MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc CDC Mỹ: Việt Nam đang đi đúng hướng khi áp dụng 5K trong ngắn hạn, tiêm vaccine cho người dân trong dài hạn!

Giám đốc CDC Mỹ: Việt Nam đang đi đúng hướng khi áp dụng 5K trong ngắn hạn, tiêm vaccine cho người dân trong dài hạn!

Giám đốc Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Bác sĩ Eric Dziuban, khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng, song cần kiên trì thực hiện 5K trong bối cảnh chưa có nhiều vaccine để sử dụng tại thời điểm này.

Ưu tiên làm chậm sự lây nhiễm

Trong buổi trò chuyện trực tuyến ngày 22/7 về việc đối phó với dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, ông Eric Dziuban thông tin, hơn một năm qua, đến trước tháng 4/2021, Việt Nam vẫn rất thành công trong kiểm soát 3 làn sóng Covid-19.

Lý giải về điều này, ông Eric cho rằng, một phần là vì từ 20 năm qua, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác như MERS, SARS, kể cả ZIKA mà các biện pháp y tế cộng đồng có ý nghĩa quan trọng, một phần nhờ các biện pháp kiểm soát cũ, truy vết, xác định F0 phát huy tác dụng.

Theo đó, các giai đoạn kiểm soát dịch bệnh cụ thể gồm: thứ nhất là ngăn ngừa, đảm bảo dịch bệnh không xảy ra. Khi bệnh đã xuất hiện thì khống chế các ca bệnh. Việt Nam đã thực hiện các biện pháp như hạn chế nhập cảnh từ nước ngoài, xác định F0, truy vết và cách ly hiệu quả cao trong hơn một năm qua.

Trong tình hình mới, với số ca nhiễm cao hiện nay, mục tiêu giảm số ca nhiễm lập tức về 0 là không còn khả thi, nhưng làm chậm tốc độ lây nhiễm để không nhiều người mắc bệnh cùng lúc, đảm bảo khả năng tiếp nhận cho hệ thống y tế , giảm tác hại của dịch bệnh (về người) là cần thiết.

Đại diện CDC Mỹ tại Việt Nam nhận định: "Không phải các biện pháp kiểm soát trước đây hết hiệu quả, mà do dịch bệnh ở Việt Nam đã sang một giai đoạn mới nên cần áp dụng các biện pháp bổ sung trong khi vẫn phải hạn chế số ca nhiễm mới, kiểm soát các ổ dịch nhỏ, cần giảm tỷ lệ lây nhiễm, hạn chế tác hại của virus.

Biến thể Delta đã thay đổi tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới, số ca nhiễm trên nhiều nước hiện nay cũng tăng. Nếu biến thể đã nhanh hơn, mạnh hơn, thì phản ứng của chúng ta cũng phải nhanh hơn, mạnh hơn. Đó là lý do các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ đã được đưa ra, thật sự tập trung vào hệ thống y tế để đảm bảo hệ thống này không bị quá tải".

Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, về ngắn hạn, cần hạn chế sự lây lan của virus bằng 5K vì nếu không làm vậy, dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng và gây nhiều tác hại. Về dài hạn, cần tiêm vaccine cho đại đa số người dân.

Giám đốc CDC Mỹ: Việt Nam đang đi đúng hướng khi áp dụng 5K trong ngắn hạn, tiêm vaccine cho người dân trong dài hạn! - Ảnh 1.

Việt Nam có nên 'sống chung với Covid-19' tương tự Singapore?

So với Việt Nam, Singapore có tỷ lệ dân số được tiêm vaccine cao hơn nhiều. Do vậy, quốc gia này có thể áp dụng những chiến lược khác khi tính tới nguy cơ virus lây lan trong cộng đồng, tình trạng hệ thống y tế và tỷ lệ tiêm vaccine.

Ông Eric Dziuban nhận xét, Việt Nam đã "khôn ngoan" khi lựa chọn chiến lược Covid-19 của riêng mình khi đánh giá về tỷ lệ tiêm vaccine hiện tại và không hành động như thể mọi người đều đã được tiêm vaccine.

"Việt Nam đã nhận được khoảng 4,3 triệu liều vaccine Covid-19, nhưng chỉ khoảng 324.000 người được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Vì thế, đây vẫn là một chặng đường dài. Điều này đồng nghĩa với việc, vẫn còn một số lượng rất lớn dân số dễ bị tổn thương trước dịch bệnh Covid-19. Nhìn chung, các kế hoạch cần thời gian để đánh giá về tính hiệu quả".

Theo Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 chỉ kết thúc khi nó kết thúc ở mỗi quốc gia. Đồng thời, khi viện trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam, Mỹ coi Việt Nam là một đối tác và là một người bạn.

Ông kết luận: "Đây không phải là một cuộc đàm phán hay buôn bán mà là chúng tôi thực sự mong muốn có nhiều người Việt Nam hơn được tiêm vaccine. Chừng nào mà virus còn tiếp tục lây lan ở một số khu vực trên thế giới, thì phần còn lại của thế giới vẫn gặp rủi ro".

Tháng 5/2021, bác sĩ Eric Dziuban bắt đầu nhận công tác tại Việt Nam. Trước đó, trong vị trí tương đương tại Namibia, ông đã cố vấn cho việc lập kế hoạch phản ứng khẩn cấp về Covid-19 cho Chính phủ Namibia.

Ngoài ra, ông cũng hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật cho các dự án của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ và Hiệp hội Nhi khoa tại Mỹ.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên