập trung tại khu ký túc xá Đại học FPT Hoà Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Tổ quốc