Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Covid-19 là thứ virus ghê sợ nhất, đánh tan hoang những con rồng, con hổ của kinh tế thế giới
PGS/T.S Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - Phó trưởng đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, vừa có những chia sẻ đầy xúc động trên mạng xã hội về dịch bệnh cũng như niềm tin chiến thắng đại dịch.
- 29-07-2021Thêm gần 660.000 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca về đến Việt Nam
- 29-07-2021Anh tặng Việt Nam 415.000 liều vắc-xin phòng Covid-19
- 29-07-2021Sáng 29/7 thêm 2.821 ca mắc COVID-19 mới tại 21 tỉnh, thành phố
- 28-07-2021NÓNG: Hà Nội phong toả Vincom Bà Triệu, truy vết khẩn cấp liên quan bảo vệ nghi nhiễm Covid-19
- 28-07-2021Việt Nam ghi nhận 6.559 ca mắc COVID-19 trong ngày 28/7, TP.HCM có 4.449 ca
"Được ít phút nghỉ ngơi nhưng tôi không chợp mắt nổi vì những hình ảnh đã gặp 3 ngày qua. Đại dịch không khác gì cơn bão quét qua những miền trù phú của đất nước, để lại cảnh xác xơ, lạnh lẽo. Những phố phường không bóng người, chỉ có tiếng còi hú của cứu thương, cảnh sát. Những cánh đồng bỏ hoang cho dù cái đói có thể ập đến bất cứ lúc nào", PGS/T.S Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ trên Facebook.
Vị ĐBQH đoàn An Giang đặc biệt ấn tượng với hình ảnh những khuôn mặt thấm đẫm sự căng thẳng, mệt mỏi của các đồng chí công an tới những bạn trẻ đang tình nguyện hỗ trợ hoạt động chống dịch. Đặc biệt, hình ảnh một cậu công nhân trẻ mắc kẹt trên hành trình về quê để lại cho ông những cảm xúc mạnh mẽ.
"Cậu công nhân chắc chỉ hơn con trai tôi mấy tuổi, trên đường về Đắc Lắc, đi lạc vào vùng phong tỏa lúc nào không biết. Vậy là chẳng thể quay ra vì tiến lên có một chốt chặn khác, quay về lại gặp anh công an mà để cậu vượt qua lúc nãy. Cậu bảo chẳng còn tiền trả trọ. Đi về nhà là lựa chọn cuối cùng của chàng trai trẻ mới 'chập chững' vào đời", ông Hiếu kể lại.
Mắc kẹt giữa vùng dịch, chàng trai trẻ hoang mang khi không biết làm gì để sống tiếp. Tuy nhiên, cậu bé đã được sự giúp đỡ kịp thời của lực lượng công an và người dân địa phương. Một gia đình sẵn sàng cho cậu ở lại qua đêm.
"Lén rút ít tiền dúi vào tay cháu. Lúc bước vào xe nhìn lại vẫn thấy cháu ngồi bệt bên lề đường, đầu gục xuống. Hình ảnh ấy ám ảnh tôi đến tận lúc này", PGS/T.S Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Theo vị Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, COVID là thứ virus ghê sợ nhất vì nó "không màu, không mùi, không vị" nên đã len lỏi khắp mọi nơi trên trái đất, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nó có thể đánh gãy chân ghế của vị Tổng thống quyền uy, làm tan hoang những con rồng, con hổ của nền kinh tế thế giới và dễ thấy nhất là hại biết bao mảnh đời khốn khổ, đã ở sát miệng của vực sâu.
Với những gì Covid-19 để lại, ông Hiếu tin những người coi thường COVID chỉ "như một trận cúm mùa" chắc cũng đã hiểu chỉ một chút chủ quan, bao gia đình đã trả cái giá quá đắt. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng cũng không thể trách họ vì trong lịch sử, chưa ai có cơ hội chứng kiến một đại dịch tồi tệ đến thế để đưa ra tiên lượng, dự báo.
"Buồn lo là vậy nhưng cuối giờ trưa, sau khi nói chuyện với các y bác sĩ bệnh viện dã chiến tầng 1, tầng 2 trong tháp chống dịch 3 tầng của tỉnh Bình Dương, tôi đã có niềm hy vọng chúng ta vẫn có thể vượt qua đại dịch", ông Hiếu chia sẻ.
Niềm hy vọng đó, theo ông Hiếu, không bắt nguồn từ máy móc, trang thiết bị, thuốc men hay phát kiến khoa học mà đơn giản là những ánh mắt những con người đang nỗ lực ngăn chặn virus gây họa.
"Hy vọng đó tới từ ánh mắt vị giám đốc trung tâm y tế huyện - quyết tâm xây dựng bệnh viện tầng 3 hồi sức bệnh nhân nặng và nguy kịch, cho đến cậu học trò đã trụ lại đây 1 tháng, vật lộn trong tâm dịch nhưng vẫn khẳng định ‘em ổn Thầy ạ’…. Chúng ta sẽ ổn vì COVID không thể chiến thắng được chúng ta", PGS/T.S Nguyễn Lân Hiếu tin tưởng.